Trong số 189 sản phẩm này, có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 19 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 169 sản phẩm hạng 3 sao của 102 chủ thể (vượt chỉ tiêu 2,9 lần so với kế hoạch Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm đề ra).
Hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm
Để các sản phẩm đạt sao OCOP, tỉnh đã hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm trong suốt quá trình triển khai đề án. Theo đó, đã hỗ trợ công nghệ, trang thiết bị máy móc cho 18 sản phẩm; hỗ trợ chất lượng, chứng nhận chất lượng cho 62 sản phẩm, hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì nhãn mác cho 63 sản phẩm; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ cho 81 sản phẩm; xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị cho 18 sản phẩm; xây dựng website, thương mại điện tử cho 53 sản phẩm…
Thời gian qua, Chương trình OCOP đã phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của nông dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu lợi thế mỗi huyện, mỗi xã giúp nông dân giải quyết những vấn đề căn cơ trong giải pháp thực hiện giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh đã tạo thương hiệu cho từng địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao, được nhiều thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng như bánh pía, bánh phồng tôm, mắm khô; bưởi năm roi, bưởi da xanh, vú sữa tím; sữa bò Evergrowth, sữa tươi thanh trùng Ba Xuyên, trà mãng cầu Vĩnh Qưới. Đặc biệt là Gạo ST25 của Sóc Trăng (Doanh nghiệp Hồ Quang huyện Mỹ Xuyên) đã được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019”... được tham gia vào các siêu thị, nhà hàng, xúc tiến thương mại…
Từ nguồn nguyên liệu dồi dào của địa phương nhiều chủ thể, cơ sở, doanh nghiệp đã tận dụng tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn nhất là ở khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống. Anh Lý Thanh Bình, chủ cơ sở mắm khô Thiên Hương chia sẻ: “Tôi làm mắm xuất phát từ niềm đam mê, đặc biệt là muốn đem sản phẩm “quà quê” được mẹ làm cho ăn từ thuở ấu thơ đến cho mọi người cùng thưởng thức. Do đó, sau khi “cải tiến” món mắm cua gạch lên theo từng công đoạn, đạt tiêu chuẩn tốt nhất cung ứng đến người tiêu dùng, năm 2019 mắm cua gạch đạt chứng nhận 3 sao OCOP. Tiếp nối thành công của món mắm trên, tôi tiếp tục sản xuất thêm các loại mắm độc đáo tận dụng từ nguồn thủy, hải sản có trong tự nhiên như mắm tôm sú, mắm sú cồ, mắm sò huyết, mắm bào ngư, mắm tôm hùm, mắm tôm gạch, mắm chưng chiên, mắm lươn...”.
Nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân
Theo ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng: “Chương trình OCOP đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp, góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân nông thôn. Các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 – 4 sao đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thấy được lợi ích của Chương trình OCOP nên tích cực, chủ động tham gia. Nhờ đó, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP có chiều hướng tăng lên. Các địa phương đã quan tâm, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên có sẵn trên địa bàn, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng chuẩn hóa sản phẩm OCOP nên bước đầu hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương…”.
Chương trình OCOP đã trở thành chương trình phát triển kinh tế trọng tâm ở khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 200 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; củng cố và nâng hạng ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và xếp hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; có ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại…
Có thể nói, thực hiện thành công Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Sóc Trăng sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất và giá trị sản phẩm, thực hiện lại cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và tăng giá trị, từng bước cải thiện thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí về sản xuất thu nhập hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.