Chuyện gia đình hiến tặng hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng

Gia đình ông Trịnh Văn Bô đã quá nổi tiếng vì hành động hiến tặng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hơn 5.000 lượng vàng năm 1945. Tuy nhiên, cơ duyên nào và lý do gì để tư gia 48 Hàng Ngang vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn tạm trú và viết Tuyên ngôn độc lập trong Cách mạng Tháng Tám thì không phải ai cũng tường tận…

Ân nhân của cách mạng

Sau khi giành độc lập, chính quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là về kinh tế, tài chính và nạn mù chữ. Một trong những giải pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra nội các để bàn luận dân chủ và nhận được sự đồng thuận cao, đó là cách mạng phải dựa vào sự tự nguyện đóng góp của nhân dân.

Trong khuôn khổ Quỹ độc lập (bên cạnh “Quỹ kháng chiến”, “Quỹ bình dân học vụ”, “Quỹ giải phóng quân”, “Ngày Nam Bộ”...), Chính phủ tổ chức Tuần lễ vàng từ ngày 17 đến ngày 24.9.1945. Trước đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào, nêu rõ mục đích của việc lập quỹ là “thu góp số vàng trong nhân dân và nhất là của các nhà giàu có để dùng vào việc cần cấp và quan trọng nhất là quốc phòng”. Sự kiện làm dấy lên phong trào tự nguyện thi đua đóng góp tiền của, vàng, bạc... ủng hộ cách mạng trong cả nước. Phong trào diễn ra rộng khắp, sôi nổi, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Chỉ trong một thời gian ngắn cả nước đã quyên góp được 370kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Ngân quỹ quốc gia có thêm cả trăm triệu đồng. Riêng tại Hà Nội, nhân dân góp được 2.201 lạng vàng, 920 tạ thóc cùng tiền bạc và các hiện vật khác, tổng trị giá lên 7 triệu đồng Đông Dương. Nổi bật trong số rất nhiều nhà hảo tâm, là gia đình ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ ở phố Hàng Ngang. Với 5.147 lượng vàng (quy đổi) hiến tặng cách mạng trước và sau độc lập, gia đình họ Trịnh xứng đáng đi vào kỷ lục của lịch sử dân tộc.

Ông Trịnh Cần Chính - người con thứ 6 của ông Trịnh Văn Bô nhớ lại: “Bố mẹ tôi kể, trên giấy tờ, Tuần lễ vàng diễn từ ngày 17 đến ngày 24.9. Tuy nhiên, ngay trong phiên họp Chính phủ lâm thời đầu tiên ngày 3.9, tinh thần khơi gợi lòng ái quốc, dựa vào đồng bào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt đến từng thành viên Chính phủ. “Chúng ta đều biết vào thời điểm đó, tài nguyên quốc gia cạn kiệt, Ngân hàng Đông Dương nằm trong tay tư bản nước ngoài. Quan quân nước ngoài dùng “quan kim” và “quốc tệ” để đổi lấy tiền Đông Dương, làm lũng đoạn thị trường Việt Nam. Chưa kể mùa màng thất bát, nạn đói từ cuối năm 1944 đầu 1945 vẫn còn rơi rớt. Đó là lý do vì sao Chính phủ lâm thời rất trân trọng và chờ đợi các khoản đóng góp từ giới tư sản bấy giờ”. Nhân dịp tổng kết phong trào Tuần lễ vàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng cảm ơn, thậm chí còn gọi vợ chồng cụ Bô là ân nhân của cách mạng, đã nuôi cách mạng khôn lớn, trang bị cho cán bộ sức khỏe, niềm tin để chiến thắng kẻ thù… khiến gia đình rất xúc độ­ng.

Đoàn công thương tham gia Tuần lễ vàng năm 1945
Đoàn công thương tham gia Tuần lễ vàng năm 1945

Vì sao là 48 Hàng Ngang?

Trong giới kinh doanh những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, không ai không biết đến thương hiệu Phúc Lợi (khởi nghiệp từ số 7 Hàng Đào) của gia đình ông Bô - bà Hồ. Địa chỉ số 48 Hàng Ngang sau đó là một trong những tiệm kinh doanh vải, tơ lụa… lớn nhất nhì Đông Dương, không chỉ phục vụ người Việt mà còn giao thương khắp Đông Dương, Pháp, Thụy Sỹ, Hong Kong, Trung Quốc, Nhật Bản… Thừa hưởng triết lý kinh doanh “buôn 10 giữ 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức” của cha mẹ, ông bà Trịnh Văn Bô tích cực làm từ thiện ngay từ những năm khởi nghiệp. Nghĩa cử như tài trợ hàng trăm chiếc tiểu để chôn cất hài cốt khi di dời nghĩa trang Nghĩa Dũng (Hà Nội) đến ủng hộ người bị bom ở Đông Khê, Thất Khê, ủng hộ nạn nhân lũ lụt ở Hưng Yên, Nam Định, mua chăn cho trẻ sơ sinh... đều có sự tham gia, đóng góp của gia đình. Trong nạn đói khủng khiếp 1944 - 1945, người tha hương cầu thực khắp nơi đổ về Hà Nội, ông bà Bô đều tham gia cứu trợ, xuất kho cứu đói.

Nhớ lại những năm tháng đất nước chìm ngập trong khó khăn ông Trịnh Cần Chính bộc bạch: “Ông bà tôi kể, những năm 1930 - 1940, đất nước còn khó khăn, trăm bề, gia đình kinh doanh như chúng tôi chỉ mải miết buôn bán, thời gian đâu để ý chính trị, cũng không biết cán bộ cách mạng như thế nào. Nhưng đến 1943 - 1944, chính bản thân anh cả tôi là nhà giáo Trịnh Lương có quen, rồi giấu gia đình đi theo nhóm hướng đạo sinh có tên Hai Bà rải truyền đơn bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Nội dung không gì khác ngoài ủng hộ Hồ Chí Minh, ủng hộ Việt Minh, đả đảo Pháp, Nhật. Để thuận lợi cho việc dán tờ rơi, truyền đơn vào ban đêm, anh tôi thường mang truyền đơn về giấu ở nhà. Vì là mục đích đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc nên sau này khi có những nhân vật uy tín khác như Nguyễn Lương Bằng, Trường Chính đến tiếp xúc, rồi vận động thì cha mẹ đều nhất trí đi theo phong trào Việt Minh. Đó là thời điểm tháng 11.1944. Phải đến năm 1988 khi bố tôi qua đời, cả gia đình mới biết là trước khi mất, ông nội tôi (cụ Trịnh Văn Đường) có di chúc lại cho con cháu họ Trịnh phải một lòng ủng hộ một nhân vật có uy tín tên là Nguyễn Ái Quốc”.

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang có hai mặt phố (cửa sau là 35 Hàng Cân), được thiết kế theo kiểu nhà ống xoáy trôn ốc với diện tích tới hơn 1.000m2. Toàn bộ dãy nhà xuyên suốt nối từ bên Hàng Ngang sang Hàng Cân và mặt sau từ Hàng Cân đến Lương Văn Can. Ngôi nhà có một cầu thang chính, nhưng cả đằng trước và đằng sau đều có lối nhỏ lên và có 3 khoang nhỏ. Ở khoang cuối lại có một ngách nhỏ (rộng 50cm) mà chỉ người trong gia đình mới biết. Khi có người lạ hay bị cướp tấn công, cả nhà chúng tôi sẽ men theo ngách đó mà thoát ra ngoài hoặc lên lầu 3 nhảy qua nhà hàng xóm”, ông Lương miêu tả. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, cũng nhờ đặc điểm có lối thoát hiểm bí mật này mà khi Tổng Bí thư Trường Chinh tới thăm gia đình, được nghe giới thiệu về “điểm riêng” mà sau đó đã vẽ lại và gửi Hồ Chủ tịch cân nhắc về đây làm việc. Cụ Hồ bí mật đến cửa sau (35 Hàng Cân) ngày 26.8 và ở lại cho đến 27.9.1945.

Mở rộng kinh doanh, hỗ trợ chính quyền

Có một câu chuyện đã làm đậm thêm tinh thần phục vụ không điều kiện của gia đình ông Trịnh Văn Bô. Sau khi 20 vạn quân Tưởng tới Hà Nội giải giáp quân đội Nhật, ngày 1.10.1945 Đại tướng Hà Ứng Khâm (Chính quyền Tưởng Giới Thạch) đáp máy bay xuống sân bay Gia Lâm với nhiệm vụ loại trừ Chủ tịch Hồ Chí Minh khỏi sân khấu chính trị. Tuy nhiên, Cụ Hồ đã đón được ý đồ trên và lên kế hoạch đón tiếp chu đáo. Chính phủ nhờ ông bà Bô chuẩn bị một bữa tiệc thịnh soạn chiêu đãi tướng lĩnh quân đội Tưởng Giới Thạch tại Hà Nội. Để chúng đồng ý “miệng” kế hoạch rút dần 20 vạn quân khỏi nước ta, Bác đã nhờ ông bà chuẩn bị tiền lót tay cho Hà Ứng Khâm (500 vạn đồng Đông Dương), 300 vạn cho Tư lệnh Tiêu Văn và 200 vạn cho Phó tướng Tiêu Văn. Để có gấp 1.000 vạn đồng trong vòng 48 giờ, gia đình ông Bô đã phải bán phá giá nhiều xấp vải có trong nhà đồng thời, vay mượn bạn hàng một số tiền không nhỏ.

Gần như toàn bộ số tiền mà ông bà thu được từ việc kinh doanh vải đều dùng cho hoạt động cách mạng. Những cán bộ ở tỉnh về không có quần áo tốt mặc, bà đã không ngần ngại lấy vải trong nhà, bảo thợ của gia đình may tặng. Sau 2.9 là quãng thời gian vô cùng gian khó với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nội các, khi vừa phải đối phó với quân Tưởng Giới Thạch vừa phải cứng rắn với những đảng phái đối nghịch trong nước. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhu cầu về kinh tài ngày càng lớn. Việc tiết kiệm chi tiêu được gia đình quán triệt, với mục đích là dồn 90% lợi nhuận cho Chính phủ. Với sự tư vấn của anh trai Trịnh Văn Bính, ông Bô cùng một số doanh nhân yêu nước khác trong đó có Đỗ Đình Thiện, đã thành lập gấp Việt Nam Công thương ngân hàng với mục đích điều phối công tác tín dụng, thay thế cho Ngân hàng Đông Dương của Pháp (tuy còn hoạt động nhưng đã tỏ rõ thái độ thù địch, chống lại chính quyền và chế độ mới của ta). Trụ sở ngân hàng đặt tại ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài ngày nay, với vốn điều lệ 1,5 triệu đồng Đông Dương. Toàn bộ lợi nhuận trong hoạt động từ ngân hàng này đều nộp lại cho Chính phủ lâm thời.

Chưa hết, đầu năm 1945, gia đình ông Bô còn đầu tư một khoản tiền rất lớn, lên tới cả triệu đồng Đông Dương để nhập khẩu hệ thống máy thêu từ Thụy Sỹ, hiện đại không thua kém các doanh nghiệp Hong Kong, Ấn Độ. Đáng tiếc là khi xưởng lắp đặt xong xuôi, hoàn tất chạy thử thì cũng là lúc gia đình sơ tán theo cách mạng, bỏ lại tất cả. Xưởng có diện tích gần 10.000m2, một phần hiện nay là khu nhà làm việc của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xây dựng tại địa chỉ 13A Đê La Thành, Hà Nội. Nếu tồn tại, có lẽ đó cũng là một chương sử lớn trong lịch sử ngành dệt may Việt Nam.

Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.