Chúng ta có bất lực đến thế?

Quỳnh Chi 19/06/2020 08:27

 “Tôi không ủng hộ việc cắt điện, cắt nước”, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nói thẳng trong phiên thảo luận sáng 18.6 của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể là, quy định bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”. Nhiều đại biểu Quốc hội khác chia sẻ quan điểm này và yêu cầu phải bỏ ngay đề xuất này ra khỏi dự thảo Luật.

Ảnh: Quang Khánh

Ảnh: Quang Khánh

Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có ít nhất 23 biện pháp được quy định tại 4 điều luật để Nhà nước áp dụng cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và đình chỉ các vi phạm. Cụ thể là, Điều 86 quy định các biện pháp cưỡng chế hành chính, Điều 119 quy định các biện pháp ngăn chặn và Điều 21 quy định các biện pháp buộc khôi phục tình trạng ban đầu và Khoản 1 Điều 76 quy định người chậm nộp phạt thì mỗi ngày phải tính thêm 5,5% tiền phạt. Trong khi các biện pháp của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành có tính trực tiếp để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng lại chưa được thực thi nghiêm túc, đầy đủ thì đề xuất của Chính phủ, theo ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đã cho thấy “cơ quan công quyền của chúng ta rất yếu kém, rất bất lực và pháp luật không nghiêm”.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, có 2 lý do khiến Chính phủ đề xuất bổ sung biện pháp này. Một là, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành chưa có quy định về biện pháp cưỡng chế trong trường hợp đối tượng vi phạm không chấp hành quyết định có áp dụng các hình thức như đình chỉ hoạt động, tước giấy phép hoạt động. Hai là, Điều 86 của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành chỉ quy định chung, thực tế, trong một số trường hợp đặc biệt như ở lĩnh vực xây dựng và môi trường là không cưỡng chế được.

“Báo cáo thật với Quốc hội là phạm vi áp dụng và đối tượng rất hạn chế trong trường hợp không xử lý được trên thực tế thôi”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói. Dẫu vậy, nội dung dự thảo Luật lại nói khác. Biện pháp cắt điện, cắt nước bắt nguồn từ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, từng được quy định tại Nghị định 180 năm 2007 để đình chỉ thi công công trình xây dựng trái phép. Nhưng với đề xuất của Chính phủ, phạm vi áp dụng đã mở rộng ra toàn bộ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Dù Bộ trưởng nói rằng, “phạm vi áp dụng và đối tượng sẽ rất hạn chế” nhưng rõ ràng, nếu đưa biện pháp này vào Luật thì nguy cơ lạm dụng là rất lớn vì biện pháp này dễ thực hiện nhất. “Người có thẩm quyền chỉ ra lệnh cho cơ quan điện, nước cắt điện, nước là người ta làm ngay trong khi hậu quả có thể vô cùng lớn”, ông Nguyễn Hữu Cầu nhận định và dẫn chứng, một trang trại ở Nghệ An có khoảng 3.000 - 4.000 con lợn, nếu chủ trang trại vi phạm về môi trường, chúng ta bảo họ chưa xử lý xong nên cắt điện, nước thì trang trại sẽ vận hành thế nào? Lợn sống thế nào? Hay người nuôi tôm vùng đồng bằng miền Tây Nam bộ, nếu vi phạm hành chính nhưng chưa khắc phục được mà chúng ta cắt điện thì cả một đìa tôm đang dùng điện để lấy oxi, chỉ cắt 5 phút thôi có lẽ tôm cũng chết hết, ông Nguyễn Mai Bộ bổ sung. “Đây là biện pháp không có tính nhân văn bởi những người, đối tượng không liên quan đến hành vi vi phạm hành chính lại trở thành nạn nhân của hành vi vi phạm”, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nói thẳng.

Nhiều ví dụ khác cũng đã được các đại biểu dẫn chứng cho thấy những hệ lụy mà biện pháp cắt điện, cắt nước có thể gây ra nếu Quốc hội chấp thuận đề xuất của cơ quan soạn thảo. Trong đó, phải kể đến một hệ lụy phức tạp hơn mà cơ quan soạn thảo không biết đã tính tới hay chưa, đó là với biện pháp này, chúng ta đang lấy quyền lực của hành chính nhà nước để can thiệp vào hoạt động dân sự. Hợp đồng cung cấp dịch vụ điện nước không có một điều khoản nào quy định rằng nếu sai phạm hành chính thì bị cắt điện, cắt nước. Trong khi đó, quyết định cắt điện, nước là quyết định hành chính. “Tôi khẳng định, nếu quyết định này bị khởi kiện ra tòa, trừ trường hợp chúng ta ép tòa phải xử để cho chính quyền đúng còn thực chất là sai hoàn toàn. Biện pháp này là trái luật”, ông Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.

“Tôi đề nghị Quốc hội nên xem xét lại biện pháp này. Không lẽ chúng ta lại bất lực đến mức như vậy?”, ông Nguyễn Hữu Cầu đặt câu hỏi. Thực ra, bộ máy công quyền của chúng ta không bất lực đến thế. Chỉ là một bộ phận trong bộ máy ấy muốn chọn cách làm dễ dàng hơn, giành phần thuận lợi hơn cho quản lý nhà nước mà thôi. Vì thế, câu hỏi đúng nên là, chúng ta chấp nhận sự tồn tại của tư duy quản lý và tư duy hoạch định chính sách như vậy đến bao giờ? 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chúng ta có bất lực đến thế?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO