Chương trình tiêm chủng tư nhân có phải là giải pháp?

- Thứ Tư, 22/09/2021, 06:25 - Chia sẻ
Các chính phủ đang gặp khó khăn với tình trạng kém năng lực đã chuyển sang khu vực tư nhân để được hỗ trợ trong việc phân phối vaccine. Tuy nhiên, nhiều ý kiến quan ngại chiến lược này có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề khác như tình trạng tiếp cận không bình đẳng, số lượng không chính xác và nạn tham nhũng.

Cho đến nay, chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ nhằm bảo đảm vaccine miễn phí cho các nước đang phát triển, đã phải vật lộn với các nỗ lực cung cấp và phân phối. Vào đầu tháng 9, COVAX đã cắt giảm mục tiêu cho năm 2021 gần 30%, tương đương hơn nửa tỷ liều, và khoảng cách đó dự kiến sẽ nới rộng trong những tháng tới.

Trong khi đó, Delta - biến thể rất dễ lây của Covid-19, đã quét qua 7 trong số 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vốn là những nước còn chậm phủ sóng vaccine so với mức trung bình của thế giới là 30%. Do đó, một số chính phủ ở Đông Nam Á đang phải vật lộn với những khó khăn trong chiến lược vaccine của mình đã bật đèn xanh cho việc hỗ trợ khu vực tư nhân phân phối vaccine.

Đợt tiêm chủng cho các nhà báo được triển khai tại khu liên hợp thể thao Gelora Bung Karno của Jakarta
Ảnh: EPA

Sự vào cuộc của tư nhân

Vào ngày 25.2, Indonesia đã trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên cấp phép cho chương trình tiêm chủng tư nhân trong bối cảnh quốc gia này gặp khó khăn trong chiến lược vaccine của mình. Giai đoạn đầu của chương trình phân phối vaccine cho 1,3 triệu nhân viên chăm sóc sức khỏe của Indonesia đã hoàn tất. Tuy nhiên, giai đoạn thứ 2 nhắm tới tiêm chủng cho 38,5 triệu công dân - bao gồm 17 triệu người trong lĩnh vực công và gần 22 triệu người cao tuổi - đã phải trì hoãn vì thiếu nguồn cung.

Với tín hiệu đèn xanh của chính phủ, vaccine của khu vực tư nhân được cung cấp bởi ngân hàng vaccine Gotong Royong, chịu sự quản lý của nhà sản xuất vaccine duy nhất của Indonesia là Bio Farma. Hệ thống này cho phép các công ty tư nhân mua vaccine từ chính phủ cho nhân viên của họ một cách độc lập, song song với chương trình tiêm chủng quốc gia, nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine toàn dân. Dưới sự giám sát của Bộ Y tế, công ty dược phẩm nhà nước Bio Farma đặt hàng và phân phối vaccine miễn phí cho các trung tâm y tế tư nhân, trong khi Phòng Công nghiệp và Thương mại Indonesia nhận đăng ký từ các công ty. Vào thời điểm ra mắt hệ thống ngân hàng vaccine Gotong Royong vào ngày 18.5, hơn 22.000 công ty đã đăng ký hơn 10 triệu nhân viên của họ, một con số phản ánh của sự thất vọng và sốt ruột trước chương trình tiêm chủng công cộng của Indonesia. Trong khi vaccine sẽ được cung cấp miễn phí tại các trung tâm tiêm chủng đông đúc của chính phủ, nơi người cao tuổi phải xếp hàng cả ngày để được phục vụ, các bệnh viện tư nhân sẽ tính phí 300 - 400 rupiah Indonesia, tương đương 5 USD/mũi tiêm.

Giáo sư virus học Gusti Ngurah Mahardika của Đại học Udayana của Indonesia đang kêu gọi các bên công - tư liên quan làm điều tương tự. Ông cho biết 200 triệu USD sẽ mua được 60 triệu liều vaccine cần thiết để tiêm chủng cho 70% dân số và đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. “Vấn đề lớn nhất ở Indonesia hiện nay là sự sẵn có của vaccine. Do khả năng tài chính của chính phủ còn hạn chế để mua lượng vaccine cần thiết để đạt được miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, nếu quan hệ đối tác công - tư cho phép cung cấp nhiều vaccine hơn, thì đó là một điều tốt, bất kể ai là người sử dụng chúng”, ông nói.

Indonesia không phải là quốc gia châu Á duy nhất đạt được thỏa thuận với khu vực tư nhân để đẩy nhanh quá trình tiêm chủng. Ngày 29.3, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ban hành sắc lệnh yêu cầu Bộ Y tế nhanh chóng phê duyệt các hợp đồng vaccine tư nhân, yêu cầu các công ty phải tham gia các thỏa thuận ba bên với chính phủ và các nhà sản xuất vaccine. Theo các thỏa thuận chung này, Manila khuyến khích nhưng không yêu cầu các công ty đóng góp một nửa số vaccine tự mua cho nguồn cung cấp quốc gia.

Thái Lan cũng đã ủy quyền các chương trình vaccine nhà nước cho tư nhân, chẳng hạn như một chương trình do Cơ quan quản lý bất động sản công nghiệp của doanh nghiệp nhà nước của Thái Lan và Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan dẫn đầu. Thông qua quan hệ đối tác, Viện nghiên cứu khoa học của Princess Chulabhorn thuộc Học viện Hoàng gia Chulabhorn đang nhập khẩu 300.000 liều vaccine Sinopharm để tiêm cho công nhân nhà máy Thái Lan tại 5 khu công nghiệp và một cảng biển nước sâu.

Tại hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket của Thái Lan, nơi 80% doanh nghiệp du lịch đã phải đóng cửa, một số doanh nghiệp vẫn tồn tại cũng đã mua vaccine Oxford/AstraZeneca và Sinovac, loại vaccine Covid-19 duy nhất được phê duyệt tại nước này. Các quan chức ở Phuket cũng đang có kế hoạch mua 600.000 liều vaccine trong một thỏa thuận riêng với Bangkok, để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng và mở cửa trở lại hòn đảo đón khách du lịch quốc tế vào đầu tháng 10.

Ấn Độ - quốc gia có chung những hạn chế về nhân khẩu học, địa hình, xã hội và tài chính tương tự như Indonesia, với chỉ 0,2% dân số được tiêm chủng đầy đủ - cũng đã ký một thỏa thuận với các bệnh viện tư nhân để hỗ trợ giai đoạn thứ hai của đợt tiêm chủng. Tuy nhiên, với chỉ 10.000 trung tâm tiêm chủng công cộng trong cả nước và 20.000 bệnh viện tư nhân tham gia chương trình này, các trung tâm tiêm chủng tư sẽ sớm vượt xa các trung tâm công.

Còn nhiều nghi ngại

Nếu động lực thúc đẩy các chính phủ cho phép cung cấp vaccine cho khu vực tư nhân là để giúp thúc đẩy các nỗ lực tiêm chủng của chính phủ, thì các chương trình này có thể gây ra tình trạng bất công bằng trong tiếp cận vaccine. Các chiến dịch tư nhân có chủ đích tốt của các công ty ở Philippines và Indonesia chủ yếu tập trung vào những người có công việc chính thức tại chỗ và gia đình trực hệ của họ. Bằng cách dựa vào các công ty tư nhân để cung cấp vaccine cho lực lượng lao động của họ nhanh hơn, các chính phủ có thể vô tình đẩy 78% người Đông Nam Á làm việc trong khu vực phi chính thức - nhiều người trong số họ sống dưới mức nghèo khổ và là nữ giới - bị gạt ra ngoài lề.

Tiến sĩ Dicky Budiman, nhà dịch tễ học góp phần xây dựng chiến dịch đối phó với dịch bệnh cho Bộ Y tế Indonesia trong 20 năm qua nhận xét: “Mục tiêu chính của việc tiêm chủng là giảm tỉ lệ tử vong bằng cách bảo vệ những người có nguy cơ cao hơn, bao gồm nhân viên y tế, người cao tuổi và nhân viên thiết yếu. Tuy nhiên, trong kế hoạch này, khả năng đủ điều kiện để được tiêm chủng lại phụ thuộc vào việc bạn có phải là nhân viên của một công ty hay không. Đó không phải là chiến lược sức khỏe cộng đồng. Đó là một chiến lược kinh tế”, ông nói.

Do vậy, Tiến sĩ Budiman cho rằng kế hoạch này có nguy cơ làm xói mòn công bằng xã hội. “Dù lợi ích của chương trình này nhằm tiêm chủng cho nhiều người hơn, nhưng đây là một hình thức phân biệt đối xử. Tin đồn về công dân hạng nhất và công dân hạng hai sẽ xuất hiện ngay sau khi triển khai chương trình này”, ông nói.

Ngoài ra, việc thành lập thị trường vaccine tư nhân có thể vô tình tạo ra tình trạng đình trệ. Tại Philippines, các lô hàng vaccine công và tư đều bị chậm trễ, buộc Thượng viện nước này phải thúc đẩy cuộc điều tra lý do vì sao Lực lượng Đặc nhiệm quốc gia chống Covid-19 không phê duyệt 42 hợp đồng vaccine tư nhân. Zubiri nhận xét rằng sự không hành động của chính phủ đã ngăn cản các công ty nhận được ít nhất 10 triệu liều vaccine. Nguyên nhân sau đó được chỉ ra rằng, các bên cung cấp bao gồm Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca không chấp nhận đơn đặt hàng vaccine tư nhân, trong khi Sinovac, Sputnik V và Pfizer sẽ ưu tiên đơn đặt hàng từ các chính phủ quốc gia. Trong khi đó, nhiều công ty đã quyết định không chia sẻ vaccine của họ với công chúng do nguồn cung hạn chế, điều này trái ngược với các tuyên bố ban đầu rằng các chương trình tư nhân hóa sẽ mang lại lợi ích cho công chúng.

Một nguy cơ lớn khác là nạn tham nhũng khó kiểm soát. Văn phòng Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) cho rằng, việc thiếu các điều khoản giám sát của chính phủ trong các biện pháp cứu trợ Covid-19 có thể đưa đến nguy cơ tham nhũng lớn. Francesco Checchi, cố vấn chống tham nhũng tại UNODC, nói rằng “việc ký hợp đồng trực tiếp để mua sắm (tức là cho phép các tổ chức tư nhân mua vaccine thay vì sử dụng đấu thầu công)… làm tăng nguy cơ gian lận và tham nhũng”. Hình thức trục lợi này đã được ghi nhận rõ ràng ở Thái Lan, nơi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch vừa cảnh báo các nhà đầu tư không nên mua cổ phiếu của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân THG Group sau khi Chủ tịch tập đoàn này từ bỏ lời hứa sẽ mua 20 triệu liều vaccine Pfizer.

Tiến sĩ Dicky Budiman cũng như nhiều chuyên gia khác thừa nhận hợp tác công - tư trong giai đoạn này có thể phát huy tác dụng trong nỗ lực phủ sóng vaccine toàn dân; nhưng đóng góp của tư nhân phải dựa vào những chính sách định hướng khoa học và phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để tránh những lỗ hổng.

Đạt Quốc