Thế giới 24h

Chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Donald TrumpHọc thuyết đối ngoại mới hay canh bạc ngoại giao?

Quốc Đạt 16/05/2025 16:14

Chuyến công du Trung Đông đang diễn ra của Tổng thống Mỹ Donald Trump không đơn thuần là một hành trình ngoại giao thường lệ. Mặc dù được Nhà Trắng mô tả là "chuyến thăm của những thương vụ", chuỗi sự kiện này đã nhanh chóng chuyển hướng thành một cơn địa chấn ngoại giao, làm rung chuyển cấu trúc địa chính trị khu vực; đồng thời đưa đến những tranh cãi về định hướng đối ngoại của Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai.

Tuyên ngôn mới về Trung Đông

Một trong những sự kiện đáng chú ý, nhưng có thể đã dễ dàng bị bỏ lỡ và che mờ bởi tin tức tới tấp về các hợp đồng kinh tế trị giá nhiều tỷ đô la, đó là tại Diễn đàn Đầu tư Mỹ - Ảrập ngày 14/5 ở Riyadh, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra những tuyên bố mang tầm nhìn chiến lược, có thể được xem là những nét đầu tiên của một học thuyết đối ngoại mới: “Thế hệ lãnh đạo mới ở vùng Vịnh đang vượt lên trên các cuộc xung đột lâu đời, tình trạng chia rẽ mệt mỏi trong quá khứ, để kiến tạo một Trung Đông của thương mại chứ không phải hỗn loạn, nơi xuất khẩu công nghệ sẽ phát triển thay vì khủng bố”.

z6607806775906_312c06fe087441cb8d41d46d7249dbd1.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những tuyên bố mới về Trung Đông tại Diễn đàn Đầu tư Mỹ - Ảrập ngày 14/5. Ảnh: Nhà Trắng

Bader Al-Saif, thành viên cộng tác tại viện nghiên cứu Chatham House ở London, một chuyên gia về Trung Đông nhận định, phát biểu của ông Donald Trump tại Riyadh là "sự thay đổi lớn chưa từng thấy trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ" trong nhiều thập kỷ. Ông nói với CNN: “Chúng ta đang chứng kiến sự hình thành của một học thuyết Trump trong chính sách Trung Đông – nơi Mỹ để các quốc gia vùng Vịnh tự dẫn dắt khu vực, và Washington đóng vai trò đối tác chiến lược thay vì cảnh sát toàn cầu”.

Tuyên bố này cũng phản ánh đúng tâm lý các quốc gia vùng Vịnh hiện nay: mong muốn kiểm soát vận mệnh khu vực bằng nội lực, giảm sự phụ thuộc vào các thế lực bên ngoài, và hướng tới phát triển kinh tế thay vì tiếp tục các cuộc chiến triền miên.

Ông Bader Al-Saif cũng nói thêm rằng, yếu tố phản chiến trong tuyên bố này có thể khiến Israel cảm giác bị bỏ lại phía sau.

Cuộc gặp mang tính lịch sử với lãnh đạo Syria

Tâm điểm của cơn địa chấn đó là quyết định táo bạo và gây tranh cãi: dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria – quốc gia đã chìm trong nội chiến suốt hơn một thập kỷ, để trao cho đất nước bị tàn phá nặng nề này một “cơ hội thứ hai”.

z6607793400705_de4f8809a16a2f776afa7842be18de79.jpg
Tổng thống Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Syria Ahmed al-Sharaa tại Riyadh ngày 14/5. Ảnh: Reuters

Tại Riyadh, Tổng thống Trump đã có cuộc gặp trực tiếp với Ahmed al-Sharaa - lãnh đạo mới của Syria, người từng là một thủ lĩnh lực lượng nổi dậy có liên hệ với al Qaeda và mới đây còn nằm trong danh sách truy nã lên tới 10 triệu USD của Mỹ. Cuộc gặp này đánh dấu lần đầu tiên sau 25 năm một Tổng thống Mỹ đối thoại với lãnh đạo của Syria – một đất nước vốn là trung tâm xung đột và đối đầu trong chính sách Trung Đông của Washington.

Ngay trước cuộc gặp, Tổng thống Mỹ cũng gây bất ngờ khi tuyên bố dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria, điều có thể chính là úp mở của ông ngay trước chuyến thăm về việc sẽ có một tuyên bố gây chấn động.

Ông đồng thời bày tỏ niềm tin rằng Tổng thống lâm thời Syria al-Sharaa có thể giữ ổn định và đưa đất nước phát triển: “Đây là thời khắc để Syria tỏa sáng. Chúc may mắn, Syria. Hãy cho thế giới thấy điều gì đó thật đặc biệt”.

Theo các quan chức Nhà Trắng, ông còn mong muốn Syria dưới thời al-Sharaa - sẽ sớm công nhận Israel, điều vốn là điều cấm kỵ với bất kỳ chính quyền nào ở Damascus trước đây.

Mặc dù chi tiết của cuộc đàm phán dẫn đến quyết định này chưa được tiết lộ, động thái của Trump cho thấy sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Syria – từ cô lập và trừng phạt sang đối thoại và hội nhập.

Theo các nguồn tin từ Nhà Trắng, quyết định dỡ bỏ trừng phạt đối với Syria được thúc đẩy mạnh mẽ bởi Ảrập Xêút và Qatar – những quốc gia lo ngại rằng tình trạng bất ổn kéo dài ở Syria có thể lan rộng và gây mất ổn định toàn khu vực. Riyadh, Doha và Washington đều mong muốn ngăn cản chế độ mới ở Syria lại rơi vào vòng ảnh hưởng của các thế lực nước ngoài vốn có sức nặng truyền thống ở quốc gia này như Iran, Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ. Một Syria ổn định cũng sẽ mở đường cho các sáng kiến hòa bình khác trong khu vực, bao gồm giải quyết khủng hoảng nhân đạo tại Gaza hay căng thẳng hạt nhân với Iran.

Cởi bỏ dần cam kết với Israel

Mặc dù chưa có dấu hiệu Mỹ sẽ rời bỏ Israel, những quyết định gần đây của Tổng thống Donald Trump cho thấy Washington đang muốn giảm dần cam kết đồng minh lâu năm của mình ở Trung Đông.

Việc Israel tiếp tục chiến dịch tấn công Gaza khiến hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng khi khi Mỹ âm thầm đàm phán riêng rẽ với lãnh đạo Hamas để giải cứu con tin Mỹ, bỏ qua sự tham gia của Israel là sự kiện đáng lưu tâm.

Chưa dừng ở đó, mặc dù cho đến nay Tel Aviv chưa đưa ra phản ứng nào nhưng quyết định của Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận Syria, hay bất ngờ ký thỏa thuận với phiến quân Houthi ở Yemen – một thỏa thuận mà Israel không được tham vấn, cũng như không có điều khoản nào sẽ bảo vệ Israel, có thể khiến nước này cảm thấy bị gạt ra bên lề.

Chuyên gia Bader Al-Saif từ Viện Chatham House bình luận: “Nếu tôi là Israel, tôi sẽ cảm thấy nỗi sợ bị bỏ lại phía sau – một dạng FOMO (Fear of Missing Out) trong địa chính trị”.

Giữa ủng hộ và quan ngại

Quyết định táo bạo của ông Trump đã tạo ra làn sóng phản ứng trái chiều. Một số nhà phân tích và chính trị gia – kể cả những người từng chỉ trích ông – lại lên tiếng ủng hộ. Cựu Giám đốc CIA và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta nói trên CNN: “Tôi nghĩ đây là một bước đi đúng đắn. Al-Sharaa là người đã lãnh đạo phong trào nổi dậy và hiện đang cố gắng ổn định một đất nước từng bị xé nát bởi nội chiến”.

z6607806344271_233a6b83bf73a68c2cb9ed54c7137dce.jpg
Ông Trump chuẩn bị phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Mỹ - Ảrập ngày 14/5. Ảnh: Nhà Trắng

Tuy nhiên, cũng có nhiều cảnh báo từ các nhà lập pháp Mỹ, đặc biệt là lo ngại rằng chính phủ mới ở Syria có thể không bảo vệ được các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc, cũng như vẫn còn dấu vết của các phần tử khủng bố hoạt động trong lãnh thổ nước này.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch và Thượng nghị sĩ Dân chủ Jeanne Shaheen – hai lãnh đạo cấp cao trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho rằng: “Nếu muốn tận dụng thời điểm này, chính phủ Syria phải nhanh chóng giải quyết các mối lo ngại về an ninh quốc gia của Mỹ”.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một đồng minh lâu năm của Trump, tỏ ra thận trọng: “Tôi sẵn sàng ủng hộ việc dỡ bỏ trừng phạt nếu điều kiện thích hợp. Nhưng đừng quên rằng al-Sharaa không được bầu lên bởi người dân mà giành quyền lực bằng vũ lực”.

Ông Trump dường như cũng cảm nhận được rủi ro từ chính quyết định của mình. Ông đã nhắc đi nhắc lại rằng việc dỡ bỏ trừng phạt Syria được thực hiện phần lớn theo lời thuyết phục của Thái tử Ảrập Mohammed bin Salman.

Lịch sử đã chứng minh rằng đặt cược vào các “lãnh đạo mạnh tay” ở Trung Đông có thể không mang lại kết quả như Mỹ muốn, điển hình nhà cầm quyền Sadam Hussein của Iraq, nơi nước Mỹ đã phải trả giá bằng hàng nghìn sinh mạng và hàng nghìn tỷ USD.

Liệu hành động của ông sẽ đưa Trung Đông bước vào kỷ nguyên ổn định và hợp tác kinh tế như lời hứa, hay chỉ là một canh bạc chính trị, thậm chí là một quyết định ngẫu hứng và khó đoán giống như những gì ông đang làm với thương mại quốc tế.

Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng rõ ràng, một điều đã bắt đầu: Những bước đi ngoại giao chưa từng có tiền lệ, không giống bất kỳ người tiền nhiệm nào trong lịch sử hiện đại Mỹ đang được thúc đẩy.

Theo CNN
Copy Link
    Nổi bật
        Mới nhất
        Chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Donald Trump Học thuyết đối ngoại mới hay canh bạc ngoại giao?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO