Chuyển đổi số Quốc gia - dấu ấn người tiên phong

- Thứ Tư, 13/01/2021, 06:53 - Chia sẻ

Trong quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, tầm nhìn đến 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Là doanh nghiệp viễn thông, CNTT hàng đầu Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đặt mục tiêu giữ vai trò chủ đạo trong cách mạng số tại Việt Nam, là đơn vị dẫn dắt trong việc xây dựng chính quyền và nền kinh tế số, trở thành lá cờ đầu trong chuyển đổi số tại Việt Nam và hướng đến phạm vi toàn cầu.

Dấu ấn 2020

Những mục tiêu quan trọng trên đã và đang được Tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên của Tập đoàn VNPT từng bước chinh phục. Nhìn lại chặng đường vừa qua, Tập đoàn VNPT đã để lại nhiều dấu ấn trong việc đồng hành cùng chương trình Chuyển đổi số Quốc gia bằng việc tiếp tục triển khai các dự án lớn quy mô quốc gia. Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia đang kết nối, liên thông văn bản của 95 đơn vị Bộ, ngành địa phương; đến nay 21.442 đơn vị các cấp đã sẵn sàng gửi/nhận văn bản điện tử, bình quân 200 nghìn văn bản điện tử gửi/nhận mỗi tháng. Cổng dịch vụ công quốc gia khai trương tháng 12 năm 2019, đến nay đã có gần 400 nghìn tài khoản đăng ký, đồng bộ 25,2 triệu hồ sơ, phục vụ hơn 92 triệu lượt truy cập, cung cấp 2.500 dịch vụ công. Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia đã kết nối 14 Bộ, Cơ quan và 37 địa phương.

Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long - người truyền lửa khát vọng cho tập thể cán bộ công nhân viên VNPT

Trong giai đoạn 2016-2020, VNPT đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện về VT-CNTT với 55/63 tỉnh/TP, tiếp cận giới thiệu và tư vấn về đề án đô thị thông minh với 28 tỉnh/TP. Chuẩn bị cho giai đoạn 2021-2025, Tập đoàn đã và đang xúc tiến ký kết các TTHT chiến lược mới với tất cả các tỉnh/TP. Tập đoàn đã đưa hệ sinh thái số của VNPT tiếp cận đến tất cả các lĩnh vực quản lý của 63 tỉnh, thành phố như Y tế, Giáo dục, Giao thông, Du lịch, Tài nguyên môi trường, ATTT… phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính của địa phương.

Tại Kỳ họp thứ Chín và Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV trong năm 2020, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành họp trực tuyến kết hợp họp tập trung. Mô hình này được đánh giá là một bước đổi mới, là tiền đề để cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp của Quốc hội trong thời gian tới và thích hợp để mở rộng các hoạt động của Quốc hội trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại đồng thời một lần nữa khẳng định uy tín và năng lực, kinh nghiệm của VNPT trong các dự án trọng điểm quốc gia.

Năm 2020, với quyết tâm song hành cùng Chính phủ triển khai mục tiêu kép “phòng chống dịch” và phát triển kinh tế, VNPT đã kịp thời vận dụng toàn bộ hệ sinh thái của mình, cùng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp quyết liệt phòng chống Covid-19. Ngay từ đầu đại dịch, Tập đoàn đã chủ động cung cấp hạ tầng mạng lưới Viễn thông – Công nghệ thông tin phục vụ điều hành chỉ đạo của Nhà nước cũng như phục vụ người dân; hàng triệu khách hàng được bổ sung dung lượng truy cập dữ liệu nhằm đáp ứng nhu cầu làm việc từ xa, làm việc trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội. Đồng thời, VNPT đã kịp thời triển khai giải pháp học trực tuyến VNPT E-Learning giúp hàng triệu giáo viên và học sinh “tạm dừng đến trường, không dừng học”, trong khi VNPT Meeting giúp các doanh nghiệp tiếp tục vận hành sản xuất kinh doanh…

Tập đoàn VNPT thực hiện sứ mệnh trở thành doanh nghiệp số hàng đầu Việt Nam vào năm 2025 và Trung tâm giao dịch số của châu Á vào năm 2030

Khẳng định vị thế tiên phong

Khát vọng lớn, nỗ lực từng ngày cùng tầm nhìn lựa chọn đúng hướng đi đã giúp VNPT khẳng định được vai trò tiên phong trong lộ trình xây dựng một "Việt Nam số". Tư duy năng động, đổi mới của VNPT trên thực tế đã bắt đầu từ những năm 2013-2014, khi đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực sáng tạo và đặc biệt là có kinh nghiệm thực tiễn được đưa lên các vị trí lãnh đạo cao nhất Tập đoàn. Không chỉ đổi mới tư duy về nhân sự, VNPT còn đổi mới về chiến lược kinh doanh, tái cơ cấu toàn diện. Thay vì lao vào cuộc cạnh tranh sống còn ở thị trường viễn thông đã bão hoà, VNPT chủ động chuyển hướng đầu tư hạ tầng công nghệ và chuyển đổi số. Khát vọng trở lại trở lại vị trí số 1 tại thời điểm đó đã được "thuyền trưởng" Phạm Đức Long, Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT truyền lửa tới toàn thể cán bộ, nhân viên. Đó là làm sao để làm bùng lên ngọn lửa khát vọng khai phá thị trường dịch vụ số và đưa VNPT trở lại ngôi vị số 1 tại Việt Nam cũng như vươn ra thế giới.

Chỉ sau 5 năm, VNPT đã tái cơ cấu thành công, thay đổi toàn diện nhiều mặt quan trọng. VNPT tái cơ cấu toàn bộ nhân lực với quy trình tuyển chọn - sàng lọc - đào thải liên tục, tìm ra những nhân lực chuyên môn cao, tinh nhuệ, nhạy bén, đáp ứng được đòi hỏi cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Không chỉ vậy, tư duy quản trị chiến lược, kinh doanh của đội ngũ lãnh đạo tập đoàn cũng liên tục đổi mới, đảm đương nhiệm vụ đưa VNPT từng bước vươn lên và khẳng định vị thế vững chắc là doanh nghiệp hàng đầu cung cấp các dịch vụ viễn thông – công nghệ thông tin trọng yếu của đất nước.

Đại dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển chung của nền kinh tế toàn thế giới. Riêng tại Việt nam, không chỉ ảnh hưởng bởi Covid-19, mà còn thiệt hại nặng nề do thiên tai bão lũ. Bối cảnh đầy khó khăn, thách thức đó đã tác động không nhỏ tới hoạt động SXKD của Tập đoàn VNPT. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động “Biến thách thức thành hành động” cùng sự chung sức, đồng lòng, Tập đoàn VNPT vẫn luôn thể hiện rõ trách nhiệm của đơn vị chủ lực về VT - CNTT với đất nước, với cộng đồng.

Theo công bố của Brand Finance tháng 12/2020, với giá trị 2,4 tỷ USD, thương hiệu VNPT từ vị trí 72 năm 2019 đã tăng lên vị trí 55 với tốc độ 42% và giữ vị trí top 2 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.Cùng với sự tăng trưởng về giá trị thương hiệu, trong năm, hàng loạt các sản phẩm, giải pháp của VNPT cũng được các tổ chức đánh giá uy tín trong nước và quốc tế vinh danh. Với 15 giải thưởng lớn tại Stevie Awards Châu Á – Thái Bình Dương 2020 và 5 giải thưởng Stevie Awards Kinh doanh quốc tế, VNPT tiếp tục khẳng định vị trí dẫn dắt trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam và hướng đến những sản phẩm dịch vụ chất lượng quốc tế.

Lần đầu tiên tham gia giải thưởng Công nghệ thông tin thế giới nhưng VNPT đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đạt nhiều giải thưởng nhất với 6 giải vàng, 3 giải bạc và 1 giải đồng. VNPT còn được đánh giá cả về sáng tạo, tư duy đổi mới với giải thưởng “Đơn vị viễn thông sáng tạo nhất châu Á” tại Asia Communication Awards. Ghi dấu cho việc VNPT đã có những sản phẩm dịch vụ chất lượng quốc tế ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay là việc tập đoàn vừa được nhận tới 15 giải thưởng tại Stevie Awards châu Á - Thái Bình Dương 2020.

Năm 2020 khép lại, Tập đoàn VNPT đã từng bước đặt những dấu chân vững chắc trên hành trình chuyển đổi số, thể hiện được vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số quốc gia. Đó là cơ sở quan trọng để VNPT tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chiến lược, đưa Tập đoàn phát triển đúng tầm nhìn trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á.

Thanh Trúc