KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NGÀNH KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN (3.10.1945 - 3.10.2020)

"Chúng tôi tự hào về sự phát triển của ngành"

- Thứ Sáu, 02/10/2020, 07:35 - Chia sẻ
Ngày 3.10 là Ngày truyền thống ngành khí tượng thủy văn (KTTV) Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành KTTV (3.10.1945 - 3.10.2020) Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc phỏng vấn GS.TS. TRẦN HỒNG THÁI - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Trong hành trình 75 năm, ngành khí tượng thủy văn đã có bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò trong dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế, thưa ông?

GS.TS. Trần Hồng Thái

- Ngày 3.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phủ Liễn về trực thuộc Bộ Giao thông Công chính (sau đổi thành Nha Khí tượng - Tổ chức tiền thân của Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) ngày nay). Từ đó đến nay, trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngành KTTV đã không ngừng vươn lên đóng góp vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước, phục vụ ngày càng tốt hơn, có hiệu quả hơn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cụ thể, từ mạng lưới trạm KTTV thưa thớt, xuống cấp, đến nay đã có 579 trạm, điểm đo, trong đó có 233 trạm thủy văn, 176 trạm khí tượng, 17 trạm hải văn, 155 trạm/điểm đo môi trường không khí và nước, hàng trăm điểm đo mưa nhân dân; mạng lưới trạm khí tượng cao không với 6 trạm thám không vô tuyến, 8 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 3 trạm đo tổng lượng ôzôn - Bức xạ cực tím và 7 trạm rada thời tiết trải khắp mọi miền đất nước từ vùng biên giới, núi cao đến hải đảo xa. Bên cạnh đó, hệ thống công trình đo đạc, nhà cửa của nhiều trạm đã được kiên cố hóa, máy móc, thiết bị lạc hậu được loại bỏ và đang tập trung hiện đại hóa công nghệ thiết bị chuyên ngành mới.

Đặc biệt, chất lượng các bản tin dự báo đã tương đối sát, kịp thời các cơn bão và các đợt áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông; cảnh báo trước 48 - 72 giờ các đợt không khí lạnh, nhiều đợt rét đậm, rét hại; dự báo sát mực nước đỉnh lũ, mực nước kiệt trên các sông trong cả nước và xâm nhập mặn các cửa sông vùng ven biển. Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học có bước phát triển mạnh như: Mô hình số trị dự báo thời tiết được áp dụng để dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và dự báo thời tiết hàng ngày; áp dụng các mô hình dự báo khí hậu khác nhau để ra các thông báo và dự báo khí hậu hàng tháng; xây dựng quy trình dự báo và vận hành công trình phòng chống lũ trong trường hợp khẩn cấp…

- Đó là những thành công, vậy còn những khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành, thưa ông?

- Chúng tôi tự hào về ngành KTTV đã có bề dầy 75 năm với rất nhiều kết quả. Song nhìn lại ngành KTTV cũng gặp khó một số khó khăn nhất định khi thực hiện công tác điều tra cơ bản, dự báo, thông tin tư liệu KTTV, quan trắc môi trường không khí và môi trường nước trong điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống mạng lưới kỹ thuật chưa đồng bộ, mạng lưới trạm quan trắc còn thưa nên nguồn số liệu đầu vào phục vụ công tác dự báo vẫn còn khó khăn. Trong khi đó, mô hình dự báo chuyên dùng cho Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện do đó việc cải tiến và đa dạng hóa bản tin, chuẩn hóa mẫu bản tin đã được thực hiện nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề khoa học công nghệ về dự báo trong nước và trên thế giới cũng chưa thực hiện được như: Dự báo định lượng mưa lớn trong trường hợp cực đoan phạm vi hẹp; cảnh báo lũ quét, sạt lở đất mới chỉ đạt được ở mức cảnh báo có nguy cơ trên một khu vực rộng, chưa cảnh báo được ở một vị trí cụ thể; việc thu nhận số liệu hồ chứa từ các chủ hồ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thủy văn vùng hạ du hồ còn nhiều bất cập đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV.

Ngoài ra, khó khăn về nguồn lực đầu tư trang thiết bị, công nghệ, con người nhằm nâng cao năng lực công tác dự báo và cảnh báo thiên tai.

- Trước những thách thức đó, các kế hoạch, chiến lược thực hiện qua các chặng đường phát triển của ngành là gì, thưa ông?

- Không chùn bước trước khó khăn, ngành đã ban hành khẩu hiệu “Thống nhất - Chính xác - Liên tục - Tin cậy - Kịp thời” nhằm thể hiện cam kết của ngành KTTV trước yêu cầu của Đảng, Nhà nước và người dân về việc tăng cường quản lý nhà nước hoạt động KTTV, phục vụ hiệu lực, hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và phòng, chống thiên tai. Thống nhất quản lý tập trung, đồng bộ; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thống nhất đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Công tác quan trắc trên mạng lưới quốc gia do Tổng cục KTTV xây dựng, quản lý và khai thác phải bảo đảm tính chính xác theo quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Mạng lưới thu, nhận và truyền tin của ngành KTTV phải được thực hiện liên tục, có tốc độ cao, diện bao phủ phù hợp, đáp ứng yêu cầu của công tác trong mọi tình huống. Nội dung bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn do hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia ban hành phải bảo đảm đủ độ tin cậy đối với từng loại hình thiên tai, thời tiết, thủy văn, hải văn. Thông tin KTTV phải được cập nhật, phản ánh, cung cấp theo sát diễn biến của hiện tượng KTTV và phục vụ kịp thời, phù hợp nhu cầu người sử dụng.

- Trong chặng đường tiếp theo, ngành KTTV đặt mục tiêu gì để tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, thưa ông?

- Trong giai đoạn sắp tới, ngành KTTV sẽ tập trung các nguồn lực để phát triển ngành đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và tự động hóa, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật KTTV, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Với định hướng đó, ngành KTTV lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu khoa học, công nghệ trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới trạm quan trắc quốc gia, trong đó tập trung đầu tư phát triển hệ thống trạm quan trắc tự động nhằm bảo đảm thu thập đầy đủ và chính xác các số liệu, đáp ứng yêu cầu cảnh báo, dự báo KTTV, phục vụ phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, khai thác tài nguyên và môi trường.

Để thực hiện các mục tiêu đó, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành KTTV đặt mục tiêu đưa ra những chính sách kêu gọi sự tham gia của khối kinh tế tư nhân trong công tác KTTV. Từ đó, tạo ra thị trường dịch vụ KTTV, làm sao tiến tới mục tiêu quan trọng là xã hội hóa ngành KTTV.

- Xin cảm ơn ông!

NHẬT ANH thực hiện