“Chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng!”

- Thứ Năm, 01/04/2021, 06:54 - Chia sẻ
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, cuộc họp cuối cùng trước khi Quốc hội tiến hành kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: “Chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng, không chỉ kinh tế mà văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đời sống và niềm tin của người dân tăng lên...”.

“Không có tư tưởng cầm chừng trong lúc bàn giao”

Chỉ ít ngày nữa bộ máy của Chính phủ sẽ được kiện toàn và nhận nhiệm vụ. Đến thời điểm này, “có thể nói Chính phủ Khóa XIV đã thực hiện tốt tinh thần làm việc đến ngày cuối cùng, không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc bàn giao, kiện toàn bộ máy”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu. Trong đó, “đến hôm nay không có nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật” và đây là nhiệm kỳ đầu tiên không nợ đọng văn bản luật, pháp lệnh.

Riêng quý I.2021, “chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng, không chỉ kinh tế mà văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đời sống và niềm tin của người dân tăng lên, không khí làm ăn kinh doanh trong nhân dân khởi sắc hơn”.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế cao hơn cùng kỳ năm 2020, ước tăng 4,48% (cùng kỳ tăng 3,68%); trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16% (cùng kỳ tăng 0,04%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3% (cùng kỳ tăng 5,1%); khu vực dịch vụ tăng 3,34% (cùng kỳ tăng 3,3%). Hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng. Thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Thị trường chứng khoán tăng trưởng khá với tổng mức huy động vốn tăng 42% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư phát triển tăng khá, đạt 6,3%, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 152,7 tỷ USD, tăng 24,1% (cùng kỳ tăng 5,9%), trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,4 tỷ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 7,8%); nhập khẩu hàng hóa đạt 75,3 tỷ USD, tăng 26,3% (cùng kỳ tăng 3,9%). Xuất siêu trên 2 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức thấp, bình quân quý I tăng 0,29% so với cùng kỳ năm ngoái. Đời sống Nhân dân ổn định, không phát sinh thiếu đói (đây là tháng thứ 10 liên tiếp không phát sinh thiếu đói; hỗ trợ hơn 3,3 nghìn tấn gạo cho hơn 236 nghìn nhân khẩu tại 7 địa phương)…

Tuy vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa nhận vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm hơn trong thời gian tới. Đó là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 28,2%; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 26,4%. Vận tải hành khách vẫn gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 khi giảm 11,8%. Cùng với đó, hiện tượng sốt đất diễn ra ở nhiều khu vực, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế...

	Quang cảnh cuộc họp báo. Ảnh: Đan Thanh
Quang cảnh cuộc họp báo.
Ảnh: Đan Thanh

Giảm chi phí để hạ lãi suất cho doanh nghiệp

Trước tình hình này, trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành ngay các chương trình hành động, kế hoạch công tác để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường trong phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện quyết liệt "5K + Vaccine", kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại trong cộng đồng. Cùng với đó, đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vaccine, đồng thời sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế "hộ chiếu vaccine" để thúc đẩy thương mại, đầu tư.         

Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”; vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô, phù hợp với các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực. Điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, hiệu quả; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh…

Liên quan đến “hộ chiếu vaccine”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, vấn đề này còn gây tranh luận ở nhiều quốc gia. Hiện, Bộ Y tế đang phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu để báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia và Chính phủ nhằm vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, vừa mở cửa kinh tế bằng việc nối lại các đường bay. “Bộ Y tế đang lên phương án, trước hết là cách ly phù hợp với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều theo quy định. Bộ cũng chuẩn bị kịch bản kế hoạch cho hộ chiếu vaccine trong tương lai song vẫn đang bàn kỹ để cân bằng lợi ích và nguy cơ. Việc triển khai không đơn giản và cần làm từng bước”, ông Cường nói.

Liên quan đến vấn đề “sốt đất” trong thời gian qua, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú xác nhận, có một phần nguyên nhân do các đối tượng cơ hội tung tin không chính xác về quy hoạch để trục lợi. Về phía ngành ngân hàng, tín dụng cho bất động sản được giám sát chặt chẽ và thường xuyên có cảnh báo khi có dấu hiệu không bảo đảm ổn định hoặc có dấu hiệu rủi ro trong lĩnh vực đầu tư.

Tính đến ngày 15.3, dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng tăng 2,13%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng (2,04%). Tín dụng vào các đối tượng kinh doanh (đầu cơ) bất động sản phân khúc cao cấp như dự án nghỉ dưỡng, biệt thự… đang được NHNN kiểm soát chặt chẽ và hạn chế; có chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp với các tổ chức tín dụng. Đối với tín dụng đầu tư vào bất động sản tiêu dùng (nhà ở thu nhập thấp hay phân khúc nhà giá rẻ có tính chất thương mại), các ngân hàng thương mại vẫn quan tâm triển khai. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục giám sát và cảnh báo các tổ chức tín dụng nếu tình hình bất động sản có dấu hiệu nóng.

Để hỗ trợ phát triển kinh tế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú bổ sung, lãi suất của Việt Nam đang thấp hơn bình quân khu vực ASEAN. Chính sách điều hành thời gian tới tiếp tục ổn định lãi suất huy động và cho vay, song cũng phải cảnh giác với các dấu hiệu của tác động kinh tế thế giới khi giá nhiên liệu dự báo tăng 30% hay sự dịch chuyển của các dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang thị trường trái phiếu, thị trường vốn… để điều hành hợp lý. Ông Tú nhấn mạnh: Nếu các chỉ số đó ổn định thì sẽ giảm lãi suất huy động lẫn cho vay. Các tổ chức tín dụng phải giảm bớt chi phí để hạ lãi suất cho doanh nghiệp. Đây là quan điểm điều hành của NHNN trong năm 2021.

Đan Thanh