Chung tay phòng, chống kháng thuốc kháng sinh

Minh Nhật 17/01/2019 08:45

Tại Hội nghị 5 năm thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc 2013 - 2020” do Bộ Y tế vừa tổ chức tại Hà Nội, không ít chuyên gia cho rằng, mặc dù nằm trong nhóm các quốc gia có tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở mức cao, nhưng các hoạt động phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam mới chỉ tập trung chủ yếu vào việc kiểm soát thuốc kê đơn tại các cơ sở y tế công lập, chưa giải quyết việc thay đổi hành vi tự ý mua kháng sinh điều trị của người dân.

Nhiều nguyên nhân dẫn tới kháng thuốc

Chỉ rõ những nguyên nhân dẫn tới kháng thuốc, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết, việc các bác sĩ kê đơn và cấp phát kháng sinh không hợp lý như kê đơn kháng sinh với liều quá thấp hoặc quá cao; không kê đơn theo kết quả vi sinh, kéo dài việc điều trị lâu hơn cần thiết; bệnh nhân tự ý sử dụng kháng sinh không theo kê đơn hoặc không đủ liệu trình, khiến tình trạng kháng thuốc kháng sinh càng nghiêm trọng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định, không ở đâu mua kháng sinh dễ như ở Việt Nam khi người dân không cần đơn cũng có thể mua được thuốc tại bất kỳ nhà thuốc nào. Người dân tới nhà thuốc, nhớ mang máng, đọc vài chữ thôi thì người bán sẽ giới thiệu nhiều loại thuốc khác nhau, có thể mua được thuốc kháng sinh dễ dàng mà không cần có chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc bừa bãi, mua thuốc không theo chỉ định sẽ góp phần làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh, gây hại tới cá nhân người mua và cả cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện nhiều loại vi khuẩn kháng đa kháng sinh, vi khuẩn kháng thuốc lan rộng từ nước này sang nước khác đe dọa sức khỏe con người.

Dựa trên một công bố của Bộ Y tế, 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, trong khi đó, ở nông thôn tỷ lệ này lên đến 91%. Thậm chí, có tới 76% bác sĩ kê toa kháng sinh không phù hợp, khiến 33% người bệnh bị kháng thuốc. So với các nước châu Âu, lượng kháng sinh sử dụng trên 100 ngày/giường thì ở Việt Nam cao hơn xấp xỉ 6 lần.

Đại diện Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện nay việc lạm dụng kháng sinh cho người để sử dụng trong vật nuôi, nuôi trồng thủy hải sản đang rất phổ biến khi người dân cho rằng sử dụng kháng sinh y tế chữa bệnh cho động vật nuôi sẽ hiệu quả hơn. Đặc biệt, người dân dễ dàng ra hiệu thuốc hỏi mua, thậm chí tự ý phối hợp các loại kháng sinh một cách dễ dàng. Điều này làm tình trạng dư lượng kháng sinh trong thực phẩm từ động vật nuôi, thủy hải sản gia tăng, gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở người khi sử dụng nguồn thực phẩm này.

Không ít ý kiến cho rằng, còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng làm gia tăng việc kháng thuốc kháng sinh chính là quy trình chống nhiễm khuẩn ở các bệnh viện chưa tốt, khi những người làm nhiệm vụ ở các đơn vị chống nhiễm khuẩn thiếu kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm lại chưa cao. Nhiều bệnh viện, cán bộ kỷ luật mới bị điều làm công tác chống nhiễm khuẩn.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê trăn trở, thực tế ở nhiều bệnh viện có những bệnh nhân lớn tuổi bị gãy xương đùi rồi tử vong do nhiễm trùng mà không có thuốc chữa. Nhiều bác sĩ cũng tâm sự về tâm trạng bất lực khi phải nhìn bệnh nhân chết dần vì kháng thuốc kháng sinh.

Cần nâng cao trách nhiệm của các bác sĩ, dược sĩ trong kê đơn, bán thuốc Nguồn: ITN
Cần nâng cao trách nhiệm của các bác sĩ, dược sĩ trong kê đơn, bán thuốc
Nguồn: ITN

Còn nhiều thách thức

Theo các chuyên gia, hoạt động phòng chống kháng thuốc hiện nay mới chủ yếu tập trung vào việc kê đơn thuốc kháng sinh, giám sát và phòng chống tại các cơ sở trong hệ thống y tế công lập chứ chưa tập trung đến nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng thuốc kháng sinh của người dân. Ngoài ra, vẫn chưa thiết lập được cơ sở dữ liệu đầy đủ về kháng thuốc để thực hiện hiệu quả các hoạt động. Khâu hợp tác liên ngành chưa được duy trì thường xuyên.

Mặt khác, năng lực của hệ thống xét nghiệm vi sinh còn hạn chế, việc hỗ trợ cho lâm sàng hiệu quả chưa cao. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh, Chương trình giám sát sử dụng kháng sinh năm 2018 tiếp tục có những thành công như tỷ lệ tuân thủ hướng dẫn sử dụng kháng sinh tăng và đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ kháng sinh sử dụng tiếp tục giảm, còn 15% trong tổng số chi phí thuốc; tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện được đo lường; số lượng, tỷ lệ, thành phần vi khuẩn đa kháng được kiểm soát. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bệnh viện gặp một số tồn tại như số bệnh án khảo sát chưa nhiều, tỷ lệ gửi mẫu bệnh phẩm trước cấy còn chưa cao; tỷ lệ xuống thang kháng sinh còn thấp. Hệ thống công nghệ thông tin cũng chưa mạnh, nhân lực cho chương trình còn thiếu, kinh phí hầu như không có.

Cùng với việc giải quyết những vướng mắc nêu trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, điều quan trọng nhất cần làm là nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc hiệu quả, về việc cần thiết phải mua thuốc theo đơn và có chỉ dẫn của bác sĩ, nhận thức về vấn đề kháng thuốc kháng sinh nguy hiểm với cộng đồng. Đặc biệt, phải nâng cao trách nhiệm của các bác sĩ, dược sĩ mới kiểm soát được vấn đề kê đơn, bán thuốc. Song song với đó là nâng cao chất lượng của đơn vị chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, nhằm bảo đảm môi trường an toàn cho bệnh nhân. Đồng thời, cũng cần triển khai các chương trình về phòng chống nhiễm khuẩn phù hợp trong bệnh viện, cộng đồng và các trang trại, cũng như bảo đảm chất lượng của kháng sinh trên thị trường.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chung tay phòng, chống kháng thuốc kháng sinh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO