Phổ biến, giáo dục pháp luật

Chuyển đổi cùng công nghệ số

- Thứ Tư, 16/12/2020, 06:34 - Chia sẻ
Thúc đẩy chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật được hy vọng là một giải pháp hữu hiệu để đưa pháp luật đến nhanh với nhiều người, đạt hiệu quả tốt hơn với chi phí phù hợp hơn, đặc biệt là giúp cho người dân hiểu biết và tuân thủ pháp luật tốt hơn.

Hiệu quả hơn, chi phí thấp hơn

Nhờ được tiến hành thường xuyên, liên tục, với nhiều hình thức, nên công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã đạt được một số kết quả tích cực, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân có bước chuyển biến tích cực. Tuy vậy, tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32- CT/TW cho thấy, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, chưa thực chất, hiệu quả; nhiều người, đặc biệt là người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, chưa được tiếp cận, nắm bắt nhiều chính sách pháp luật, hệ quả là việc tuân thủ chưa nghiêm, thậm chí vi phạm quy định pháp luật, vẫn xảy ra khá phổ biến.  

Học sinh tham gia Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến”

Theo Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Tư pháp, với quy mô dân số 95 triệu người, tỷ lệ người sử dụng internet chiếm tới 60%, thời lượng sử dụng bình quân gần 7 tiếng/ngày, Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về số lượng người dân sử dụng internet... Do đó, để chuyển đổi số trong phổ biến giáo dục pháp luật khả thi, các bộ, ngành, địa phương cần đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ số phù hợp; xây dựng dữ liệu câu hỏi và trả lời về lĩnh vực pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương đó và tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung của cả nước do Bộ Tư pháp quản lý để chia sẻ, dùng chung, phục vụ việc tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Phan Hồng Nguyên cho rằng, nguyên nhân là do một số hình thức phổ biến giáo dục pháp luật truyền thống chưa phù hợp với đối tượng; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa tương xứng với yêu cầu thực tế; dữ liệu hỏi đáp pháp luật trên môi trường mạng phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng, tìm hiểu pháp luật của người dân còn chưa phong phú, đôi khi trùng lặp, chưa kịp thời...

Để khắc phục những tồn tại trên, nhất là tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, công tác phổ biến giáo dục pháp luật đòi hỏi phải có sự thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc từ tư duy, nhận thức đến cách làm. Điều này cũng có nghĩa, công tác phổ biến giáo dục pháp luật thời gian tới phải đổi mới nhằm thích ứng với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, tạo điều kiện cho người dân tự học tập, tìm hiểu pháp luật, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cũng khẳng định: Chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật là cách tiếp cận mới và chính sự phát triển nhanh của công nghệ số sẽ giúp giải quyết được một số vấn đề, như nền tảng công nghệ số cho phép người dân và doanh nghiệp cùng tham gia vào ngay từ đầu quá trình xây dựng văn bản. Cụ thể, chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật thay vì người dân tự tìm kiếm, tự tìm hiểu văn bản, các cơ quan có thể đưa thông tin, nội dung theo nhu cầu của người dân một cách chọn lọc và đúng thời điểm. Công nghệ số cũng cho phép hiểu được nhu cầu, thói quen và khoảng thời gian đối tượng muốn lắng nghe. Đặc biệt, cách thức tuyên truyền này giúp tiếp cận được nhiều người, hiệu quả hơn và với chi phí phù hợp hơn.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, phổ biến, giáo dục pháp luật tác động đến mọi chủ thể trên mọi lĩnh vực, vùng, miền trong cả nước, với những vấn đề chung cũng như những vấn đề đặc thù của mỗi người dân, doanh nghiệp. Do đó, để thực hiện thành công chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bên cạnh quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước, cần có sự đồng thuận, vào cuộc của mọi chủ thể trong xã hội. Cụ thể, cần có sự sẵn sàng vào cuộc của các cấp, các ngành đối với hệ thống chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu phổ biến giáo dục pháp luật dùng chung được số hóa bảo đảm tính thống nhất của pháp luật; có giải pháp, lộ trình, tổ chức thực hiện cụ thể, rõ ràng để bảo đảm tính hiệu quả…

Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Phú Tiến đề xuất, cần phát triển nền tảng để người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tra cứu pháp luật dưới dạng hỏi - đáp, tình huống. Bởi “hiện nay, hệ thống văn bản của Việt Nam khá phức tạp, một nội dung được quy định ở nhiều văn bản, thuộc nhiều cổng/trang thông tin điện tử khác nhau”. Vì vậy, cần phát triển ứng dụng để khi người dân, doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước có câu hỏi hay muốn tìm hiểu quy định pháp luật, chỉ cần truy cập ứng dụng là sẽ có câu trả lời cụ thể, chứ không chỉ tra cứu văn bản. Bên cạnh đó, nền tảng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật từ xa cũng cần phát triển để phục vụ người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, giống như nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa được triển khai thực hiện khi dịch Covid-19 bùng phát. 

Từ thực tiễn áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến giáo dục pháp luật tới các doanh nghiệp, đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nêu thực tiễn: Với nguồn nhân lực hạn chế, trong khi phải phục vụ cộng đồng doanh nghiệp lớn, để đưa chính sách pháp luật đến với doanh nghiệp, bên cạnh phương pháp truyền thống, VCCI đã chọn các hình thức mới như đăng tải chính sách pháp luật cũng như thực hiện hỏi - đáp trên mạng xã hội; tổ chức các các chương trình pháp luật với doanh nghiệp bằng hình thức trực tuyến, hội thảo qua Zoom...

Bài và ảnh: Bảo Hân