Mới đây, trong một chương trình thời sự, VTV1 đưa tin một số doanh nghiệp châu Âu đã chủ động dán nhãn cân bằng khí thải, zero carbon lên các sản phẩm nông nghiệp của mình mặc dù Liên minh châu Âu (EU) chưa bắt buộc. Việc dán nhãn zero carbon lên sản phẩm là nhằm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng châu Âu luôn coi trọng bảo vệ môi trường trong đời sống hàng ngày, vốn đã trở thành một phần không thể thiếu trong nhận thức và văn hóa tiêu dùng của xã hội và người dân.
Câu chuyện này cho thấy, nhận thức xã hội ở các nước phát triển về bảo vệ môi trường đã có bước tiến rất xa cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, cho phép các doanh nghiệp thực thi các chính sách bảo vệ môi trường rất cụ thể, chi tiết ở mọi cấp độ, từ hộ gia đình, doanh nghiệp, cộng đồng khu dân cư rồi đến quốc gia, khu vực. Xu thế này sẽ đẩy các quốc gia có trình độ phát triển thấp hơn, đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế vào vị thế cạnh tranh khó khăn hơn khi luôn luôn bị săm xoi các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trong từng sản phẩm, cho dù là công nghiệp hay nông nghiệp, dịch vụ.
Mới đây, khi trao đổi với đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, bà Stefanie Peters, thành viên Hội đồng Hydrogen Quốc gia của Đức, cho biết, tuy xu thế chung là như vậy nhưng EU rất thận trọng đặt ra lộ trình, mục tiêu chuyển đổi năng lượng vì đây thật sự là công việc khó khăn, lâu dài và rất tốn kém.
Theo bà Stefanie Peters, vấn đề đầu tiên cần quan tâm vẫn là xây dựng thể chế, chính sách. Việc này cũng không dễ và mất khá nhiều thời gian với quy trình khá phức tạp, nhất là ở EU. Theo wasserstoffrat.de, Hội đồng Hydrogen Quốc gia CHLB Đức (Nationaler Wasserstoffrat, NWR) được chính phủ Đức thành lập và hoạt động như một ban cố vấn độc lập, phi đảng phái, bao gồm 26 chuyên gia cấp cao trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ và xã hội, có nhiệm vụ hỗ trợ và tư vấn cho Chính phủ trong việc triển khai Chiến lược hydrogen quốc gia của Đức (Nationale Wasserstoffstrategie, NWS).
Hội đồng hydrogen quốc gia Đức tư vấn cho Chính phủ thông qua các đề xuất và khuyến nghị chính sách sau khi nghiên cứu và thảo luận tập thể. Bên cạnh đó, để triển khai Chiến lược hydrogen quốc gia, CHLB Đức đã thành lập Văn phòng Điều phối hydrogen (Leitstelle Wasserstoff) và Trung tâm kiểm soát hydrogen.
Việc hình thành khung thể chế bao gồm các quy định của pháp luật, cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho ngành công nghiệp mới là rất quan trọng vì tính phức tạp, đắt đỏ về công nghệ và quy mô nhỏ bé ban đầu của thị trường. Ngay như CHLB Đức thì sản xuất hydrogen xanh ở quy mô công nghiệp vẫn còn rất hạn chế do sự phức tạp của công nghệ điện phân, bảo quản, lưu trữ, truyền tải và phân phối, sử dụng hydrogen cùng với giá thành của năng lượng tái tạo không hề rẻ… cho thấy những khó khăn nhất định.
Theo Neuman&Esser (NEA), doanh nghiệp hàng đầu của Đức về hydrogen, thì giữa năm 2025 họ mới sản xuất ở quy mô công nghiệp những mô-đun điện phân hydrogen đặt vừa trong container 40 feet có công suất 2MW/container và các container này có thể kết nối với nhau để thành một cụm sản xuất hydrogen, lặp đặt dễ dàng ngay tại nguồn điện gió, điện mặt trời. NEA còn sản xuất các máy nén khí khổng lồ nặng 250 tấn/máy để giữ áp lực tuyến ống vận chuyển hydrogen trong mỗi khoảng cách 200km tới các trạm lưu trữ và phân phối, tra nạp cho các phương tiện vận tải chạy bằng hydrogen hay để sử dụng trực tiếp trong các nhà máy công nghiệp, nhà máy điện. Bây giờ các đơn hàng ngành hydrogen đang tăng nhanh trong khi khả năng đáp ứng có hạn nên phải đặt hàng trước và chờ đợi vài tháng cho việc chế tạo.
Theo ông Trần Hoàng Phụng, đại diện Tập đoàn KBR Hoa Kỳ, việc khử carbon trong ngành hàng không là một thách thức lớn khi toàn ngành hàng không thế giới đang phấn đấu đạt được mức tăng trưởng trung hòa carbon vào năm 2030 và hướng tới mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050 trong điều kiện các công nghệ thay thế dựa trên động cơ nhiên liệu hydrogen chưa được kiểm chứng trong thực tế. Bên cạnh việc nghiên cứu, phát triển các thế hệ động cơ máy bay hiệu quả hơn để giảm lượng khí thải, thì việc sản xuất đủ số lượng với chi phí hợp lý nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) sẽ đóng một vai trò then chốt.
Hoa Kỳ đã công bố SAF Grand Challenge để hỗ trợ sản xuất, sử dụng và phát triển cơ sở hạ tầng để triển khai SAF. Ủy ban Châu Âu đang đề xuất gói ReFuel EU và Fit for 55 để khuyến kích phát triển nhiên liệu hàng không bền vững nhằm giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính (GHG) vào năm 2030 so với mức năm 1990 và đạt được mục tiêu zero carbon vào năm 2050 như đã cam kết. Một trong những công nghệ tiên tiến hướng tới mục tiêu đó chính là PureSAFSM do Công ty nhiên liệu sinh học Thụy Điển AB phát minh và đã được KBR cấp phép độc quyền để sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững, biến các loại nhiên liệu sinh khối bao gồm các cây năng lượng, phế thải nông nghiệp và lâm nghiệp, rơm rạ, chất thải gỗ, thức ăn nông nghiệp như hạt cải dầu, mía, ngô, chất thải rắn đô thị và CO2, và hydro tái tạo thành nhiên liệu hàng không bền vững.
Như vậy, có thể thấy, để chuyển đổi năng lượng thành công, chúng ta không chỉ cần xây dựng khung pháp lý toàn diện, có tính động và mở để thích ứng với bối cảnh và tình hình chuyển dịch năng lượng trên thế giới, mà cần đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế hiện có để đạt được sự công nhận và tuân thủ toàn cầu, phù hợp với Tuyên bố chính trị về việc thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam năm 2022.
Hiện nay, Quốc hội chuẩn bị xem xét dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Bên cạnh việc cụ thể hóa nghị quyết của Đảng về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng thì dự thảo Luật lần này cần xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá, xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng,… khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng và hiệu quả cho ngành năng lượng dựa trên lợi thế so sánh quốc gia về năng lượng tái tạo, ngành công nghiệp hydrogen theo Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Chiến lược và Quy hoạch có liên quan khác gắn với các cam kết quốc tế của nước ta về bảo vệ môi trường và cân bằng khí thải vào năm 2050.