Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư

Chuyển biến toàn diện từ nhận thức đến hành động

- Thứ Ba, 29/09/2020, 08:51 - Chia sẻ
Hơn 5 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40), đã trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rầm rộ trên cả nước, không chỉ được hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách nồng nhiệt đón đợi mà còn lôi kéo sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, làm chuyển biến toàn diện từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền và người dân; trở thành vũ khí hữu hiệu nhất trong công cuộc giảm nghèo của đất nước…

Từ những “cánh tay nối dài”

Từ sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW được triển khai, đã có thêm 15.697 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác từ địa phương được huy động, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt 31,3%, tăng gấp gần 4,1 lần so với giai đoạn trước, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng đến ngày 30.6.2020 đạt 19.505 tỷ đồng.

Sau khi Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng được ban hành, ngày 3.12.2014, Hội Nông dân Việt Nam cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thống nhất ký kết Văn bản thỏa thuận số 3948/VBTT “Về việc thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”. Tính đến 30.6.2019, có 100% Hội nông dân cấp tỉnh và cấp huyện ký văn bản thỏa thuận với NHCSXH cùng cấp; 100% Hội nông dân cấp xã trong cả nước đã ký hợp đồng ủy thác với phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện.

Dư nợ của các chương trình ủy thác qua tổ chức Hội đạt 61.594 tỷ đồng (tăng 18.972 tỷ đồng so với cuối năm 2014), thông qua 56.532 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, cho 2.075.404 thành viên, chiếm tỷ trọng 31,16% tổng dư nợ của NHCSXH ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội, mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 7,4%/năm. Nợ quá hạn là 247,345 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,4% tổng dư nợ, giảm 0,01% so với cuối năm 2014. Trong các chương trình tín dụng uỷ thác qua Hội nông dân có 7 chương trình dư nợ, chiếm tỷ trọng lớn với 57.790 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 94% tổng dư nợ, còn lại các chương trình khác có dư nợ 3.803 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6% tổng dư nợ. Doanh số cho vay từ 2014 đạt gần 75.000 tỷ đồng, đã giúp cho trên 3 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn tín dụng chính sách để tạo sinh kế, việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống.

Tại Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, việc thực hiện Chỉ thị 40 cũng có những bước chuyển biến ngoạn mục. Tính đến hết tháng 6.2019, có 67.311 Tổ Tiết kiệm và vay vốn còn dư nợ qua ủy thác của Hội. Tổng dư nợ trên 77,1 nghìn tỷ đồng (tăng trên 25 nghìn tỷ đồng so với tháng 12 năm 2014) cho trên 2,5 triệu hộ gia đình vay. Trong đó, tập trung ở các chương trình như cho vay hộ thoát nghèo 14,02 nghìn tỷ đồng; nước sạch vệ sinh môi trường trên 13,64 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo trên 12,6 nghìn tỷ đồng; hộ cận nghèo trên 12,01 nghìn tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn trên 8,4 nghìn tỷ đồng; giải quyết việc làm trên 7,33 nghìn tỷ đồng; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên 4,7 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn 0,32% (giảm 0,01% so với 31.12.2014). Kết quả, đã có hơn 2 triệu lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Hội giúp đỡ, trong đó trên 200 nghìn hộ đã thoát nghèo, góp phần giảm nhanh tỷ lệ nghèo của cả nước.

Đối với tổ chức của những cựu chiến binh, Chỉ thị 40 cũng đã mang đến cho họ luồng sinh khí mới; giúp những người lính trở về sau quân ngũ phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Trong 5 năm qua, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp Hội Cựu chiến binh Việt Nam triển khai nhiều nội dung phát triển kinh tế. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh do Hội viên cựu chiến binh làm chủ, hoạt động có hiệu quả; nhiều doanh nghiệp, doanh nhân cựu chiến binh phát triển (hiện, có 45 hội, hiệp hội, câu lạc bộ doanh nhân cựu chiến binh trên 45 tỉnh, thành phố), doanh thu hàng năm hàng nghìn tỷ đồng, thu hút hàng vạn lao động - chủ yếu là cựu chiến binh, gia đình chính sách và con cháu cựu chiến binh... Tính tới nay, số hộ nghèo cựu chiến binh theo tiêu chí đa chiều chiếm 2,86% (giảm 0,4% so với cuối năm 2018); hộ cận nghèo cựu chiến binh chiếm tỷ lệ 2,97%, giảm 0,41% so với cuối năm 2018; hộ khá và giàu chiếm trên 55,54%. Có 26 tỉnh, thành hội cơ bản hết cựu chiến binh nghèo.

Một chủ trương đúng, một chính sách phù hợp đã mang lại cho người dân cuộc sống tươi đẹp  

Ảnh: Đức Kiên 

Đến sắc màu tươi sáng nơi hẻo lánh

Đất nước đã bước ra khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống người dân từng bước được cải thiện và nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn được giữ vững; niềm tin vào chế độ, vào Đảng ngày càng được củng cố… thành quả đó có sự đóng góp quan trọng của tín dụng chính sách - một trong những công cụ giảm nghèo trụ cột của Chính phủ.

Đến với vùng cao Tây Bắc, sẽ thấy những nỗ lực mà những người cõng vốn chính sách vượt núi, băng đèo mang đến cho đồng bào; giúp họ có vốn, có kiến thức để tăng gia sản xuất, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống. Từ chỗ chỉ biết trông chờ vào những gì thiên nhiên ban tặng hay sự viện trợ của Chính phủ và các tổ chức, cá nhân từ thiện khác… thì nay, đồng bào Tây Bắc đã biết tự mình trồng lúa, trồng rau, nuôi trâu, bò, gà, lợn để cải thiện cuộc sống. Từ chỗ “được vay tiền cũng sợ”, chỉ biết giấu thật kỹ trên gác bếp chờ ngày trả lại cán bộ, thì nay, họ đã biết sinh lời cho khoản vay; thậm chí tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa tại địa phương, làm nên những thương hiệu nông, lâm sản nức tiếng cả nước như cá lồng ở Na Hang, Tuyên Quang; vùng dược liệu quý ở Hà Giang; thậm chí, nhãn, xoài Yên Châu ở Sơn La còn vươn ra các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Bỉ…

Tại Tây Nguyên, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần phủ xanh đại ngàn bằng những triền cà phê, hồ tiêu hay những vườn sầu riêng, bơ, tạo ra những đàn gia súc lớn, mang lại giá trị hàng hóa cao; giúp thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo tại khu vực; xây dựng tình đoàn kết, trách nhiệm, gắn bó trong cộng đồng dân cư, phát huy sức mạnh của các tổ chức hội, đoàn thể, củng cố hơn nữa lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Người Tây Nguyên đã được dùng nước sạch và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; con em Tây Nguyên đã được thỏa ước mơ lập thân, lập nghiệp bằng những đồng vốn đầy nhân văn của tín dụng chính sách. Đồng bào cũng không còn thấp thỏm sợ đói mỗi khi đến mùa giáp hạt; yên tâm khi không còn phải đối mặt với tín dụng đen.

Với khu vực Tây Nam bộ, đời sống người nghèo, cận nghèo, nhất là đồng bào Chăm, Khmer cũng khởi sắc toàn diện. Người dân tự giác, chịu khó vươn lên thoát nghèo; nhờ đó nhiều hộ vươn lên đủ ăn, thu nhập khá; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình tập thể, cá nhân hộ dân tộc Khmer làm kinh tế giỏi. Đặc biệt, vốn tín dụng chính sách còn giúp đồng bào Tây Nam bộ bảo tồn, phát huy nghề truyền thống như dệt chiếu, làm gốm, dệt vải…

Có thể nói, dù đây đó vẫn còn một số đồng bào gặp khó khăn trong cuộc sống, nhưng nhìn tổng thể, khoảng cách giàu - nghèo; hiện đại và lạc hậu… giữa miền xuôi và miền ngược đang dần thu hẹp. Đó là những tín hiệu lạc quan mà các chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó có tín dụng chính sách mang lại cho đồng bào. Bởi thế, trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam nổi lên là một điểm sáng, là hình mẫu về giảm nghèo!

Đến 30.6.2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng, với trên 6,5 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Doanh số cho vay từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW đạt 336.944 tỷ đồng cho trên 12 triệu lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách góp phần giúp trên 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 1,3 triệu lao động; giúp trên 24 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 346 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập...

Thái Bình