Chúng ta hoàn toàn có thể cứu nhiều trẻ không bị nhiễm HIV từ mẹ

Hà Khoa thực hiện 10/06/2012 08:37

Đây là khẳng định của PHÓ TRƯỞNG PHÒNG TRUYỀN THÔNG VÀ HUY ĐỘNG CỘNG ĐỒNG, CỤC PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS, BỘ Y TẾ; PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC CÂU LẠC BỘ NHÀ BÁO VIỆT NAM VỚI CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS, HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM Th.s, BÁC SỸ MAI XUÂN PHƯƠNG tại Lễ phát động Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2012.

- Xin bác sỹ cho biết thực trạng về lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện nay như thế nào?
 
BS Mai Xuân Phương: Như chúng ta đã biết, dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục và tình trạng phụ nữ nhiễm HIV đang có chiều hướng gia tăng. Theo kết quả giám sát trọng điểm, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai trong cả nước là 0,25 % năm 2011, cá biệt đã có các tỉnh, thành phố có tỷ lệ nhiễm HIV trong phụ nữ mang thai lên đến trên 1%. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được xem là các can thiệp ưu tiên bởi lợi ích từ các can thiệp này đem lại. Xác định được tính ưu việt này, từ năm 2009, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chỉ đạo mở rộng việc triển khai các can thiệp về Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và phát động Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên toàn quốc. Năm 2009 là năm đầu tiên chiến dịch Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện. Kết quả cho thấy có một sự thay đổi rõ rệt về tỷ lệ thai phụ đồng ý xét nghiệm HIV trong thời gian mang thai, một số tỉnh như Yên Bái, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Tiền Giang... tỷ lệ thai phụ được xét nghiệm HIV trong thời gian mang thai trên 80%. Tỷ lệ  phụ nữ mang thai được phát hiện đã tăng lên 43%, giúp việc triển khai các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có hiệu quả hơn. Đặc biệt, có sự tăng đột biến về số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được phát hiện trong tháng chiến dịch, tăng gấp 3 lần so với những tháng không thực hiện chiến dịch. Số trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV được cấp sữa ăn thay thế đạt 100%.

Hàng năm, có trên 5.000 trẻ em sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV. Nếu không triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì sẽ có khoảng 2.000 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV. Nếu làm tốt chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì số trẻ sinh ra nhiễm HIV chỉ còn 104 trẻ, chiếm tỷ lệ khoảng 2%. Như vậy, chúng ta sẽ cứu được khoảng 1.700 trẻ em không bị nhiễm HIV.

- Trên thực tế, một số chính sách dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa phù hợp, vẫn còn những tồn tại. Bác sỹ nói rõ hơn về vấn đề này?

BS Mai Xuân Phương: Đúng vậy. Một số chính sách chưa phù hợp, ví dụ như trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS có quy định xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai là miễn phí, hay Nghị định 69/2011/NĐ-CP quy định phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với việc thu tiền xét nghiệm HIV ở phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm; BHYT chưa thanh toán chi phí xét nghiệm cho phụ nữ mang thai có thẻ BHYT. Bên cạnh đó, nguồn từ Chương trình mục tiêu quốc gia và tài trợ không đủ để xét nghiệm HIV miễn phí. Do vậy, độ bao phủ xét nghiệm cho phụ nữ mang thai thấp, xét nghiệm HIV khi chuyển dạ cao, mất dấu trước sinh và sau khi xét nghiệm và sau sinh cao.

Ngoài ra, đặc điểm dịch tễ có xu hướng làm gia tăng phụ nữ mang thai nhiễm HIV như tỷ lệ nhiễm HIV ở nữ giới tăng, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục tăng, tỷ lệ nhiễm mới ở độ tuổi từ 20 - 35 tuổi tăng. Tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử còn khá nặng nề, tập tục sinh tại nhà còn khá cao ở các tỉnh miền núi.

- Bác sỹ có thể cung cấp những thông tin cơ bản nhất của Chiến lược quốc gia về hoạt động Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong thời gian tới? 

BS Mai Xuân Phương: Chiến lược quốc gia về Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đến năm 2020 với mục đích nhằm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 5% vào năm 2015 và dưới 2% vào năm 2020; giảm 90% trẻ nhiễm HIV mới vào năm 2015; tăng số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV sớm và nhận kết quả xét nghiệm HIV; mở rộng cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện.

Chính sách can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại nước ta được đổi mới như thời điểm điều trị dự phòng, từ sau tuần thai thứ 28 thay bằng từ tuần thai thứ 14. Về phác đồ điều trị dự phòng đối với phụ nữ mang thai, trong thời gian mang thai từ 1 thuốc (AZT) thay bằng phác đồ 3 thuốc. Sử dụng phác đồ điều trị dự phòng tối ưu (AZT/3TC/LPr). Đối với con, sẽ điều trị 4 tuần sau sinh không phụ thuộc vào thời gian mẹ đã điều trị dự phòng...

Với các thông điệp chính về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như phụ nữ mang thai nhiễm HIV hoàn toàn có thể sinh ra trẻ không bị nhiễm HIV nếu được điều trị ARV sớm (nếu đủ tiêu chuẩn), hoặc điều trị dự phòng sớm bằng 3 thuốc; được sinh nở an toàn; con được điều trị dự phòng… Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần chủ động đến các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để được chăm sóc, điều trị phù hợp, chúng ta hoàn toàn có thể cứu nhiều trẻ không bị nhiễm HIV từ mẹ.

- Trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ triển khai các hoạt động gì, thưa bác sỹ?

BS Mai Xuân Phương: Trong tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ triển khai nhiều hoạt động, trong đó tập trung tổ chức các đoàn công tác tham gia các hoạt động của các địa phương; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; điều phối việc cung cấp trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm và tài liệu, ấn phẩm truyền thông. Các hoạt động truyền thông gồm phát sóng các video clip quảng bá về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con do Trung ương cấp hoặc do địa phương, đơn vị tự sản xuất; tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương về gói dịch vụ toàn diện và địa điểm cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa phương; phát sóng các phóng sự, tọa đàm trên truyền hình về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, các thông điệp và địa chỉ cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên Đài Phát thanh địa phương.

Các dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện được tập trung cung cấp trong tháng cao điểm bao gồm tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai, đặc biệt tập trung vào phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV; chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV, phụ nữ nhiễm HIV mang thai; cung cấp sữa cho trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV đến ít nhất 6 tháng tuổi...

- Xin cám ơn Bác sỹ!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chúng ta hoàn toàn có thể cứu nhiều trẻ không bị nhiễm HIV từ mẹ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO