Thế giới 24h

Chương trình “Sạch đẹp Sri Lanka” - khát vọng vươn lên hậu khủng hoảng

Linh Anh 12/07/2025 06:48

Với 34 dự án lớn được triển khai trong năm tài khóa 2025, chương trình “Clean Sri Lanka” (sạch đẹp Sri Lanka) đang xây dựng lại hình ảnh quốc gia thông qua các chiến lược môi trường, xã hội và đạo đức đầy tham vọng.

Từ những bãi biển sạch đạt chuẩn quốc tế đến thành phố ảo (virtual city) mang bản sắc văn hóa, chương trình “Clean Sri Lanka” do Tổng thống Anura Kumara Dissanayake khởi xướng đang từng bước định hình một mô hình phát triển bền vững mới cho đảo quốc Nam Á, cách đây vài năm còn chìm trong khủng hoảng.

Theo pmd.gov.lk, ra mắt đầu năm 2025, sáng kiến này đặt mục tiêu xây dựng Sri Lanka thành quốc gia sạch nhất châu Á, với triết lý “Một quốc gia hưng thịnh - Một cuộc sống tươi đẹp”. Với tổng vốn phân bổ hơn 5 tỷ rupee cho năm tài khóa hiện tại, 34 dự án chủ chốt đang được các bộ, ngành và địa phương khẩn trương triển khai dưới sự điều phối trực tiếp từ Phủ Tổng thống.

Những dự án trọng điểm định hình diện mạo mới

Tại cuộc họp ngày 17/6 vừa qua do Thư ký Tổng thống, Tiến sĩ Nandika Sanath Kumanayake chủ trì, hàng loạt sáng kiến cụ thể đã được đánh giá là đang đi đúng tiến độ.

Một trong những điểm sáng đầu tiên là dự án xe buýt chuyên dụng phục vụ người có nhu cầu đặc biệt từ ba khu vực Panadura, Kadawatha và Avissawella đến Bệnh viện Quốc gia Colombo. Đây là lần đầu tiên Sri Lanka triển khai phương tiện công cộng chuyên biệt dành cho nhóm yếu thế này, hợp tác với Ủy ban Giao thông Sri Lanka (SLTB).

Song song với đó, một thành phố ảo thí điểm đang được xây dựng quanh Kandy, trung tâm văn hóa và tâm linh của đất nước. Dự án, với tổng vốn đầu tư 50 triệu rupee, sử dụng công nghệ số hóa như thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR) và cảm biến môi trường để tái hiện không gian di sản, bao gồm cả khuôn viên chùa Răng Phật (nơi lưu giữ xá lợi răng Phật Thích Ca Mâu Ni được đem về từ Ấn Độ khoảng 1600 năm trước). Dự kiến, dự án sẽ được hoàn tất trong vòng 12 tháng.

Nguồn: mode.gov.lk

Ở thủ đô Colombo, một lễ hội văn hóa đa sắc tộc kéo dài ba ngày cũng đang được lên kế hoạch tổ chức tại 16 địa điểm, bao gồm cả khu vực Galle Face Green, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa của tất cả các nhóm dân tộc ở Sri Lanka. Sự kiện được kỳ vọng sẽ thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

500 nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn hóa và hiện đại sẽ được lên kế hoạch xây dựng tại các điểm du lịch chủ chốt với kinh phí 525 triệu rupee. Ngoài ra, một chương trình phát triển bền vững cũng đang được triển khai nhằm đạt chứng nhận Cờ Xanh quốc tế cho hai bãi biển trọng điểm của Sri Lanka trong vòng 2 năm tới. Unawatuna và Hirikatuwa đã được lựa chọn là những địa điểm đầu tiên tham gia sáng kiến này. Để hỗ trợ thực hiện tiêu chuẩn môi trường quốc tế, hơn 450 nhân sự sẽ được bố trí làm nhiệm vụ bảo vệ và quản lý bãi biển, trong đó 250 người đã chính thức nhận nhiệm vụ.

Quản lý môi trường đô thị và nguồn nước

Trọng tâm môi trường của chương trình còn thể hiện rõ qua dự án xử lý nước thải toàn quốc trị giá 300 triệu rupee, với mục tiêu duy trì vệ sinh tại hệ thống kênh rạch và sông ngòi đô thị. Riêng tại Colombo, một sáng kiến riêng trị giá 100 triệu rupee đang được triển khai để cải thiện hệ thống thoát nước lâu đời và hạn chế ô nhiễm kênh đào.

Tại thượng nguồn sông Mahaweli, con sông dài nhất Sri Lanka, một dự án thí điểm giảm ô nhiễm nguồn nước cũng đang được tiến hành với sự phối hợp của các nhà nghiên cứu địa phương.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Chính phủ đã phê duyệt chương trình cung cấp thùng rác phân hủy sinh học cho các cơ quan chính quyền địa phương. Giai đoạn đầu, 150 triệu rupee sẽ được phân bổ để cấp phát thiết bị này trong năm 2025, tiến tới mục tiêu 500 triệu rupee cho toàn bộ chương trình.

Hướng đến xã hội an toàn và văn minh

Không chỉ dừng ở môi trường, “Clean Sri Lanka” còn thể hiện vai trò trong an sinh xã hội thông qua các chương trình an toàn giao thông trị giá 120 triệu rupee, một nỗ lực nhằm giảm thiểu tai nạn đường bộ đang có xu hướng gia tăng.

Một đề án khác đang được xúc tiến là xây dựng các làng kiểu mẫu trên toàn quốc, với mục tiêu ngăn chặn các hành vi phản xã hội, bao gồm lạm dụng ma túy và tội phạm vị thành niên, vốn là các vấn đề đang gây quan ngại trong nhiều khu dân cư nông thôn và ngoại ô.

Đáng lưu ý, chương trình còn kết nối với các chính sách cải cách hành chính, nổi bật là nền tảng GovPay, hệ thống thanh toán điện tử chính thức của chính phủ ra mắt đầu tháng 2/2025. GovPay không chỉ giúp thu phí điện tử cho các dịch vụ giao thông, mà còn tạo điều kiện minh bạch hóa thu chi công cộng, phù hợp với mục tiêu “quản trị đạo đức” trong mô hình “Clean Sri Lanka”.

Theo Tiến sĩ Kumanayake, những kết quả bước đầu cho thấy “Clean Sri Lanka” không chỉ là sáng kiến tạm thời, mà còn đang từng bước hình thành khung chính sách dài hạn, tái định nghĩa cách thức Sri Lanka phát triển trong thế kỷ XXI, đó là “xanh, sạch và bao trùm”.

Vượt lên thách thức

Dù được đánh giá là chương trình đầy triển vọng, “Clean Sri Lanka” vẫn đang phải vận hành trong bối cảnh tài khóa đặc biệt thách thức. Cuộc khủng hoảng nợ công năm 2022, thời điểm Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ quốc gia với khoản nợ nước ngoài hơn 51 tỷ USD, đã để lại hệ lụy sâu sắc đối với năng lực chi tiêu công, uy tín tài chính quốc gia và niềm tin thị trường.

Tính đến giữa năm 2025, dù đã đạt được một số tiến bộ trong đàm phán tái cơ cấu với IMF, Trung Quốc và Câu lạc bộ Paris (diễn đàn không chính thức gồm 22 quốc gia có nền kinh tế lớn, chuyên điều phối việc tái cơ cấu, hoãn hoặc xóa nợ cho các nước đang gặp khó khăn về tài chính), Sri Lanka vẫn đang áp dụng chính sách thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là đối với các khoản đầu tư công không trực tiếp tạo ra dòng tiền ngắn hạn.

Trong báo cáo cập nhật của IMF công bố vào tháng 5/2025, Sri Lanka được cảnh báo cần duy trì kỷ luật tài khóa nghiêm ngặt, hạn chế mở rộng các chương trình chi tiêu mới nếu không kèm theo nguồn thu bền vững hoặc đối tác tài trợ đáng tin cậy. Điều này khiến các dự án như thành phố ảo Kandy, hệ thống nhà vệ sinh công cộng hay mô hình làng kiểu mẫu trong khuôn khổ “Clean Sri Lanka” đối mặt với những hoài nghi về khả năng giải ngân hiệu quả và tính bền vững trong dài hạn.

“Đây là chương trình thể hiện rõ tầm nhìn hậu khủng hoảng, nhưng nếu không có một kế hoạch tài chính khả thi và sự minh bạch trong triển khai, thì sẽ rất khó để đạt được kỳ vọng của xã hội”, chuyên gia Pavithra Ranasinghe, Viện Chính sách Sri Lanka (IPS), nhận định.

Trong khi đó, các nguồn viện trợ quốc tế hiện có vẫn chủ yếu tập trung vào cải cách kinh tế vĩ mô, năng lượng, và hỗ trợ an sinh cơ bản. Việc hướng các nhà tài trợ vào các dự án “mềm” về môi trường, văn hóa và đạo đức xã hội, trọng tâm của chương trình “Clean Sri Lanka”, đòi hỏi một chiến lược vận động chính sách quốc tế thông minh hơn, điều mà Chính phủ hiện vẫn đang xây dựng.

Tuy nhiên, các quan chức cao cấp phủ Tổng thống vẫn khẳng định rằng đây là thời điểm cần phải đầu tư vào phẩm giá quốc gia và phục hồi hình ảnh đất nước. TS. Kumanayake nhấn mạnh:

“Không thể lấy lý do vỡ nợ để trì hoãn việc xây dựng một xã hội sạch đẹp, công bằng và nhân văn. Những gì chúng ta làm hôm nay sẽ định hình sự tín nhiệm của Sri Lanka trong thập kỷ tới”.

Liệu “Clean Sri Lanka” có thể vượt qua những thách thức hiện tại để trở thành chính sách dài hạn, hay sẽ bị đóng khung như nỗ lực ngắn hạn hậu khủng hoảng? Câu trả lời sẽ phụ thuộc không chỉ vào nguồn lực, mà còn vào bản lĩnh chính trị, khả năng tạo dựng niềm tin xã hội trong giai đoạn khó khăn nhất của quốc gia, sự phối hợp hiệu quả liên bộ ngành, và nâng cao ý thức cộng đồng, Đây chính là những yếu tố then chốt cho thành công bền vững.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chương trình “Sạch đẹp Sri Lanka” - khát vọng vươn lên hậu khủng hoảng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO