Chuyện doanh nghiệp "mất tích"

- Thứ Hai, 01/03/2021, 06:25 - Chia sẻ
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2021, cả nước có hơn 5.564 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, các cơ quan chức năng cũng không liên lạc được...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, những doanh nghiệp này có thể đang hoạt động, đã chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan chức năng hoặc đã ngừng hoạt động nhưng không đăng ký... Lý do nữa có thể là vì nếu doanh nghiệp không hoạt động tại trụ sở đã đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ đăng ký kinh doanh bị xử phạt khá thấp nên nhiều doanh nghiệp sau khi đăng ký địa điểm đã thay đổi nhiều lần nhưng không khai báo với cơ quan quản lý. Điều này dẫn đến việc cơ quan quản lý không nắm được dữ liệu, gây khó khăn trong quản lý thuế cũng như không quản lý được theo niên hạn các hành vi kinh doanh, đầu tư và nộp thuế.

Không phải đến bây giờ mới xảy ra tình trạng doanh nghiệp có "khai sinh" nhưng cơ quan quản lý không biết đã "lớn" đến mức nào hoặc tồn tại hay không. Nguyên nhân, có thể như một đại biểu Quốc hội đã nêu tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2019, là do thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp quá dễ, chỉ trong tích tắc. Cho đến khi doanh nghiệp nợ thuế, không thu được thuế, cơ quan thuế đến thì địa chỉ kinh doanh không đúng...

Chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp là đúng. Và trên thực tế, các điều kiện thành lập doanh nghiệp ngày càng "cởi mở", đơn giản, nhanh chóng, thuận lợi hơn rất nhiều. Vậy nhưng cùng với đó, yêu cầu đặt ra là phải quản lý được, mà câu chuyện một doanh nghiệp ở Hà Nội đăng ký thành lập với số vốn lên tới 144.000 tỷ đồng hồi đầu năm 2020 là ví dụ điển hình. Trong trường hợp này, rõ ràng có quá nhiều điểm bất thường, nhưng vì Luật Doanh nghiệp quy định đăng ký vốn điều lệ là do doanh nghiệp tự kê khai, cơ quan quản lý chỉ thực hiện hậu kiểm thông qua một số công cụ như báo cáo tài chính, báo cáo thuế.

Hơn nữa, các thủ tục về thành lập doanh nghiệp đều được đáp ứng đầy đủ nên cơ quan chức năng không có lý gì để từ chối cấp phép. Giải pháp của các cơ quan chức năng khi đó, như thừa nhận của đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là gọi điện xác nhận với người đại diện pháp luật của công ty đó, đồng thời thông báo cho các cơ quan thuế, thanh tra, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để phối hợp theo dõi, quản lý. Và rằng các cổ đông có nghĩa vụ góp đủ số vốn kê khai trong đăng ký kinh doanh trong thời hạn 90 ngày từ thời điểm cấp đăng ký kinh doanh theo Điều 112 Luật Doanh nghiệp. Nếu không góp đủ vốn trong hạn định sẽ bị phạt hành chính...

Từ thực tế này cho thấy, nên chăng đã đến lúc việc cấp đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký kinh doanh cần được tổ chức thống nhất nhằm tránh những bất cập như khi đăng ký cơ quan cấp đăng ký có thể thống kê được số lượng doanh nghiệp, nhưng thực tế doanh nghiệp có hoạt động hay không, có làm nghĩa vụ thuế không thì cơ quan đăng ký không cung cấp được.

Điều kiện đăng ký thành lập doanh nghiệp là cơ sở pháp lý để các nhà đầu tư tiến hành hoạt động kinh doanh. Điều kiện càng thoáng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp. Ngược lại, sẽ làm nản lòng nhà đầu tư. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh quan điểm rằng, thuận lợi, đơn giản không có nghĩa là dễ dãi mà phải đặc biệt coi trọng khâu hậu kiểm. Có như vậy mới tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, công bằng. Mới không xảy ra tình trạng doanh nghiệp "mất tích"!

Khánh Ninh