Sử dụng AI để chuyển đổi kinh tế
Với nguy cơ mất việc làm do tự động hóa, chính quyền của Thủ tướng Anwar, phối hợp với gã khổng lồ công nghệ Intel, đã giới thiệu một khóa học trực tuyến miễn phí có tên “AI For The People” (Trí tuệ nhân tạo (AI) cho mọi người) để nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động. Sáng kiến này là một phần trong chiến lược rộng hơn nhằm số hóa nền kinh tế quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào nguồn dự trữ dầu đang cạn kiệt, đồng thời đưa Malaysia trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về điện toán đám mây, học máy và là cửa ngõ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ toàn cầu.
Chính quyền Malaysia coi AI là động lực chính cho sự chuyển đổi kinh tế quốc gia, nhằm tạo ra tới 113,4 tỷ USD, tương đương 1/4 GDP của đất nước, thông qua việc áp dụng rộng rãi AI tạo sinh (generative AI). Mặc dù Viện nghiên cứu Khazanah thuộc Chính phủ ước tính một nửa số công việc hiện tại có nguy cơ bị tự động hóa vào năm 2040, Thủ tướng Anwar nhấn mạnh người Malaysia cần phải nắm bắt công nghệ mới và xua tan nỗi sợ hãi xung quanh nó.
Được phát động tại Đại học Putra Malaysia, khóa học “AI For The People” cung cấp chương trình khởi đầu kéo dài bốn giờ, có sẵn bằng tiếng Mã Lai, tiếng Anh, tiếng Quan Thoại và tiếng Tamil, phục vụ cho cộng đồng đa sắc tộc đa dạng của Malaysia. Chương trình này có thể được học ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào thông qua trang www.ai.gov.my. Nó đặt mục tiêu 1 triệu người tham gia trong năm 2024.
Được Bộ Kinh tế khởi xướng, khóa học nhằm mục đích giới thiệu cho người Malaysia những kiến thức cơ bản về AI, đưa ra bước đi nhỏ đầu tiên hướng tới nâng cao khả năng có việc làm của họ.
Thủ tướng Anwar kêu gọi công chức và sinh viên tham gia chương trình càng sớm càng tốt. Theo ông, các lãnh đạo trường đại học cần bảo đảm rằng tất cả sinh viên tại các cơ sở tương ứng của họ đều tham gia. Ngoài ra, ông cũng muốn tất cả lãnh đạo của các cơ quan chính phủ nộp báo cáo trình độ hiểu biết về AI cho các bộ tương ứng trong vòng một tháng.
“Dữ liệu là mỏ dầu mới”
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Malaysia, Rafizi Ramli, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nắm bắt cơ hội để xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số phù hợp với tương lai, cũng như vai trò của dữ liệu trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số này. Ông ví “dữ liệu là mỏ dầu mới”, đồng thời đặt mục tiêu tận dụng các quy trình học máy và học sâu để tổ chức, sắp xếp và đơn giản hóa các chính sách dựa trên dữ liệu. Bất chấp những lo ngại về khả năng vi phạm quyền riêng tư, Chính phủ vẫn cam kết khai thác sức mạnh của dữ liệu để phát triển quốc gia.
Theo ông, Chương trình “AI For The People” giúp thu hẹp khoảng cách về trình độ kỹ thuật số của người Malaysia. Đối với sinh viên, nó cung cấp cái nhìn tổng quan cơ bản về thế giới AI nhằm thu hút sự quan tâm của họ để tham gia và xây dựng sự nghiệp hơn nữa trong lĩnh vực này. Đối với phần còn lại của cộng đồng, chương trình có thể cung cấp hiểu biết cơ bản về AI để có thể nhận thức rõ hơn rằng công nghệ có thể mang lại lợi ích to lớn cho mỗi cá nhân. Theo Bộ trưởng, hiểu biết cơ bản về công nghệ AI sẽ mở ra cơ hội đào sâu kiến thức về công nghệ, vốn rất cần thiết trong thế giới số.
Việc Malaysia tăng cường phát triển lĩnh vực AI được chứng minh rõ ràng hơn bằng những hợp tác và đầu tư gần đây. Tháng 12 năm ngoái, tập đoàn địa phương YTL đã hợp tác với Nvidia để thiết lập cơ sở hạ tầng siêu máy tính và đám mây AI trị giá 4,3 tỷ USD tại quốc gia này. Hợp tác trên dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho các công ty khởi nghiệp dựa trên AI tại địa phương bằng cách tự động hóa các quy trình thông qua công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Quan hệ đối tác YTL-Nvidia, cùng với nỗ lực thúc đẩy giáo dục AI mới nhất đưa Malaysia trở thành trung tâm cơ sở hạ tầng máy tính của Đông Nam Á. Các chuyên gia dự đoán rằng, việc tăng cường đầu tư vào công nghệ có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong các lĩnh vực như tài chính, chăm sóc sức khỏe và sản xuất. Khi Malaysia áp dụng AI, nước này không chỉ phải đối mặt với lợi ích kinh tế mà còn phải đối mặt với thách thức trong việc bảo đảm quá trình chuyển đổi suôn sẻ cho lực lượng lao động của mình.