“Chuyển đổi số” - Việt Nam chừng nào mới sẵn sàng?

- Thứ Ba, 21/07/2020, 15:11 - Chia sẻ
Chính phủ đã nỗ lực lắng nghe, tạo môi trường và hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo, hướng tới nền kinh tế dựa trên tri thức và công nghệ. Tuy nhiên, để sẵn sàng “chuyển đổi số” - con đường ngắn nhất tới phát triển thịnh vượng - chúng ta vẫn còn khoảng cách khá xa. Khoảng cách này sẽ chỉ được rút ngắn nếu như Chính phủ giải quyết được hai vấn đề cốt yếu là nhân lực và cơ chế.

Lưạ chọn sống còn

Năm 1997, khi internet vào Việt Nam, nhiều người háo hức như đang bước ra cả thế giới. “Mở cửa” internet cũng là mở thời kỳ mới cho người Việt Nam. Từ thời đó cho đến bây giờ, thời đại của “số hóa” với internet tốc độ cao phủ sóng mọi nơi, thiết bị công nghệ đi vào từng ngóc ngách đời sống, cũng chỉ hơn chục năm mà thôi.

Nhìn ra thế giới, chúng ta còn thấy chóng mặt hơn nhiều. Đồng hành với những bước tiến vượt bậc của công nghệ số là những cách tư duy mới, mô hình vận hành mới. Càng sớm bắt nhịp với thời đại, càng dễ thành công. Nhìn xa trông rộng như Jeff Bezos xây dựng Amazon từ thời dân Mỹ chưa quen với mua sắm online, giờ đã trở thành ông chủ một đế chế bán lẻ cán mốc vài trăm tỷ USD mỗi năm, tiếp cận tới cả nửa dân số thế giới. Elon Musk, ông chủ Tesla táo bạo đưa ra dòng xe không người lái, đánh dấu nấc phát triển mới. Ngược lại, không thức thời, từ chối thay đổi, như gã khổng lồ Kodak chẳng hạn, rốt cục đã đại bại khi máy ảnh kỹ thuật số ra đời. Năm 2012, Nhà xuất bản Bách khoa toàn thư Britannica đã bỏ lại sau lưng lịch sử gần 250 năm sản xuất các bộ từ điển bách khoa bản giấy để chuyển sang bản điện tử làm chúng ta càng nhận thấy rằng thời thế đã thay đổi và công nghệ số lên ngôi. Chuyển đổi hay không chuyển đổi - càng ngày càng là lựa chọn sống còn mà hầu hết doanh nghiệp hiện nay phải đối mặt. Những thành tựu của công nghệ thông tin và công nghệ số đã, đang và sẽ mang lại những thay đổi mang tính đột phá, trong các mô hình kinh doanh, trong cách chúng ta giao tiếp với nhau, và trong tư duy.

Tại Việt Nam, “chuyển đổi số” cũng đang dần trở thành mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Rất đáng mừng, Chính phủ cũng thể hiện sự nhanh nhạy trong vấn đề này. Gần đây, hệ thống e-cabinet đã được khai trương. Không chỉ thế, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo Dự thảo Đề án “Chuyển đổi số quốc gia”. Bản dự thảo đầu tiên của Đề án này đã được công bố, trong đó ban soạn thảo nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại, thịnh vượng, là động lực cho sự tăng trưởng”. Ngày 8.8 vừa qua, tại Hà Nội cũng đã diễn ra Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (ICT Summit 2019) với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường”.

Đúng là thời gian qua, những nỗ lực khuyến khích khởi nghiệp công nghệ, hay việc xây dựng chính phủ điện tử nhằm hiện đại hóa và tăng hiệu quả tương tác giữa chính phủ với doanh nghiệp và người dân đã phần nào mang lại thay đổi tích cực ở Việt Nam. Một mặt, số lượng khởi nghiệp công nghệ tăng cao, tinh thần sáng tạo được thúc đẩy mạnh mẽ. Mặt khác, nhiều thủ tục hành chính đã có thể làm trực tuyến, đơn giản và nhanh gọn hơn, đã bớt “hành dân là chính”.

Tuy nhiên, nhưng những thay đổi đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng.

Những khó khăn “bề chìm”

Để “chuyển đổi số” thành công như đề án mong đợi, còn rất nhiều khó khăn nằm ở “bề chìm”.

Thứ nhất, thiếu nhân lực công nghệ trình độ cao ở Việt Nam. Hiện nay, đã có các chuyên gia công nghệ gốc Việt từ nước ngoài về lập nghiệp sau khi thấy Chính phủ đặc biệt khuyến khích phát triển công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, và thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng mở ra hàng loạt cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, có những khó khăn họ gặp không phải ở chính sách của Nhà nước. Anh Minh, một Việt kiều làm trong lĩnh vực công nghệ tài chính vẫn luôn than thở rằng rất khó tuyển được người đạt tiêu chuẩn cho vị trí lập trình viên cho công ty của anh ở Việt Nam, cho dù áp dụng mức lương hợp lý. Hay như có hội thảo về blockchain (công nghệ chuỗi số) khá lớn ở Hà Nội, thế nào mà trong số vài trăm người tham gia, số người nhận là lập trình viên blockchain chỉ vỏn vẹn… 3 người, nhưng số nhà kinh doanh tiền kỹ thuật số thì gấp tới 10 lần. Để chuyển đổi số, Việt Nam sẽ cần phải có một lực lượng đông đảo kỹ sư công nghệ chất lượng cao (theo một đánh giá gần đây, Việt Nam vẫn thiếu hụt 70.000 lao động trong lĩnh vực ICT và đến năm 2020 con số này sẽ là 500.000).

Đó là về số lượng, còn về chất lượng cũng khó có thể lạc quan. Khi được hỏi về vấn đề này, một giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, nơi đào tạo các kỹ sư hàng đầu của Việt Nam, cho biết ở đây sinh viên công nghệ mới được học ở mức độ nhập môn các công nghệ nền tảng cho chuyển đổi số. Chỉ gần đây trường mới mở các khóa đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu, và có chương trình Master đầu tiên về “chuyển đổi số”. Rõ ràng là nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã rất sẵn sàng “chuyển đổi số”, nhưng chúng ta chưa có đủ nhân lực. Để có những kỹ sư công nghệ giỏi thì cần có quá trình đào tạo nghiêm túc từ đầu. Chúng ta lại quay lại câu chuyện cũ về chất lượng giáo dục: Nền giáo dục từ tiểu học đến đại học đều phải tốt, thì mới cho ra lò được sản phẩm chất lượng cao. Như thế, “chuyển đổi số” phải bắt đầu từ “chuyển đổi” chất lượng giáo dục, chứ không sẽ như xây nhà trên cát.

Thứ hai, “chuyển đổi số” cũng cần kèm theo chuyển đổi “cơ chế”. Cho dù Chính phủ đã phần nào tạo ra được làn sóng “khởi nghiệp”, nhưng để làn sóng này bền vững, thì cần có cơ chế “thượng tôn pháp luật”, minh bạch và công bằng. Không khó nhận ra rằng nhiệt huyết lập nghiệp đã giảm đi rất nhiều khi doanh nghiệp phải đối mặt với các vấn đề “cơ chế”. Các start-up công nghệ muốn phát triển mạnh thì phải cọ xát và học hỏi từ thực tế - thế nhưng họ phải đối mặt với rào cản lớn là thiếu “quan hệ” thì cũng thiếu khả năng thắng thầu dự án công. Trong khi đó, chuyện doanh nghiệp non trẻ, ít kinh nghiệm nhưng lại thắng thầu các dự án công béo bở cũng đã làm dư luận đặt câu hỏi nghi ngờ về sự công bằng trong đấu thầu. Vì thế, có những doanh nghiệp công nghệ thông tin nước ngoài về đầu tư rồi lại ngậm ngùi bỏ đi, không biết cách “làm ăn” ở Việt Nam. Đồng thời, còn tâm lý e ngại, sợ dấn thân trong thế giới khởi nghiệp, chỉ vì luật thiếu rõ ràng, hay không có luật, thành ra làm gì cũng sợ.

“Chuyển đổi số” là thay đổi cách vận hành, cách xây dựng chiến lược, cách tư duy điều phối và kiến tạo thay cho cách tư duy “kiểm soát”, chứ không phải là “nâng cấp” máy tính trong các cơ quan chính quyền như có người vẫn lầm tưởng. Ở Estonia, đất nước hàng đầu thế giới về số hóa, chứng kiến cuộc họp giữa các quan chức chính phủ chỉ kéo dài vài phút (để biểu quyết), có cán bộ Việt Nam đi học tập kinh nghiệm nước bạn lắc đầu cho rằng chuyện không tưởng. Rất buồn là hiện giờ vẫn tồn tại những bộ, ngành chưa có thói quen trao đổi làm việc qua thư điện tử, hoặc mất rất nhiều thời gian mới phúc đáp qua thư điện tử. Thậm chí, có những địa phương tới giờ vẫn không mặn mà với xây dựng cơ sở dữ liệu công mở, chỉ vì lợi ích riêng lấn sang lợi ích công.

Rào cản cơ chế này sẽ còn đẩy xa các cơ hội phát triển công nghệ cũng như đẩy xa Việt Nam tới vị trí “sẵn sàng chuyển đổi số”. Chừng nào Việt Nam chưa có “cách mạng” về nguồn nhân lực, có sự thay đổi rõ rệt về “cơ chế”, về tư duy của cơ quan nhà nước, thì chừng đó chúng ta còn tụt hậu so với thế giới.

Chính phủ đã nỗ lực lắng nghe, tạo môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ và đổi mới sáng tạo để tích cực hướng tới nền kinh tế dựa trên tri thức và công nghệ. Tuy nhiên, để sẵn sàng “chuyển đổi số” - con đường “ngắn nhất” tới phát triển thịnh vượng, chúng ta vẫn còn khoảng cách khá xa. Khoảng cách này sẽ chỉ được rút ngắn nếu như chính phủ giải quyết được hai vấn đề cốt yếu nói trên - nhân lực và cơ chế. Lúc đó, hãy nói đến “chuyển đổi số”.  

Lê Thị Thiên Hương