Nhịp cầu

Chung tay bảo vệ môi trường

- Thứ Tư, 11/08/2021, 06:25 - Chia sẻ
Tại các cuộc TXCT vận động bầu cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, cử tri Hà Tĩnh đề nghị tỉnh có biện pháp giải quyết, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, làng nghề, cơ sở chế biến thực phẩm...

Tại kỳ họp thường kỳ giữa năm vừa qua, trả lời kiến nghị cử tri, UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: Xác định môi trường là một trong ba trụ cột phát triển bền vững, “không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế”, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường, nhờ vậy, bảo vệ môi trường đã trở thành các hoạt động của cộng đồng dân cư, của các tổ chức và cá nhân; phong trào vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa được đẩy mạnh, thông qua việc thực hiện phong trào “Ngày toàn dân thu gom rác thải” đã huy động được sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trên toàn tỉnh; nhiều mô hình tự quản về bảo vệ môi trường được hình thành và hoạt động có hiệu quả. Triển khai thực hiện Đề án xử lý chất thải rắn đạt kết quả bước đầu; xử lý cơ bản các điểm gây ô nhiễm môi trường.

Công tác kiểm tra, giám sát môi trường được tăng cường, tiếp tục đầu tư thêm trang thiết bị quan trắc tự động, trung tâm điều hành theo dõi các trạm quan trắc môi trường tại các khu vực nhạy cảm về môi trường. Các dự án có nguồn thải lớn (gồm: Công ty Formosa, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh) đã được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải và truyền trực tiếp dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát. Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chấp thuận chủ trương đầu tư và kiểm tra, giám sát môi trường đối với các dự án được thực hiện chặt chẽ.

Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, làng nghề, cơ sở chế biến thực phẩm... trên địa bàn, hàng loạt giải pháp đã được UBND tỉnh đề ra. Trong đó, có việc tiếp tục chỉ đạo  triển khai thực hiện Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, để sớm hình thành khu xử lý chất thải công nghệ hiện đại, bảo đảm môi trường, giảm thiểu và chấm dứt hoạt động các điểm xử lý nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai công tác phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ thành phân conpost tại các xã vùng nông thôn; thực hiện tiêu chí môi trường theo Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; từng bước đầu tư hệ thống xử lý môi trường nhất là xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp... kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật vệ bảo vệ môi trường, nhất là đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm.

Quá trình triển khai những giải pháp trên cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử là rất quan trọng, cùng với đó cần phát huy vai trò và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân.

SONG NGUYÊN