Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ hoạch định đường lối, chiến lược xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025”.
Hội thảo là dịp để tổng hợp ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội, phục vụ hoàn thiện Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng, nhất là Báo cáo chính trị trong thời gian sắp tới.
Cung cấp luận cứ khoa học vững chắc cho hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước giai đoạn tới
Phát biểu tại Hội thảo, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Hội thảo khoa học với chủ đề “Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho Hội đồng lý luận Trung ương làm đầu mối tổ chức thực hiện, cùng sự tham gia của các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, nhằm cung cấp những luận cứ khoa học vững chắc cho hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước giai đoạn tới.
Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Đại hội lần này càng có vị trí, vai trò hết sức đặc biệt, mang tính chất bước ngoặt đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc khi Đảng ta tròn 100 năm thành lập; đánh dấu kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 50 năm thống nhất đất nước.
Đây cũng là thời điểm mà chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết với nền tảng phát triển của đất nước ở tầm cao mới, là dịp để chúng ta khơi dậy niềm tự hào, niềm tin, bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quyết tâm thực thắng lợi đường lối đổi mới. Bên cạnh đó, đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá cho giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới thay đổi.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết, hiện nay, các tiểu ban đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung hoàn chỉnh văn kiện, vì vậy Hội thảo này được tổ chức rất đúng thời điểm. Các cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ đường lối phát triển đất nước, trên cơ sở đó các bài tham luận của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa sẽ góp phần làm sâu sắc hơn để đưa ra kiến nghị làm cơ sở cho Đại hội sắp tới.
Thế giới đang thay đổi nhanh, phức tạp trên mọi mặt như khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, an ninh chính trị, an ninh phi truyền thống… Vì vậy, đất nước cần có những dự báo của các chuyên gia để xây dựng nền hòa bình trong bối cảnh mới và cách ứng phó mọi thách thức của thời cuộc.
Những phân tích, nhìn nhận lại các kết quả của các lĩnh vực và đúc kết những kết quả nổi bật nhất từ các chuyên gia theo từng lĩnh vực sẽ là tiền đề quan trọng giúp Văn kiện có được cái nhìn toàn diện, đồng bộ nhằm xây dựng đất nước ổn định để phát triển hiệu quả, đồng bộ, toàn diện về mọi mặt.
Cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Với tinh thần trách nhiệm, khách quan, khoa học, Hội thảo đã có nhiều thảo luận, đề xuất có giá trị, thiết thực, phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng, xây dựng cơ sở khoa học phục vụ cho cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, công tác hoạch định đường lối của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIV.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Đặng Đình Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, bối cảnh quốc tế trong giai đoạn sắp tới đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế toàn cầu và quá trình toàn cầu hóa đang có xu hướng chững lại. Bên cạnh đó, hòa bình, hợp tác và phát triển còn là xu thế lớn nhưng lại gặp phải rất nhiều thách thức và khoa học công nghệ thay đổi từng ngày. 3 đặc điểm rõ nhất của giai đoạn 10 năm tới là cạnh tranh, thậm chí là đối đầu giữa các nước lớn; phân mảng và đứt gãy.
Tuy nhiên, trong bối cảnh này, chúng ta vẫn có cơ hội từ nền tảng là thành tựu 40 năm đổi mới. Ngoài ra, có hai nguồn lực vẫn khai thác được là địa - chiến lược, địa - kinh tế.
PGS.TS Đặng Đình Quý chỉ ra thách thức lớn nhất Việt Nam có thể đối mặt trong giai đoạn sắp tới là tụt hậu xa hơn và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. “Để vượt qua được những thách thức đó, quan trọng nhất là câu chuyện đổi mới sáng tạo, mà đổi mới sáng tạo thì quan trọng nhất là khoa học công nghệ và con người. Tài nguyên lớn nhất của Việt Nam là con người”, PGS.TS Đặng Đình Quý nói.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ, qua 40 năm chúng ta thực hiện đổi mới, thế giới đánh giá vị thế của nền kinh tế Việt Nam đã tăng lên rất nhiều. Từ những năm 1986, GDP bình quân đầu người của chúng ta chỉ khoảng 74 USD nhưng đến năm 2023 đã tăng lên 4.300 USD, quy mô kinh tế cũng ngày càng được mở rộng.
Từ năm 1986 đến 2023, tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 6,5%/năm. Dù không đạt được tốc độ như kỳ vọng nhưng tốc độ tăng trưởng của chúng ta trong khu vực và thế giới cũng ở mức cao. Tổng cục Thống kê đưa ra dự báo đến năm 2030, với tình hình xu hướng thế giới, với ý chí quyết tâm chính trị và sự điều hành thông suốt của cả hệ thống chính trị, những mục tiêu tăng trưởng chúng ta đặt ra là khả thi.
“Chúng tôi dự báo giai đoạn 2021-2030 có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 6,66 -6,71%/năm, tuy thấp hơn mục tiêu của chiến lược đặt ra nhưng vẫn rất cao. GDP bình quân đầu người dự kiến năm 2030 đạt khoảng 7500 USD và chúng ta đang phấn đấu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trước năm 2030. Dự báo quy mô GDP đến năm 2030 đạt khoảng 816 - 820 tỷ USD, gấp khoảng 2,35 lần so với năm 2020. Dự báo đến năm 2045, nền kinh tế quy mô đạt khoảng 2.730 đến 2.740 tỷ USD, gấp 3,4 lần quy mô năm 2020 và gấp 7,8 lần quy mô năm 2020”, Bà Đỗ Thị Ngọc thông tin.
Về tình hình xã hội, Tổng cục Thống kê dự báo đến năm 2030, tỷ lệ dân số sống ở thành thị Việt Nam là khoảng 50%, phù hợp với mục tiêu đề ra. Dự báo đến năm 2036, chúng ta sẽ chuyển từ thời kỳ dân số già hóa sang dân số già, cùng ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0, đòi hỏi cần tiếp cận nhanh để phát triển lực lượng lao động chất lượng cao.
“Dự báo rằng chúng ta có thể tăng 2 triệu việc làm đối với lao động chất lượng cao nhưng lại giảm 7 triệu việc làm đối với lĩnh vực cần nhiều lao động như may mặc, dệt may,...”, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
7 giải pháp để đào tạo, tuyển dụng và thu hút nhân tài
Tham luận tại Hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, nhân lực, đặc biệt là nhân tài đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Nhân tài là sức mạnh, là nguồn lực nội sinh đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước nhanh và bền vững trong thời gian tới.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn đề xuất 7 giải pháp liên quan đến vấn đề đào tạo, tuyển dụng và thu hút nhân tài. Thứ nhất, muốn có đột phá trong công tác nhân tài, cần đặc biệt lưu ý về nhận thức trong vấn đề này. “Tư tưởng phải thông” mới có thể triển khai. Sự nhận thức chung, đồng bộ giữa tất cả các lĩnh vực rất cần thiết. Thứ hai, phải tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và tạo cơ chế hiệu quả trong công tác thu hút, trọng dụng, sử dụng nhân tài.
Thứ ba, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách đào tạo nhân tài. Cần lưu ý về xây dựng các chương trình, quy hoạch các dự án liên quan đến giáo dục đào tạo, tăng cường các tiềm lực khoa học công nghệ,...
Thứ tư, không ngừng kiến tạo môi trường làm việc phù hợp để nhân tài có thể phát huy năng lực. Môi trường không chỉ là nơi để trọng dụng mà còn là nơi tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và phát huy để nhân lên giá trị của nhân lực, đội ngũ trí thức, nhân tài.
Thứ năm, đặc biệt tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài. Thứ sáu, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, các tổ chức chính trị trong công tác đào tạo, phát triển nhân tài. Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, sử dụng nhân tài, đặc biệt với các cơ sở giáo dục đào tạo.
Để thực hiện được các mục tiêu và đưa các giải pháp thực sự hiệu quả, theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, nên tập trung vào 3 cấp độ.
Ở cấp độ của các cơ quan Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, GS.TS Hoàng Anh Tuấn đề xuất cần sớm ban hành một Nghị quyết Trung ương liên quan đến đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đối với cấp độ của các cơ quan Nhà nước, có lẽ đã đến lúc cần triển khai một chương trình nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, toàn diện cả trong nước và ngoài nước về cơ cấu xã hội, tiềm năng nhân tài của Việt Nam. Đối với các địa phương, các đơn vị, trên cơ sở thống nhất các mục tiêu, cần tiếp tục quán triệt để tạo sự đồng thuận cả trong nhận thức, trong chính sách, trong quy định và đặc biệt là trong hành động.
Liên quan đến quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, toàn bộ quan điểm chỉ đạo cũng như mục tiêu phát triển đều thể hiện mong muốn gắn kết phát triển văn hóa với các mục tiêu toàn diện của đất nước. Việc phát triển văn hóa sẽ thể hiện được sức mạnh nội sinh cũng như sức mạnh văn hóa của đất nước khi gắn với đường lối phát triển của Đảng cũng như thể chế của quốc gia.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cần có tư duy phát triển văn hóa gắn với việc xây dựng và triển khai hệ giá trị cốt lõi của đất nước. Bên cạnh đó, phải tạo ra sự khơi thông, động lực cho phát triển các ngành văn hóa.
GS.TS Phùng Hữu Phú - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, hệ quan điểm chỉ đạo của các văn kiện Đại hội cần có tính dẫn dắt, truyền cảm hứng để thôi thúc cả dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, tạo động lực, nguồn lực, đòn bẩy cho sự đổi mới của dân tộc. Bàn về tư tưởng phát triển văn hoá, GS.TS Phùng Hữu Phú khẳng định, sứ mệnh của văn hoá chính là xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng con người, dân tộc thông thái.
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, quan điểm về xây dựng, phát triển cần nhấn mạnh đến sự phát triển toàn diện của đất nước, duy trì vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho biết, việc Đại học Quốc gia Hà Nội với Hội đồng Lý luận Trung ương đồng tổ chức Hội thảo này là hoạt động ý nghĩa, tạo cơ hội cho Đại học Quốc gia Hà Nội phát huy các nguồn lực có sẵn và thế mạnh của đội ngũ nhà khoa học, cơ sở dữ liệu vật chất, mạng lưới đối tác quốc tế, doanh nghiệp, địa phương để cung cấp thêm cơ sở khoa học cho việc tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII. Đồng thời, cung cấp luận cứ thực tiễn trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân khẳng định, với chiến lược phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định sứ mạng của Đại học Quốc gia Hà Nội là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực; góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; làm nòng cột và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Bên cạnh bề dày lịch sử, truyền thống, nhờ thế mạnh của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực và đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, trình độ cao, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trở thành một trung tâm lớn, có uy tín trong và ngoài nước, là địa chỉ tin cậy trong tư vấn và triển khai các chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu nói riêng.