Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước tiếp tục xuất hiện tình trạng người dân gặp phải trường hợp dù không vay mượn, không bảo lãnh, thậm chí không hề quen biết người vay mượn tiền qua các công ty tài chính, ngân hàng, ứng dụng cho vay tiền… nhưng bị một số đối tượng gọi điện làm phiền, lời lẽ đe doạ, thách thức gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự trị an xã hội.
Phản ánh đến Báo Đại biểu Nhân dân, anh T (35 tuổi, trú tại Ba Đình, Hà Nội) cho biết mình vừa rơi vào trường hợp tương tự. Theo nội dung phản ánh, khoảng 11h ngày 9.5.2024, khi đang làm việc anh T bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 02862882666. Khi nghe máy, anh được một người nữ giới thiệu là nhân viên của Công ty tài chính Shinhan Finance. “Người nữ này bất ngờ hỏi tôi về việc có quen biết một người ở cơ quan khác không vì người này có liên quan đến khoản vay tài chính, thời điểm này tôi trả lời là không biết về nội dung nêu trên”, anh T cho biết.
Tiếp đó, đến khoảng 15h30 phút cùng ngày, anh T tiếp tục nhận được cuộc gọi từ số 02873093474 của một nam giới tự xưng làm việc tại Shinhan Finnance tiếp tục truy vấn về khoản nợ của người khác dù anh T không liên quan.
Đáng chú ý, theo phản ánh, nam nhân viên xưng làm việc tại Shinhan Finance có những lời lẽ với chiều hướng buộc anh T phải trả lời các câu hỏi của người này. Sau đó, có thêm cuộc gọi từ đầu số tương tự nhưng anh T không bắt máy.
“Hành vi gọi điện làm phiền, quấy rối người dân của nhóm người tự xưng làm việc tại Shinhan Finance là không thể chấp nhận được trong xã hội hiện tại. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người dân khác có thể đã gặp phải trường hợp tương tự”, anh T bức xúc.
Theo anh T, sau khi làm xong công việc trong ngày, có thời gian để nghĩ lại những nội dung từ cuộc gọi, anh T nhớ ra khoản nợ mà các nhóm người tự xưng “nhân viên Shinhan Finance" nhắc đến liên quan đến một đồng nghiệp ở cơ quan cũ. Tuy nhiên, anh T. đã chuyển khỏi cơ quan cũ được 3 năm và hoàn toàn không biết, không liên quan gì đến những khoản nợ nêu trên.
Sự việc bị nhóm người tự xưng “nhân viên Shinhan Finance” gọi điện làm phiền cũng khiến cũng khiến anh T nhớ lại vào khoảng thời gian trước khi xảy ra sự việc, số điện thoại của anh T nhiều lần bị các tin nhắn từ sim rác mời chào vay tiền tại Shinhan Bank. “Không biết phía Shinhan Bank này lấy số điện thoại cá nhân của tôi từ đâu nhưng việc lấy cắp thông tin cá nhân để nhắn tin mời chào vay tiền là hành vi cần bị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý”, anh T thông tin.
Theo tìm hiểu của Báo Đại biểu Nhân dân, Shinhan Finance là Công ty thuộc Shinhan Card, Công ty phát hành thẻ tín dụng hàng đầu tại Hàn Quốc. Ngày 2.7.2019, Shinhan Card, Công ty phát hành thẻ tín dụng hàng đầu tại Hàn Quốc, đã chính thức khai trương Công ty Tài chính Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance) tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Shinhan Bank Việt Nam là ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Shinhan Hàn Quốc – thành viên của Tập đoàn Tài chính Shinhan (Shinhan Financial Group). Cả hai thương hiệu Shinhan Finance và Shinhan Bank đều nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Tài chính Shinhan.
Để làm rõ sự việc, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, Báo Đại biểu Nhân dân đã liên hệ với Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance).
Theo phản hồi từ phía Shinhan Finance, công ty tài chính tiêu dùng này đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép hoạt động. Quá trình hoạt động, Shinhan Finance khẳng định luôn tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý về hoạt động cho vay tiêu dùng bao gồm hoạt động thu hồi nợ và quản lý nợ xấu.
Shinhan Finance khẳng định công ty không có chủ trương cho nhân viên hoặc đơn vị dịch vụ pháp lý gọi điện thoại đe dọa, quấy rối đến bất kỳ người nào không có liên quan đến khoản vay với Shinhan Finance.
“Chúng tôi yêu cầu tất cả các nhân viên nghiệp vụ Thu hồi nợ thực hành theo “Quy định về tư cách đạo đức nhân viên thu hồi nợ” nhằm đảm bảo các hoạt động này phù hợp với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Shinhan Finance ghi âm mọi cuộc gọi từ tổng đài và thực hiện đánh giá chất lượng cuộc gọi hàng ngày để đảm bảo chuẩn mực”, Shinhan Finance cho biết.
Người dân cần trình báo cơ quan Công an nếu bị “làm phiền” kéo dài
Liên quan đến sự việc, Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh cho rằng, vấn đề bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ dù không vay tiền bắt nguồn từ một số nguyên nhân chính sau đây:
Người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã tham gia vay tiền qua App và không trả tiền đúng hạn nên các đối tượng đòi nợ sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ của họ để nhắn tin, gọi điện thoại nhằm mục đích đòi nợ, cho dù người bị gọi điện không liên quan đến các khoản vay nợ đó.
Do thủ tục vay tiền qua App hết sức đơn giản, người vay chỉ cần cung cấp thông tin CMND/CCCD là có thể vay được tiền, vậy nên một số đối tượng xấu đã lợi dụng việc đánh cắp thông tin hoặc sử dụng thông tin công khai của bạn để thực hiện việc vay tiền qua App nhưng sau đó không trả.
Trường hợp người vay tiền người vay quên hoặc cố tình không thanh toán tiền vay thì người thân, bạn bè, đồng nghiệp,... của người vay sẽ bị “khủng bố” bằng điện thoại, tin nhắn,... với giọng điệu từ nhỏ nhẹ đề nghị nhắc nhở người vay trả nợ đến đe dọa, khủng bố, bêu xấu trên các trang mạng xã hội… Thậm chí có người khi nhận được điện thoại còn không biết là mình quen người vay tiền bởi lẽ số điện thoại của họ được thêm vào một cách ngẫu nhiên để hợp thức hóa hồ sơ vay, trong khi thực tế không có mối quan hệ nào.
Đây là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội, người bị gọi điện đòi nợ có thể rơi vào tình trạng hoang mang, sợ hãi thậm chí là mất tiền oan do không biết hướng giải quyết đúng đắn.
Hành vi hành vi nhắn tin, gọi điện chửi rủa, bôi nhọ, lăng mạ, khủng bố tinh thần nhằm mục đích đòi tiền vô căn cứ có thể cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ Luật Hình sự 2015 và mức hình phạt cao nhất của tội này là 20 năm tù.
Khi bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ dù không vay tiền, người dân có thể thực hiện các biện pháp sau đây: Giữ bình tĩnh và thu thập thông tin; Ghi âm cuộc gọi: Sử dụng ứng dụng ghi âm cuộc gọi hoặc ghi âm bằng điện thoại khác để lưu lại bằng chứng về lời đe dọa; Lưu lại tin nhắn: Chụp ảnh màn hình hoặc lưu lại tin nhắn đe dọa để làm bằng chứng; Xác định nguồn gốc: Ghi lại số điện thoại, tên người gọi/nhắn tin, nội dung đe dọa và bất kỳ thông tin nào khác có thể giúp xác định người đòi nợ; Giải thích rõ ràng và khẳng định bản thân không vay tiền và không liên quan đến khoản nợ.
Nếu bị làm phiền trong thời gian dài, người dân cần liên hệ công an khu vực để trình báo sự việc và và yêu cầu hỗ trợ. Khi trình báo cần cung cấp những thông tin, bằng chứng để cơ quan chức năng có cơ sở điều tra, xác minh. Người dân cũng có thể thuê luật sư tư vấn và đại diện nếu cần thiết.