Đường đẹp, vườn sạch rác thải nhựa
Nhân sự kiện huyện Cầu Kè – quê hương chị Út Tịch (nhân vật trong tác phẩm Người mẹ cầm súng của Nhà văn Nguyễn Thi) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân có dịp cùng cán bộ phòng nông nghiệp huyện và cán bộ xã An Phú Tân dẫn tham quan mảnh đất lọt thỏm giữa sông Hậu. Trên mảnh đất này, người dân và chính quyền đang thực hiện mô hình “Cù lao Tân Quy không rác thải nhựa” đầu tiên của tỉnh Trà Vinh.
Đặt chân lên đất Cù lao Tân Quy, cảm nhận đầu tiên là cảnh quan nơi đây thanh bình, bốn bề vườn cây xanh tốt, gió sông Hậu thổi lồng lộng mát rượi. Tiếp đó, đoàn chúng tôi ngất ngây khi ghé thăm khu vườn chôm chôm trĩu quả đang chín đỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Tố Nguyên.
Chủ vườn chôm chôm hơn 20 năm tuổi này cho biết, gia đình chị là một trong những hộ gắn bó với cây chôm chôm lâu năm trên mảnh đất cù lao. Theo chị Nguyên, mặc dù hiện nay có nhiều giống chôm chôm (chôm chôm Thái, chôm chôm đường...) nhưng gia đình chị vẫn gìn giữ giống chôm chôm truyền thống có vị chua nhẹ, ngọt thanh mà đến nay vẫn còn nhiều người ưu thích.
Mặc dù diện tích vườn chôm chôm rộng hơn 9.000m2, nhưng đi từ đầu vườn đến cuối vườn, chúng tôi không gặp một chai, vỏ thuốc bảo vệ thực vật nào ở ao, hồ hay trên bờ đất trồng chôm chôm. Tại một vài vị trí trong khu vườn, chị Nguyên bố trí những thùng chứa rác thải, nhất là vỏ chai, bao thuốc bảo vệ thực vật, rác thải nilon.
Chị Nguyên chia sẻ: “Khoảng đầu tháng 4.2024, tôi được Chi hội phụ nữ ấp Tân Qui 1 đến vận động tham gia mô hình không rác thải nhựa tại gia đình và vườn cây ăn trái. Sau khi nghe cán bộ giải thích, tôi thấy ý nghĩa, vì gia đình sống trên vùng đất cù lao giữa sông Hậu. Nếu chúng ta không quản lý rác thải nhựa mà xả trực tiếp ra môi trường thì ảnh hưởng nặng đến đất và cảnh quan môi trường sống. Từ đó, tôi vận động gia đình tham gia. Ở vườn cây là bỏ vào túi đựng, ở gia đình thì phân loại rác thải nhựa và rác thải hữu cơ để tiện cho đơn vị thu gom xử lý rác”.
Trên các tuyến đường ở ấp Tân Quy 1 và ấp Tân Quy 2 (Cù lao Tân Quy chỉ có 2 ấp, hiện có trên 1.000 dân đang sinh sống), hai bên đường rực rỡ những loài hoa do Nhân dân và cán bộ xã, ấp tự trồng, chăm sóc.
Bí thư ấp Tân Quy 1 Phạm Văn Út vui vẻ nói về mô hình tuyến đường cây xanh: “Ban đầu UBND xã hỗ trợ cây kiểng, hoa, mỗi thứ vài chục nhánh, cán bộ ấp cùng với vài hộ dân mang ra trồng hai bên đường làm mẫu. Sau đó, bà con thấy đẹp, dễ trồng nên tự chiết cành mang về trồng ở đường trước nhà. Nhờ đó, mà cả tuyến đường trong ấp, chỗ nào cũng có cây xanh và hoa”.
Dọc hai bên đường, cán bộ địa phương cũng đặt nhiều biển báo tuyên truyền, nhắc nhở người dân bỏ rác đúng quy định, nói không với rác thải nhựa. Kế bên bản tuyên truyền là một thùng chứa rác để người dân, du khách bỏ rác, không vứt rác ra môi trường.
Chỗ nào cũng có thùng “xin rác nhựa”
Tại điểm tham quan du lịch tắm sông giữa cù lao, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hồng đặt 2 túi đựng rác tại khu vực cầu dẫn ra bến sông để du khách bỏ rác. Một túi dành cho rác thải nhựa và túi còn lại là chứa rác thải hữu cơ. Phía trên bãi đỗ xe, chị Hồng còn đặt “ngôi nhà rác tái chế” – nơi nhận rác thải nhựa bán, gây quỹ khuyến học tại địa phương.
Chị Thu Hồng cho biết: "Vào những ngày nghỉ và dịp lễ, tết, du khách khắp nơi đến đây tham quan vườn cây ăn trái và tắm sông rất đông. Ban đầu, du khách còn vứt rác lung tung nhưng sau đó, thấy gia đình tôi thu nhặt, phân loại nên mọi người làm theo, bỏ rác đúng loại vào túi đựng".
Theo chị Hồng, “ngôi nhà rác tái chế” cứ 1-2 tháng, chị cùng cán bộ trong Chi hội phụ nữ ấp Tân Qui 1 tổng kết, mỗi lần từ 30-40kg chai, vỏ nhựa các loại. Số tiền bán được từ 8 “ngôi nhà rác tái chế” đặt trên Cù lao Tân Quy góp vào quỹ khuyến học của xã. Mỗi năm học, trao 5-10 suất học bổng cho các em học sinh nghèo, mỗi suất khoảng từ 200.000 – 300.000 đồng.
Chủ tịch Hội phụ nữ xã An Phú Tân Đỗ Thị Diễm Trinh cho biết: "Mô hình “Cù lao Tân Quy không rác thải nhựa” được Thường trực Huyện ủy Cầu Kè quan tâm và một trong 10 mô hình điểm của huyện trong công tác xây dựng huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trên cơ sở đó, UBND huyện giao cho Hội phụ nữ huyện chủ công, phối hợp với các ban, ngành đoàn thể huyện và xã An Phú Tân thực hiện vào đầu tháng 4.2024".
“Khi phát động mô hình, chính quyền địa phương thấy phấn khởi vì được Nhân dân đồng thuận cao, bà con ai nấy hiểu rõ được tác hại của rác thải nhựa khi vứt ngoài môi trường. Từ đó, mỗi chủ vườn, khu điểm du lịch tham quan trên cù lao đều hưởng ứng; gia đình thực hiện bỏ rác, phân loại rác đúng quy định; du khách đến tham quan được người dân, cán bộ hướng dẫn tham gia bỏ rác đúng chỗ và nói không với rác thải nhựa”, Chủ tịch Hội phụ nữ xã An Phú Tân Đỗ Thị Diễm Trinh chia sẻ.
Qua tổng kết, đánh giá mô hình, Chủ tịch Hội phụ nữ xã An Phú Tân cho rằng, mặc dù mô hình bước đầu đạt kết quả tốt, cảnh quan môi trường, vườn cây ăn trái đã giảm lượng rác thải nhựa đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân chưa chủ động phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình; một số hộ cho rằng thiếu dụng cụ chứa rác và còn khó khăn trong việc phân loại rác thải nhựa và rác hữu cơ.
Theo Chủ tịch Hội phụ nữ xã An Phú Tân, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các ngành đoàn thể tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, Nhân dân thực hiện phân loại, xử lý chất thải tại nguồn; thu gom rác thải nhựa trên các tuyến đường, kênh, mé sông quanh Cù lao Tân Qui; nhân rộng, phát triển thói quen xách giỏ đi chợ, giảm rác thải nhựa gắn với hoạt động xây dựng gia đình “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ)… Tất cả các hoạt động với tinh thần “trên làm gương mẫu mực – dưới tích cực làm theo”, quyết tâm thực hiện thành công mô hình “Cù lao Tân Quy không rác thải nhựa” trong thời gian tới.