Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh:

Chung sức, đồng lòng đưa Hà Giang vươn lên tỉnh khá trong khu vực

- Thứ Ba, 13/10/2020, 20:36 - Chia sẻ
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ diễn ra từ ngày 15.10 đến 17.10 tại Trung hội nghị tỉnh. Ngay trước thềm Đại hội, Báo Đại biểu Nhân dân có cuộc trao đổi với Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh về kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo 5 năm qua, công tác chuẩn bị của Đảng bộ tỉnh cho Đại hội và những định hướng, mục tiêu trong giai đoạn tới…

- Ông có thể khái quát những kết quả nổi bật mà Đảng bộ tỉnh đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm kỳ qua (2015 – 2020), cũng như công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh đang tới gần?

- 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang đã nỗ lực, quyết tâm cao, đồng lòng, chung sức vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và giành được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực. Cụ thể, trong 36 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đạt 6,8%/năm, nằm trong tốp khá của cả nước. So với đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 50%, bình quân giảm 4,22%/năm, từ trên 43% xuống còn 22,6% - đây là mục tiêu lớn của nhiệm kỳ; thu hút đầu tư toàn xã hội tăng 7,1%; thu ngân sách năm 2020 ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 51,2%. Du lịch tăng trưởng với tốc độ bình quân 16%/năm, để lại ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước...

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nghe giới thiệu về sản phẩm truyền thống của đồng bào huyện Quản Bạ
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nghe giới thiệu về sản phẩm truyền thống của đồng bào huyện Quản Bạ

Song song đó, Hà Giang cũng hoàn tất quy hoạch chung của tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung thành phố tỉnh lỵ Hà Giang và quy hoạch các khu du lịch, quy hoạch huyện, thành phố và Cao nguyên đá Đồng Văn… Xây dựng nông thôn mới hoàn thành mục tiêu trước 2 năm, nhận được sự tham gia, hưởng ứng vào cuộc quyết liệt của người dân; kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện, 100% các xã có đường xe cơ giới đến trung tâm.

Nhiều chính sách an sinh xã hội được triển khai, đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng thuận cao, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nổi bật là Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở có người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo thực hiện vượt mục tiêu, với 3.336 nhà 100% nguồn vốn xã hội hóa đã hoàn thành; xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài với cam kết hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trên 52 tỷ đồng… QP-AN được đảm bảo, giữ vững đường biên, mốc giới. Công tác đối ngoại tăng cường trên tinh thần “hòa bình, hữu nghị, hợp tác” với Trung Quốc và mở rộng đến các nước, các tổ chức, định chế tài chính có nguồn vốn ODA, tạo động lực lớn cho phát triển KT–XH.

Công tác xây dựng Đảng để lại nhiều dấu ấn, đặc biệt là những nghị quyết tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách và triển khai Nghị quyết đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết lần thứ XII của Đảng, gắn với điều kiện thực tế của địa phương, từ đó nhân dân thấm nhuần và đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, giám sát dấu hiệu vị phạm và xử lý nghiêm vi phạm để nêu gương cho cán bộ. Qua đó, thực hiện tốt việc xây dựng, chỉnh đốn đảng, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, XII.

Về công tác chuẩn bị cho Đại hội sắp tới, mọi việc đều được sắp xếp chỉ đạo chu đáo và kỹ lưỡng. BCH Đảng bộ tỉnh tiếp thu đầy đủ kết luận của Bộ Chính trị, đóng góp của bộ, ban ngành Trung ương và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sau 10 lần dự thảo, các văn kiện trình Đại hội đã hoàn tất. Phương án nhân sự được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo khách quan, đúng quy hoạch, các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định, phù hợp định hướng, không chỉ chuẩn bị cho giai đoạn 2020 – 2025 mà có tầm nhìn đến năm 2030 và 2045 – thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước. Các văn kiện và phương án nhân sự đã được Bộ Chính trị đánh giá cao và thông qua.

- Với những kết quả trên, xin ông cho biết Đảng bộ tỉnh Hà Giang xác định những nhiệm vụ trọng tâm gì để tập trung lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới?

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định nhất quán trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội, mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh có KT –XH phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc. Một số chỉ tiêu, mục tiêu đề ra cao có cơ sở khoa học và thực tiễn như: Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 8%/năm; thu ngân sách đạt 4.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm; có 1 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh

BCH Đảng bộ tỉnh cũng đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ như: Tiếp tục kiên định Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện “Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang”; tiếp tục quan tâm, chăm lo đội ngũ cán bộ dân tộc, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cả già làng, trưởng bản, người có uy tín, xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc; tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, XII, tăng cường kiểm tra, giám sát trong Đảng.

Tập trung khắc phục khó khăn và khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế như: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn ở các huyện phía Bắc; Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia ruộng bậc thang, nguồn dược liệu, chè shan tuyết cổ thụ, bản sắc văn hóa các dân tộc ở các huyện phía Tây; vùng trồng cây ăn quả đặc sản ở các huyện vùng thấp… gắn với từng bước đầu tư kết cấu hạ tầng thúc đẩy phát triển KT – XH, bảo tồn văn hóa dân tộc làm lợi thế phát triển du lịch. Chú trọng xây dựng các khu vực phòng thủ, đảm bảo QP – AN, gắn với mở rộng quan hệ đối ngoại.

Đồng thời, Đảng bộ Hà Giang xác định 3 đột phá cho giai đoạn tiếp theo là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với trọng tâm là đề xuất xây dựng cao tốc, sân bay, nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối với các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng để phát triển kết nối vùng và tập trung nâng cấp các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, giao thông nông thôn đến các thôn bản.

Các lực lượng, đồng bào cùng chung tay làm nên phong trào hỗ trợ xây dựng nhà ở giúp đối tượng chính sách tại huyện Hoàng Su Phì
Các lực lượng, đồng bào cùng chung tay làm nên phong trào hỗ trợ xây dựng nhà ở giúp đối tượng chính sách tại huyện Hoàng Su Phì

Thứ hai là phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đặt mục tiêu cuối nhiệm kỳ thu hút khách du lịch đạt 3 triệu lượt; từ đó có chính sách, phương án đầu tư hạ tầng du lịch, quảng bá, kết nối du lịch, gắn với sản xuất hàng hóa sản phẩm nông nghiệp đặc trưng phục vụ du lịch.

Cuối cùng là tạo sinh kế cho nhân dân. Với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 50% dân số, nên đột phá này rất cần thiết, tạo sinh kế để nhân dân thoát nghèo bền vững thông qua những đề án, chương trình, chính sách để người dân có điều kiện phát triển và làm giàu trên chính mảnh đất của mình; gắn với đào tạo lao động, đầu tư y tế, giáo dục, nhất là xây dựng hệ thống trường nội trú liên cấp để học sinh có điều kiện ăn học và đào tạo bền vững; kết hợp xã hội hóa chương trình hỗ trợ nhà ở, khuyến học, khuyến tài…

Xin trân trọng cảm ơn Ông!

Lê Tùng