Khẳng định vai trò đồng hành, chia sẻ
Nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động số 02/Ctr-BCH ngày 20.7.2021 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về thực hiện Nghị Quyết số 02 ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về “đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và cụ thể hóa, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành hướng dẫn tổ chức, triển khai mô hình “lễ cưới tập thể” cho đoàn viên, người lao động.
Với mục đích phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng mô hình khung “lễ cưới tập thể” cho đoàn viên, người lao động; chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn chưa thể tổ chức lễ cưới riêng theo phong tục. Qua đó, giúp họ tạo dựng mái ấm gia đình, ổn định cuộc sống, tiết kiệm tài chính, yên tâm làm việc, tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới.
Ngoài ra, mô hình này cũng khẳng định vai trò đồng hành, chia sẻ của công đoàn đối với đoàn viên, người lao động; phát huy trách nhiệm của người sử dụng lao động và cơ quan, đơn vị cũng như toàn xã hội; tăng cường đoàn kết giai cấp, tạo dấu ấn tốt đẹp cho đoàn viên, người lao động và người thân về sự quan tâm của tổ chức công đoàn, người sử dụng lao động và xã hội đối với giai cấp công nhân.
Đoàn viên thêm tin yêu vào tổ chức công đoàn
Để tổ chức “lễ cưới tập thể”, ngoài nguồn tài chính công đoàn, LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành, Tổng công ty tích cực vận động sự hỗ trợ của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, người sử dụng lao động về tiền, dịch vụ, sản phẩm để tổ chức lễ cưới trang trọng, ấm áp, nhất là các dịch vụ, hiện vật trực tiếp phục vụ lễ cưới. Tùy điều kiện cụ thể, các cặp đôi có thể đóng góp thêm kinh phí hỗ trợ công tác tổ chức.
Ngày 22.8 vừa qua, LĐLĐ thành phố Cần Thơ đã tổ chức lễ cưới tập thể cho 8 cặp đôi đoàn viên, người lao động năm 2024. Đây cũng là lần đầu tiên Công đoàn thành phố tổ chức lễ cưới đặc biệt ý nghĩa này. Sau khi triển khai kế hoạch tổ chức, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của các cặp đôi, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố đã xét chọn được các cặp đôi tham gia. Tổng kinh phí lễ cưới trên 500 triệu đồng. "Thông qua việc tổ chức lễ cưới tập thể, công đoàn thành phố mong muốn tạo sự lan tỏa sâu rộng trong đoàn viên, người lao động và toàn thể người dân về một mô hình đám cưới văn minh, tiết kiệm, tôn vinh những nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc", Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đoàn Văn Dũng cho biết.
Ngập tràn trong niềm hạnh phúc, chị Nguyễn Thị Kim Ba (sinh năm 1993, công nhân Công ty cổ phần in tổng hợp Cần Thơ) chia sẻ, tuy là lễ cưới tập thể nhưng mọi thứ rất chỉn chu, ấm cúng, đúng như mong muốn nhiều năm nay của 2 vợ chồng. “Lễ cưới giúp cho vợ chồng tôi có được một kỷ niệm đặc biệt sau này kể lại cho các con. Từ đây, vợ chồng tôi sẽ có thêm động lực để sản xuất, xây dựng hạnh phúc gia đình và hăng hái tham gia các hoạt động do công đoàn tổ chức”, chị Ba tâm sự.
Nhớ lại cuộc sống trước lễ cưới, chị Trương Thị Màu (Công ty TNHH TKG Taekwang Cần Thơ) chia sẻ, vì thu nhập ít nên nhiều năm qua, hai vợ chồng chị chung sống trong căn phòng trọ nhỏ và tự an ủi, động viên nhau cố gắng làm việc, sau này sẽ tổ chức lễ cưới nhưng mãi chưa thể thực hiện. Do đó, khi được công đoàn vận động, hỗ trợ tổ chức lễ cưới tập thể, vợ chồng chị và gia đình vui mừng khôn xiết. Với vợ chồng chị, lễ cưới không những giúp hạnh phúc thêm vẹn tròn mà còn là nguồn động viên để chị thêm tin tưởng, gắn bó với tổ chức công đoàn.