“Chúng tôi như những ốc đảo”

Đan Thanh 15/08/2018 07:31

Không phải đến bây giờ, vấn đề liêm chính trong kinh doanh mới được đặt ra, song mới có 3 khu công nghệ cao (CNC) là Hòa Lạc, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh ký cam kết thực hiện, khiến người trong cuộc cảm thấy “rất cô đơn”. Do vậy, tại Hội thảo công bố Báo cáo khảo sát liêm chính trong kinh doanh tại khu CNC (báo cáo), sáng 14.8, các đại biểu cho rằng cần xây dựng văn hóa liêm chính cho cộng đồng doanh nghiệp, thay vì chỉ co cụm ở 3 “ốc đảo” này.

Vẫn coi “hối lộ để thực hiện kinh doanh”

Theo Báo cáo khảo sát liêm chính trong kinh doanh tại các khu công nghệ cao, 68% doanh nghiệp cho rằng, việc cán bộ, công chức gợi ý tặng quà hay dịch vụ giải trí là việc gì đó nghiêm trọng. Trong trường hợp không thực hiện tặng quà hay dịch vụ giải trí, 77% doanh nghiệp cho rằng họ vẫn được nhận dịch vụ của Nhà nước.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng Nhà nước kiến tạo, liêm chính, qua đó tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, “tuân thủ đạo đức kinh doanh và chống hối lộ là những nội dung quan trọng của quản trị doanh nghiệp tốt song các nguyên tắc này vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam”, đại diện nhóm nghiên cứu kiêm cố vấn quốc gia của Tổ chức hướng tới minh bạch tại Việt Nam Nguyễn Thị Kim Liên chia sẻ.

Để minh chứng cho điều này, bà Liên dẫn kết quả báo cáo dựa trên 34 cuộc phỏng vấn với đại diện cấp cao của các doanh nghiệp và ban quản lý trong 3 khu CNC là Hòa Lạc, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Theo đó, có 1/3 doanh nghiệp coi tham nhũng là một trong ba rủi ro lớn nhất, 2/3 doanh nghiệp còn lại cho rằng tham nhũng là “vấn đề quan trọng” dù không nằm trong mối quan ngại hàng đầu của họ. Hối lộ vẫn xảy ra phổ biến trong hoạt động mua sắm của Nhà nước. Đơn cử, dù chỉ có 4 doanh nghiệp được phỏng vấn có tham gia hoạt động mua sắm của Nhà nước song 3 doanh nghiệp thừa nhận đưa hối lộ để giành được hợp đồng từ cơ quan nhà nước. Kết quả này phù hợp với số liệu từ Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): có 54 - 58% số công ty cho rằng phải chi hoa hồng để ký hợp đồng với cơ quan nhà nước giai đoạn 2013 - 2017. Bên cạnh đó, “hoạt động hối lộ trong lĩnh vực mua sắm của khu vực tư nhân không nhiều như khu vực công, tuy nhiên hiện tượng đưa quà biếu hoặc chiêu đãi vẫn diễn ra phổ biến, khi 55% người được hỏi thừa nhận công ty hay nhân viên của mình có nhận quà tặng hoặc chiêu đãi, chủ yếu trong dịp Tết Nguyên đán” - đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.

Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy về văn hóa kinh doanh là không hối lộ Nguồn: Báo Đồng Nai
Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy về văn hóa kinh doanh là không hối lộ 
Nguồn: Báo Đồng Nai

Một phát hiện đáng chú ý nữa được nhóm nghiên cứu chỉ ra là, mặc dù các doanh nghiệp hoạt động trong khu CNC “trải nghiệm tình trạng tham nhũng trong thủ tục dịch vụ công của cơ quan nhà nước thấp hơn so với doanh nghiệp hoạt động bên ngoài song tư duy “hối lộ là một cách để thực hiện kinh doanh” vẫn tiếp tục tồn tại trong nhiều công ty”. Cụ thể, 39% người tham gia phỏng vấn cho biết họ từng được yêu cầu chi tiền lót tay hoặc cung cấp các dạng lợi ích chi phí không chính thức cho cán bộ, công chức để được làm nhanh thủ tục dịch vụ công. Trong số 48% doanh nghiệp trả lời không bị yêu cầu thì vẫn có một số công ty trong nước chủ động chi các khoản phí bôi trơn nhằm giảm bớt thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tránh bị yêu cầu tài liệu bổ sung hoặc để giảm tiền thuế. Khi được hỏi về cách xử lý khi bị cán bộ nhà nước đề nghị hối lộ, nhiều công ty trong nước và một số công ty nước ngoài thừa nhận hối lộ đã bám rễ vào hệ thống và họ không thể lờ đi được…

Thay đổi tư duy về văn hóa kinh doanh

Trên thực tế, không phải đến bây giờ, vấn đề liêm chính trong kinh doanh mới được doanh nghiệp nhận thức được và quan tâm. Đơn cử, ngay từ năm 2007, Ban quản lý Khu CNC TP Hồ Chí Minh (SHTP) đã đi đầu trong việc thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh, thông qua việc phối hợp Intel Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ Cam kết về đạo đức kinh doanh và quy tắc ứng xử phù hợp với các quy định, cam kết về phòng chống tham nhũng, lại quả và các hình thức lạm quyền khác. Đến nay, Ban quản lý SHTP đã ký Biên bản ghi nhớ với 23 doanh nghiệp để cam  kết thúc đẩy liêm chính kinh doanh. Tháng 9.2016, 3 khu CNC là Hòa Lạc, Đà Nẵng và SHTP đã ký biên bản ghi nhớ nhằm chia sẻ kinh nghiệm và cam kết kiến tạo môi trường minh bạch, lành mạnh để thúc đẩy và thu hút đầu tư… Song đến nay, vấn đề liêm chính trong kinh doanh mới chỉ được thực hiện chủ yếu ở các khu CNC này. Nói như Phó Trưởng ban Quản lý SHTP Lê Bích Loan thì “chúng tôi chẳng khác gì những ốc đảo và nhiều lúc thấy rất cô đơn, bởi nhiều khi doanh nghiệp vẫn chưa tin tưởng, mặt khác ngoài chúng tôi còn có các khu công nghiệp, khu chế xuất”.

Để xây dựng được văn hóa liêm chính trong kinh doanh, bà Loan cho rằng trước tiên cần xây dựng được văn hóa liêm chính cho Ban quản lý. Kinh nghiệm từ SHTP cho thấy, Ban quản lý đã tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền quy định mới cho cán bộ, công chức trực thuộc, đưa vào tiêu chí đánh giá thái độ phục vụ dịch vụ của họ thông qua việc phát phiếu khảo sát cho cộng đồng doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, Ban quản lý SHTP có bảng xếp hạng trong thực hiện liêm chính để thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện theo cam kết.

Dây chuyền sản xuất của Samsung tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh
Dây chuyền sản xuất của Samsung tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh

Phó Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc Nguyễn Trung Quỳnh nêu ý kiến, để thúc đẩy, mở rộng thực hiện liêm chính trong kinh doanh cần giao quyền, trách nhiệm đến cùng thay vì để một người làm còn một người quyết như hiện nay, tức là cần thay đổi khuôn khổ pháp lý.

Ngoài ra, theo đại diện các Ban quản lý khu CNC và giới chuyên gia, để nhân rộng thực hành liêm chính kinh doanh, tự thân các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy về văn hóa kinh doanh, không coi hối lộ là một phần của văn hóa này để phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh và môi trường pháp lý toàn cầu. Về phía Chính phủ cần quyết liệt hơn trong việc hiện thực hóa các mục tiêu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng. Chẳng hạn, với những hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp cần được xử lý nghiêm để không tái diễn. Các quy định phải bảo đảm rõ ràng, minh bạch, tránh bị cán bộ thực thi lợi dụng khiến doanh nghiệp phải dùng chi phí không chính thức để “bôi trơn”…

    Nổi bật
        Mới nhất
        “Chúng tôi như những ốc đảo”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO