Chuyển đổi số - con đường đúng đắn và bền vững nhất!

- Chủ Nhật, 21/02/2021, 06:21 - Chia sẻ
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khi phát biểu tham luận tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng sáng 28.1.2021. Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng của toàn dân và chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và rộng khắp.

Ngân hàng - lĩnh vực tiên phong

Trong Đề án chuyển đổi số quốc gia, tài chính, ngân hàng là nội dung được đưa đầu tiên trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Một số nội dung cụ thể đã được Đề án chỉ rõ như sẽ phải xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững. Triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán…

Trên thực tế, ngay từ trước khi Chính phủ ban hành Đề án chuyển đổi số quốc gia (6.2020), ngành dịch vụ tài chính đã rất sôi động và là một trong những ngành đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào mọi mặt hoạt động. Ngân hàng số đã không còn là một khái niệm xa lạ với hầu hết người dân ở khu vực thành thị. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, lan rộng và kéo dài, đã buộc con người phải thay đổi và phát triển nhanh hơn, mạnh hơn về mọi mặt, trong đó có thói quen thanh toán và tiêu dùng. Thay vì mua sắm và thanh toán trực tiếp, phương thức mua bán trực tuyến đã được nhiều người dân lựa chọn để phòng ngừa dịch lây lan và tự bảo vệ bản thân.

Chuyển đổi số đã bao phủ đến các đối tượng yếu thế
Nguồn: ITN

Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) 2019, các ngân hàng có xu hướng tập trung cải thiện trong ứng dụng CNTT để nâng cấp core banking. Dịch vụ Internet banking dành cho khách hàng ngày càng phổ biến. Hoạt động của ngân hàng điện tử cũng phát triển hơn trong giai đoạn 2016 - 2019. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra, có 42% các ngân hàng ở Việt Nam coi ngân hàng số là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh; 94% các ngân hàng ở Việt Nam đã đầu tư vào lĩnh vực này ở các mức độ khác nhau. Theo số liệu của Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2020, lưu lượng thanh toán không dùng tiền mặt tăng 180%, nhiều ngân hàng báo cáo tỷ lệ giao dịch tại kênh chi nhánh còn dưới 10%. Những số liệu đó cho thấy xu hướng số hóa trong ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng đang diễn ra một cách mạnh mẽ.

Ngay cả những ngân hàng truyền thống như Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), việc chuyển đổi số tưởng khó có thể thực hiện bởi 100% khách hàng đều là hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách cũng đang chuyển động khá mạnh mẽ.

Nghiên cứu thử nghiệm giáo dục tài chính cho hộ nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động giúp khách hàng nâng cao hiểu biết tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, gia tăng tiết kiệm và quản lý chi tiêu gia đình, từng bước làm quen với công nghệ số đặc biệt là khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Qua đó, tạo bình đẳng và thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội; góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia và hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế và Truyền thông NHCSXH PHAN CỬ NHÂN

Chuyển đổi số đã bao phủ tới người nghèo

Còn nhớ, đầu năm 2019, NHCSXH và tổ chức Oxfam (Tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực phát triển nông thôn, giảm thiểu rủi ro thiên tai và cứu trợ nhân đạo, phát triển xã hội dân sự, dân tộc...) đã ký thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu khả năng tiếp cận giáo dục tài chính của người nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động (gọi tắt là App giáo dục tài chính) và đưa vào thử nghiệm ngay sau đó. NHCSXH đã phối hợp với chuyên gia Oxfam tiến hành nghiên cứu khảo sát về nhu cầu giáo dục tài chính của khách hàng tại 3 tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa và Quảng Ngãi. Kết quả, trên 80% khách hàng được phỏng vấn đều nhận thức lợi ích của giáo dục tài chính đối với bản thân và gia đình.

Theo Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Đoàn Thanh niên thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội Nguyễn Thị Thư, ứng dụng giáo dục tài chính trên điện thoại di động rất hiệu quả, bởi không chỉ thân thiện, dễ sử dụng mà ứng dụng còn chứa những thông tin hữu ích cho các cán bộ tín dụng và các tổ trưởng tổ vay vốn.

"Chỉ cần có internet là tôi có thể tra cứu về đối tượng, quy trình từng chương trình cho vay. Thậm chí khi không nhớ hết về chương trình mình đang cho vay hay thủ tục, hồ sơ, số tiền… chúng tôi chỉ cần trực tiếp vào ứng dụng để kiểm tra là rõ" - chị Thư cho biết.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thường Tín, Hà Nội Nguyễn Thị Kiều Chinh cũng cho biết thêm, từ khi có ứng dụng này, nhiều chị em đã biết cách tính toán, thu chi hàng ngày; biết cách tính lãi suất tiền vay, lịch trả nợ. Qua đó, tạo điều kiện cho những phụ nữ nghèo quen dần với kinh tế thị trường, từng bước tạo lập nguồn vốn để vươn lên làm giàu. Đặc biệt, ứng dụng này cung cấp cho phụ nữ kiến thức quản lý tài chính cá nhân, hộ gia đình, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giúp họ biết cách tính toán các khoản vay, tiền gửi tiết kiệm cũng như thói quen tiết kiệm hàng ngày. Ngoài ra, ứng dụng còn có các hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất tiểu thủ công, giúp các hội viên áp dụng để nâng cao sản xuất, góp phần sử dụng vốn vay đúng mục đích, tăng thu nhập, thanh toán nợ đúng kỳ hạn.

"Từ những ưu điểm của ứng dụng, tôi mong muốn đông đảo người dân được biết đến và sử dụng ứng dụng này để dễ dàng tiếp cận vốn vay ưu đãi, sử dụng các công cụ tính toán để quản lý tài chính, từng bước vươn lên thoát nghèo" - chị Chinh nói.

Có thể thấy, việc cung cấp dịch vụ tài chính cho người nghèo thông qua điện thoại di động là một giải pháp sáng tạo, thúc đẩy việc truyền đạt kiến thức cơ bản về tài chính đến số đông người nghèo ở khắp các vùng ở Việt Nam, đồng thời nâng cao kỹ năng nhận và xử lý thông tin tài chính qua điện thoại di động cho người nghèo. Đây cũng là những kết quả bước đầu mà chuyển đổi số mang lại nhưng độ bao phủ đã vươn tới các đối tượng yếu thế, khó khăn nhất, xa xôi, hẻo lánh nhất trong xã hội. Chắc chắn, trong cuộc cách mạng công nghệ bùng nổ hiện nay, chuyển đổi số vừa là xu thế tất yếu vừa là con đường phát triển đúng đắn, bền vững nhất.

Bình Nhi