Giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, người dân
Tại Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý ngân sách nhà nước năm 2024 (Vietnam Digital Finance 2024) do Cục Tin học và Thống kê Tài chính cùng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đồng tổ chức ngày 20.9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng khẳng định, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân sách là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, được tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả trên 3 phương diện: thể chế, công nghệ và con người. Trong đó, thể chế đi trước, công nghệ, con người là nền tảng tạo tiền đề để phát triển.
Nhờ đó, trong thời gian vừa qua, ngành tài chính đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán... giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Cụ thể, TS. Đoàn Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, về quản lý thuế, đã có hơn 5,7 triệu lượt cá nhân sử dụng tài khoản VNeID vào hệ thống thuế điện tử eTax Mobile. Nhờ đó, trong kỳ quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2023 (triển khai tháng 4.2024), hệ thống của cơ quan thuế đã tiếp nhận 536 nghìn tờ khai quyết toán của cá nhân, đạt 150% so với cùng kỳ năm trước.
Trong lĩnh vực hải quan, gần 60% số thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; khoảng 30% được cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần; còn lại đều được cung cấp thông tin trực tuyến.
Về chứng khoán, giao dịch trên thị trường chứng khoán đã hoàn toàn chuyển sang hình thức trực tuyến. Lũy kế 8 tháng năm 2024, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng hơn 1,41 triệu tài khoản, lên hơn 8,7 triệu, tiệm cận mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030 đã đặt ra.
Trong khi đó, 100% thủ tục hành chính của Kho bạc Nhà nước đã thực hiện toàn trình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối dịch vụ công trực tuyến với phần mềm kế toán của 25% tổng số đơn vị sử dụng ngân sách.
Rủi ro an ninh mạng
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, cũng cần nhìn nhận rõ các thách thức đang phải đối diện để có giải pháp phù hợp.
Trước tiên là vấn đề quản lý nguồn thu, theo vị chuyên gia này, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sự chuyển đổi kinh doanh của các doanh nghiệp sang nền tảng số thì một trong những thách thức lớn nhất của ngành tài chính là đuổi kịp với các doanh nghiệp về áp dụng khoa học công nghệ, nền tảng mới, để có thể bao quát hết được các hình thức kinh doanh, các nguồn thu của doanh nghiệp.
Việc thu thập, quản lý và phân tích, xử lý dữ liệu còn hạn chế. Các hệ thống đôi chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
TS. Đoàn Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính nêu một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến kinh phí triển khai Đề án 06 và ứng dụng Công nghệ thông tin năm 2024 của Bộ Tài chính.
Ví dụ, do cơ chế tài chính đặc thù đối với phần kinh phí thường xuyên đã chấ dứt từ ngày 1.7.2024, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đang gặp khó khăn lớn. Cụ thể, đến nay, kinh phí cho triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị trong ngành tài chính chưa được giao, nên chưa có cơ sở để triển khai.
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Chiến lược, Công ty An ninh mạng Viettel, cùng với quá trình chuyển đổi số ngành tài chính đang phải đối mặt với những mối đe dọa an ninh mạng ngày càng nghiêm trọng.
Hiện nay các cuộc tấn công mạng tinh vi nhằm đánh cắp thông tin nhạy cảm, gian lận tài chính và các hoạt động tấn công có chủ đích khác đang có xu hướng gia tăng. Các vụ gian lận tài chính trong năm 2023 đã tăng 30% so với năm 2022. Lĩnh vực tài chính đang trở thành mục tiêu hàng đầu của các cuộc tấn công mạng trong năm 2024.
Trong 3 tháng đầu năm 2024 đã có gần 2.300 cuộc tấn công mạng, với gần 30 vụ ransomware nhắm vào các tập đoàn lớn, ngân hàng và tổ chức tài chính. Tỷ lệ tăng đột biến của các chiến dịch ransomware đầu năm 2024 so với cùng kỳ 2023 lên tới 70%.
Những cuộc tấn công này không chỉ gây ra thiệt hại về tài chính mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đưa ra giải pháp, tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, nhiệm vụ đặt ra cho ngành tài chính từ nay đến năm 2030 là chủ động nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ nhằm hướng tới tài chính số.