Chuyện cấp sổ đỏ ở Thái Nguyên
Thái Nguyên được coi là điểm sáng trong chỉ đạo, giải quyết khó khăn cho người dân về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ). Những kinh nghiệm hay từ Thái Nguyên như xây dựng hệ thống dữ liệu điện tử về quản lý đất đai, công khai, minh bạch thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết kiến nghị ngay từ cơ sở… được Đoàn giám sát của UBTVQH đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, Thái Nguyên cũng không tránh khỏi những vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013.
Giải quyết khiếu nại từ cơ sở
Thực hiện Nghị quyết 30/2012/QH13 ngày 21.6.2012 của QH về chất vấn và trả lời chất vấn, Đoàn giám sát của UBTVQH đã triển khai các đợt giám sát, khảo sát việc giải quyết khó khăn cho người dân về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở đô thị tại 3 thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội và mới đây nhất là tỉnh Thái Nguyên. Kết quả giám sát bước đầu cho thấy, hầu hết các địa phương đều tập trung giải quyết những bất cập, hạn chế trong quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn.
Thực hiện Nghị quyết số 30 của QH và Chỉ thị số 05/CT - TTg ngày 4.4.2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất năm 2013, Thái Nguyên đã tích cực triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Tính đến 31.12.2013, trên địa bàn tỉnh đã cấp được 243.154,77ha, đạt 92,36% diện tích cần cấp, tăng 17,99% so với năm 2012, vượt 7,36% so với chỉ tiêu Nghị quyết 30 của QH đề ra. |
Trước hết là việc giao quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, thu hồi đất. Tính đến 31.12.2014, Thái Nguyên đã cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 245.892,44ha, đạt hơn 93% diện tích cần cấp, trong đó đất ở tại đô thị đã cấp 1.754,06ha, đạt gần 97%. Để có được kết quả này, kinh nghiệm của Thái Nguyên là sớm giao chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến từng huyện, thành phố, thị xã và các sở, ngành liên quan; phân giao nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng cho các sở, ngành, UBND cấp huyện; xác định rõ loại đất cần tập trung hoàn thành.
Trong tổ chức thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sự minh bạch trong hồ sơ, thủ tục là thiết yếu. Thái Nguyên thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai để người dân hiểu và nắm rõ về quyền, nghĩa vụ của mình. Các quy trình, thủ tục tiếp nhận và trả kết quả cấp giấy chứng nhận sử dụng đất được đăng công khai trên trang điện tử của địa phương cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường, giúp người dân giám sát, kiểm tra và chủ động thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cũng chủ động hướng dẫn, giải quyết kịp thời vướng mắc trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn để hỗ trợ các huyện trong công tác đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính và kê khai lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân…
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng, thành viên Đoàn giám sát, với những nỗ lực như vậy, Thái Nguyên đã ra khỏi top 3 địa phương trên cả nước có nhiều đoàn khiếu kiện vượt cấp về đất đai. Đáng chú ý, do xây dựng được cơ sở dữ liệu quản lý đất đai bằng công nghệ số, người dân có thể chủ động cập nhật thông tin về thửa đất, diện tích đất cũng như diễn biến tình hình đất đai trên địa bàn qua trang thông tin điện tử dữ liệu về đất đai, nên huyện Định Hóa đã hoàn thành 100% việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở. Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thì việc xây dựng được dữ liệu quản lý đất đai bằng công nghệ số, giải quyết khiếu kiện ngay từ cơ sở là nhân tố mấu chốt để địa phương đạt được tỷ lệ cấp giấy chứng nhận cao như vậy.
![]() | |
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền phát biểu tại cuộc làm việc | Ảnh: H. Ngọc |
Vận dụng đã đúng luật?
Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 90% của Thái Nguyên là kết quả mà chưa phải địa phương nào cũng đạt được. Tuy nhiên, qua giám sát, ngay ở địa phương đạt kết quả cao như Thái Nguyên thì cũng đang gặp phải những vướng mắc nhất định trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, Trưởng đoàn giám sát, thì tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn Thái Nguyên chưa đồng đều. Ví dụ tại huyện Đồng Hỷ, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới đạt hơn 81%, thấp hơn so với mặt bằng chung của toàn tỉnh. Trong 2 năm 2014 và 2015, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn Thái Nguyên đang có dấu hiệu chững lại. Hiện hơn 3% đất ở, nhà ở đô thị của Thái Nguyên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở đô thị.
Tới đây, hướng giải quyết của Thái Nguyên là gì để hoàn thành được mục tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở theo Nghị quyết của QH đã đề ra? Trong quá trình triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đất đai, Thái Nguyên có gặp khó khăn gì không? Một trong những khâu còn vướng hiện nay trong quản lý đất đai là cán bộ và kinh phí đo đạc. Vậy Thái Nguyên đã dành đủ 10% kinh phí trích lập cho công tác đo đạc lại diện tích đất trên địa bàn hay chưa? Chính sách luân chuyển cán bộ địa chính trên địa bàn được thực hiện như thế nào?... Hàng loạt câu hỏi đã được các thành viên Đoàn giám sát của UBTVQH đặt ra với mong muốn cùng với địa phương tìm hướng ra để giải quyết dứt điểm việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở trên địa bàn.
Nghị quyết 30/2012/QH13 ngày 21.6.2012 của QH về chất vấn và trả lời chất vấn nêu rõ, trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường là tập trung giải quyết những bất cập, hạn chế trong quản lý nhà nước về đất đai, trước hết là việc giao quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, thu hồi đất; chính sách giá trong đền bù giải phóng mặt bằng; quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị; tình trạng sử dụng đất lãng phí; bảo đảm đến 31.12.2013 căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước. |
Thẳng thắn thừa nhận với Đoàn giám sát rằng chưa bố trí đủ 10% kinh phí trích lập cho công tác đo đạc đất đai, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cho biết, đây là một trong những nguyên nhân khiến huyện Định Hóa tuy hoàn thành 100% việc cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, nhưng lại chưa hoàn thành công tác đo đạc đất, xác minh quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho những diện tích thuộc quyền của các nông, lâm trường trên địa bàn. Thực tế, việc người dân làm nhà, sinh sống ngay trên những diện tích đất của nông, lâm trường này đang là bài toán khó đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của địa phương. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm, hơn 3% diện tích đất ở, nhà ở đô thị chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở đô thị đều là những trường hợp tồn đọng kéo dài. Trong đó có trường hợp là cán bộ, giáo viên sinh sống nhiều năm trên đất thuộc các trường đại học trên địa bàn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà trường và cán bộ, giáo viên đang còn vướng, không thể dứt điểm ngay. Một số trường hợp khác, để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở đô thị thì trước tiên người dân sinh sống trên mảnh đất ấy, căn nhà ấy phải hoàn thành nghĩa vụ về thuế, nhưng ngặt nỗi, những hộ dân này lại chưa có tiền…
QH đã kịp thời sửa đổi và ban hành Luật Đất đai 2013. Thái Nguyên đã khẩn trương triển khai thực hiện các quy định của Luật để giải quyết các vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở trên địa bàn. Nhưng việc vận dụng chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai của Thái Nguyên đã hoàn toàn đúng luật hay chưa? - Đoàn giám sát của UBTVQH đặt câu hỏi.
Theo lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, việc địa phương thực hiện phân theo lô đất tại khu đô thị mới, khu dân cư là vận dụng chưa đúng quy định của Luật Đất đai 2013. Đúng ra địa phương phải thực hiện phân theo thửa đất và theo quy hoạch chi tiết, xây dựng nhà xong bán và cấp lại cho người dân. Giả sử trong trường hợp chia lô xây nhà, người được chia lô đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác, thực hiện xây dựng công ty, thì có cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không? Theo quy định của luật thì câu trả lời là: Không!
Kết quả đạt được là đáng ghi nhận. Nhưng rõ ràng để hoàn thành được mục tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất đối với tất cả diện tích trên địa bàn thì Thái Nguyên cần nhiều nỗ lực và quyết tâm hơn nữa. Theo Trưởng ban Nguyễn Đức Hiền thì trước hết Thái Nguyên phải phấn đấu để trích lập đủ 10% kinh phí cho đo đạc, hướng tới hoàn thành 100% diện tích đất được cấp quyền sử dụng. Cùng với đó, cần triển khai và áp dụng cơ sở dữ liệu điện tử về đất đai trên toàn tỉnh, chứ không dừng ở việc thí điểm thực hiện tại huyện Định Hóa như hiện nay.
Để sớm tháo gỡ vướng mắc, hạn chế trong giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà trên địa bàn, Thái Nguyên cần sớm phân loại những diện tích đất nào chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, tìm ra nguyên nhân và đề xuất được hướng giải quyết. Đối với những trường hợp người dân đang khiếu nại, tố cáo về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì khâu nào khiến người dân bức xúc nhất.
Trả lời được những câu hỏi nêu trên sẽ giúp Đoàn giám sát của UBTVQH có cái nhìn tổng quan hơn về thực tế việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà của các địa phương cũng như có thêm thực tiễn để đưa ra những kiến nghị đúng và trúng nhằm tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong quản lý nhà nước về đất đai. Nhất là đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Những kinh nghiệm hay từ Thái Nguyên trong giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà có thể là căn cứ để các địa phương khác nghiên cứu, vận dụng, góp phần hoàn thành mục tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà trên cả nước. Hoàn thành mục tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho người dân cũng chính là góp phần triển khai thi hành Hiến pháp mới. Theo đó, mọi công dân có quyền có nơi ở hợp pháp và Nhà nước phải xác nhận nơi ở hợp pháp cho người dân.