Chuyện làng văn: Lời bình của Nguyễn Khải
Dạo đó, Nguyễn Khải còn rất trẻ và mới chập chững vào nghề. Được điều động về công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, ông có phần e sợ, rụt rè. Tạp chí Văn nghệ Quân đội lúc này tập hợp quanh nhà văn Thanh Tịnh nổi tiếng từ trước cách mạng 1945 (làm chủ nhiệm) còn nhiều tên tuổi văn thơ khác.
Một hôm, Thanh Tịnh và các nhà văn khác đi họp vắng, Nguyễn Khải nhận nhiệm vụ thường trực tòa soạn. Giữa buổi, có một cộng tác viên đến gặp. Ông này là một cây bút văn xuôi, tuổi đã cao, nhưng rất sôi nổi, nhiệt tình. Vừa bước vào phòng thường trực, ông đã yêu cầu được gặp chủ nhiệm Thanh Tịnh.
- Báo cáo anh, anh Thanh Tịnh và các anh khác hôm nay có việc phải đi họp vắng ạ.
Nghe Nguyễn Khải giãi bày xong, ông cộng tác viên nọ liền trừng mắt:
- Vậy thì anh là ai?
- Dạ, thưa tôi là... Nguyễn Khải ạ.
- Nguyễn Khải! Anh cũng là nhà văn?
- Dạ... thưa...
- Anh đã có những tác phẩm gì?
- Dạ, thưa... tôi được giao nhiệm vụ trực tòa soạn ạ.
Nhìn Nguyễn Khải đỏ mặt, ấp úng, ông cộng tác viên liền đập tay xuống bàn, đứng phắt dậy gay gắt:
- Này, anh. Anh xưng tên, nhưng tôi chưa hề nghe thấy tên tuổi anh trong văn giới bao giờ! Tôi chẳng biết anh là ai cả. Vậy làm sao tôi có thể tin cậy giao phó tác phẩm của tôi cho anh được!
Nói rồi, cắp bản thảo vào nách, quay lưng, ra khỏi phòng thường trực, đi thẳng, để mặc Nguyễn Khải vừa sững sờ, vừa ngượng ngùng đứng đấy.
Khi đã là một tên tuổi lớn trong làng văn, kể lại sự việc này với bạn bè, Nguyễn Khải bình:
- Chẳng thể trách ông cộng tác viên nọ được. Có trách họa chăng là trách mình, cái anh tự xưng là nhà văn mà không có tác phẩm để người đời biết và nhớ!