Chung sức, đồng lòng phòng chống dịch

- Thứ Hai, 03/05/2021, 14:21 - Chia sẻ
Toàn dân, toàn quân chung tay cùng Chính phủ phòng chống dịch Covid-19 là lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc chiến kiên cường, tỉnh táo, trách nhiệm cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19…

Những ngày này, tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực; đặc biệt các nước láng giềng Campuchia, Lào, Thái Lan, đại dịch bùng phát với những biến thể mới nguy hiểm, lây nhiễm nhanh. Tại nước ta, tính đến 6 giờ ngày 3.5, Việt Nam có tổng cộng 1.595 ca mắc do lây nhiễm trong nước trong đó có một số ca lây nhiễm mới trong cộng đồng ở Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái… Trước tình hình dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ có các Công điện số 541/CĐ-TTg ngày 23.4.2021, Công điện số 570/CĐ-TTg ngày 02.05.2021 chỉ đạo sát trong công tác phòng chống dịch bệnh; đồng thời kêu gọi toàn dân, toàn quân chung tay cùng Chính phủ phòng chống dịch Covid-19, yêu cầu chấn chỉnh ngay các biểu hiện lơ là, chủ quan, chùng xuống, thậm chí buông xuôi, ngăn chặn ngay sơ hở, xử lý ngay mọi vi phạm.

Sự chung tay của người dân, cộng đồng luôn là một yếu tố quan trọng, quyết định góp phần chiến thắng đại dịch; phòng chống, phát hiện, khoanh vùng, dập dịch. Chính người dân đã tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch mạnh mẽ, đi trước, khắt khe và chặt chẽ như: đóng cửa biên giới hay hướng dẫn nhập cảnh, tầm soát, xét nghiệm,  cách ly, thực hiện thông điệp 5K “khoảng cách khi tiếp xúc, khẩu trang, khai báo y tế, khử khuẩn và không tụ tập đông người” trong cộng đồng. Đặc biệt nêu cao cảnh giác phát hiện người nhập cảnh trái phép, người đi về vùng dịch và người trốn khai báo y tế, cách ly tại nhà hay cơ sở không tuân thủ đúng và đủ quy định…

Chống dịch như chống giặc. Đây cũng chính là lời kêu gọi của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Chính phủ. Cuộc chiến chống đại dịch Covid- 19 chính là cuộc chiến ngăn chặn và chống tác động tiêu cực tàn phá đời sống kinh tế xã hội, an ninh quốc gia, sức khỏe, sinh mạng của cộng đồng trên phạm vi rộng lớn và sâu sắc chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Đây có thể xem là một loại “giặc” giấu mặt hết sức nguy hiểm, tiềm tàng, rình rập sơ hở, chủ quan của chúng ta, của chính quyền các cấp, của nhân dân để tấn công. Vì vậy, cuộc chiến chống lại đại dịch Covid- 19 phải là cuộc chiến toàn quân, toàn dân chung sức, đồng lòng cùng chính quyền các cấp và của cả hệ thống chính trị. Đây vừa là cuộc chiến “nóng bỏng”, cấp bách, thường xuyên; vừa là cuộc chiến lâu dài bền bỉ không lúc nào được lơi lỏng, chủ quan. Chống dịch và nhận thức, hành động phòng chống dịch phải luôn song hành, không được phép được chủ quan dù một phút, một giây.

Mới đây, người đứng đầu Chính phủ cũng đã chỉ rõ: Qua một năm rưỡi chống dịch, nếu các chiến lược và giải pháp của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, quyết tâm ở cấp Trung ương, thì ở chiều ngược lại, càng có nguy cơ xuất hiện tâm lý hoặc chủ quan, lơ là hoặc hoang mang, lo sợ ở một bộ phận người dân, các cơ quan, tổ chức và ngay cả trong các cấp, các ngành thuộc hệ thống chính quyền. Thời gian căng thẳng càng kéo dài, tâm lý con người càng dễ uể oải, chùng xuống, thậm chí buông xuôi, “xả hơi”. Các thành tích chống dịch ấn tượng đã đạt được cũng dễ tạo tâm lý chủ quan, thậm chí coi thường dịch bệnh. 
Ngay thời gian này những ngày nghỉ lễ 30.4 và 1.5 các khu vui chơi công viên Đầm Sen hay du lịch  Đà Lạt, bãi biển ở Vũng Tầu, Nha Trang, Sầm Sơn... người dân ùn ùn kéo đến nhưng không thể chủ quan "xả hơi" thoải mái mà quên thực hiện hướng dẫn 5k. Nguy hiểm lây lan cộng đồng luôn dình dập. Hay cá nhân hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày nhưng không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc cách ly tại nhà gây lây nhiễm cộng đồng. Hay không thực hiện đầy đủ quy định nghiêm ngặt cách ly tập trung dẫn đến lây nhiễm chéo, lây nhiễm trong khu cách ly...

Thủ tướng đã lưu ý, khâu tổ chức thực hiện các quy định, quy chế cần phải siết chặt hơn nữa, làm tốt, hiệu quả hơn nữa. Thủ tướng nhấn mạnh cần xem xét kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện không đúng các quy định trong phòng chống dịch, để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Bởi, chỉ một người lơ là, cả xã hội vất vả… Người dân cũng nhận thức và chia sẻ đại dịch bùng phát luôn là mối nguy lây lan gây mất mát lớn về người và của; thiệt hại kinh tế xã hội rất lớn; đánh mất cơ hội phát triển mà đất nước dày công tích lũy mới có được.

Toàn dân, toàn quân hãy chung sức, đồng lòng cùng tham gia phòng chống dịch không thể chỉ dừng lại ở nhận thức mối hiểm nguy mà mỗi người dân cần khắc sâu trách nhiệm, nghĩa vụ công dân trong mỗi hành động của mình; cùng cả nước thực hiện đúng quy định của Đảng và Nhà nước, những hướng dẫn, khuyến cáo thường xuyên của Bộ Y tế, các hướng dẫn của bộ ngành, các cấp chính quyền góp phần đảm bảo cuộc sống an toàn và điều kiện khôi phục phát triển kinh tế. 

Không một ai vì lợi ích cá nhân, trước mắt mà lơ là, mất cảnh giác không tuân thủ đầy đủ quy định phòng chống dịch gây ra mối lo ngại tiềm tàng bùng phát dịch trong cộng đồng. Yêu nước chính là thực hiện đầy đủ quy định, hướng dẫn phòng chống dịch. 

Xuân Thọ