Chúng tôi nhớ các bạn!

- Thứ Sáu, 05/03/2021, 07:28 - Chia sẻ
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, người dân thì nhớ đời sống văn hóa thường ngày trước đây, nghệ sĩ thì nhớ khán giả. Một cuộc triển lãm đang diễn ra tại Đức cố gắng thu hẹp khoảng cách ấy, đồng thời cho thấy tầm quan trọng của văn hóa, giao tiếp xã hội và đối thoại giữa con người với con người. Thông điệp triển lãm truyền đi là: Chúng tôi nhớ các bạn!

“Dấu hiệu cuộc sống của nghệ sĩ”

Trước đại dịch, diễn viên hài Erika Ratcliffe ở Berlin tuần nào cũng đi lưu diễn, đem niềm vui, tiếng cười đến cho công chúng. Giờ đây, cô chỉ kiếm được ít tiền từ việc viết lách và đang tính chuyển nghề. "Nhiều người đang thực hiện các chương trình diễn hài trực tuyến trên Zoom hoặc thông qua phát trực tiếp (trên mạng xã hội), nhưng tôi không nghĩ rằng làm như thế hiệu quả - tôi cần sự tương tác từ khán giả".

Bức ảnh biên đạo, nghệ sĩ múa Carolin Jüngst trưng bày tại triển lãm
Bức ảnh biên đạo, nghệ sĩ múa Carolin Jüngst trưng bày tại triển lãm

Ratcliffe là một trong nhiều nghệ sĩ ngành công nghiệp sáng tạo ở Đức mà cuộc sống của họ bị đảo lộn và tương lai ngày càng trở nên bất định khi đại dịch tiếp tục, đặc biệt kể từ khi đất nước bị đóng cửa lần thứ hai vào mùa thu năm 2020. Các rạp hát và bảo tàng vẫn đóng cửa chờ thông báo mới. Một số lĩnh vực bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Câu lạc bộ Berlin, nơi chỉ một năm trước luôn đầy ắp người nhảy múa thâu đêm, dự kiến ​​sẽ không hoạt động trở lại cho đến cuối năm 2022.

"Miss you", triển lãm ảnh ngoài trời ở Berlin, Hamburg và Baden-Baden diễn ra từ ngày 2 - 16.3, thể hiện lòng kính trọng đối với những người làm nghệ thuật mà phần lớn đã biến mất khỏi sự chú ý của công chúng. Chân dung 52 diễn viên, nhạc sĩ, vũ công, DJ, nghệ sĩ thị giác… được chụp bởi các nhiếp ảnh gia của công ty ảnh Ostkreuz huyền thoại của Berlin xuất hiện trong các phòng trưng bày ngược sáng rải rác khắp các thành phố. Triển lãm như "dấu hiệu cuộc sống của nghệ sĩ và là lời kêu gọi từ công chúng đến với nghệ sĩ", nhưng nó cũng đặt ra câu hỏi về giá trị của nghệ thuật trong xã hội.

"Tôi nghĩ điều rất quan trọng là chúng ta không đóng cửa nghệ thuật", giám tuyển, đồng tổ chức triển lãm Susanne Rockweiler nói. Khi các bảo tàng và địa điểm biểu diễn nghệ thuật đóng cửa vào tháng 11.2020, Susanne cảm thấy mình phải tìm cách đưa nghệ thuật đến với công chúng: "Tôi nghĩ đây là thế mạnh của nghệ thuật, rằng chúng tôi luôn tìm cách đến với mọi người để thể hiện cái chúng tôi phải thể hiện - trao đổi, đối thoại và đưa ra những quan điểm mới".

Miễn cưỡng kỹ thuật số

Những ngày này, các buổi biểu diễn, triển lãm và sự kiện trực tuyến về cơ bản là cách duy nhất để các nghệ sĩ có thể được công chúng nhìn thấy. Tuy nhiên, kỹ thuật số đi kèm với những thách thức của riêng nó. Biên đạo và nghệ sĩ múa độc lập Carolin Jüngst đã chỉnh sửa tiết mục biểu diễn gần đây của cô để đưa vào một phiên bản kỹ thuật số, kiểu nửa phim tài liệu, nửa phim thử nghiệm. "Tôi vẫn tự hỏi là liệu chúng ta có nên đầu tư vào các định dạng kỹ thuật số nhiều hơn nữa hay không".

	Nghệ sĩ kèn oboa Cristina Gomez Godoy vẫn hy vọng có vài buổi biểu diễn tại Tây Ban Nha vào mùa hè này
Nghệ sĩ kèn oboa Cristina Gomez Godoy vẫn hy vọng có vài buổi biểu diễn tại Tây Ban Nha vào mùa hè này

Công cuộc này khiến cô cảm thấy bị cô lập, vì một buổi biểu diễn trực tuyến không thể thay thế cho trải nghiệm trực tiếp: "Đó không phải là một sự kiện trực tiếp, một nơi để trao đổi hoặc gặp gỡ mọi người", Jüngst nói.

Nhạc sĩ gốc Berlin lẽ ra thực hiện chuyến lưu diễn solo uy tín mùa giải này. Bây giờ, hầu hết các buổi biểu diễn của cô hoặc là không diễn ra hoặc được phát trực tuyến. "Nó không giống như chơi nhạc trước khán giả. Các buổi biểu diễn kiểu này không mang lại trải nghiệm cho công chúng và cũng không mang công chúng đến chúng tôi", cô nói và hy vọng về những thay đổi thời gian tới.

Dẫu vậy, văn hóa sẽ "cần nhiều thời gian hơn các ngành khác để thoát khỏi khủng hoảng", theo một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Năng lực liên bang về văn hóa và công nghiệp sáng tạo. Đại dịch đang diễn ra có thể dẫn đến thiệt hại doanh thu hơn 30 tỷ euro (36 tỷ USD) cho ngành này trong năm 2021.

Việc Chính phủ Đức tăng ngân sách cho văn hóa năm 2021 thêm 155 triệu euro là tin tốt lành trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, những nghệ sĩ độc lập như Jüngst sẽ được hưởng lợi ở mức độ nào trong bầu không khí cạnh tranh ngày càng gay gắt thì vẫn còn phải xem xét.

Nuôi dưỡng hy vọng

Nghệ sĩ kèn oboa Cristina Gomez Godoy hy vọng khán giả sẽ không ngại trở lại rạp hát và phòng hòa nhạc khi đến thời điểm. "Tôi nghĩ mọi người đang khao khát trải nghiệm trực tiếp và tôi hy vọng nó sẽ bùng nổ khi chúng tôi bắt đầu lại".

Mùa diễn 2020 - 2021 lẽ ra sẽ thay đổi sự nghiệp của nghệ sĩ kèn oboa đến từ Tây Ban Nha, người đã được bình chọn là ngôi sao đang lên của ECHO và dự kiến thực hiện một chuỗi hòa nhạc danh tiếng. Hầu hết các buổi biểu diễn đã bị hủy, một vài buổi diễn ra ở định dạng phát trực tuyến. "Chúng tôi không thể mang đến trải nghiệm cho công chúng và ngược lại", cô than thở.

Hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn và khả năng có thể biểu diễn những buổi hòa nhạc cuối cùng trong chuyến lưu diễn ở Tây Ban Nha vào mùa hè khiến Cristina lạc quan hơn: "Tôi hy vọng rằng mọi thứ sẽ trở lại bình thường từng chút một".

Minh Hà theo DW