Khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão lũ
Thiệt hại sau bão đối với trồng trọt lên đến 1.956 tỷ đồng, chăn nuôi khoảng 31,8 tỷ đồng, và thủy sản khoảng 298,9 tỷ đồng. Bão lũ cũng đã làm hư hại 32 công trình đê điều và 151 công trình thủy lợi. Để phục hồi sản xuất nông nghiệp, Sở NN - PTNT TP. Hà Nội đã tiến hành rà soát và đề xuất thành phố hỗ trợ số tiền khoảng 1.150,2 tỷ đồng cho người dân, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Sở NN - PTNT cũng kiến nghị việc cấp bổ sung các nguồn quỹ hỗ trợ nông dân và ngân hàng chính sách để các đối tượng bị thiệt hại có thể vay vốn phát triển sản xuất, ưu tiên phục hồi sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các nguồn kinh phí cần được bố trí kịp thời để khắc phục hư hỏng các công trình đê điều, thủy lợi nhằm ổn định đời sống và phát triển sản xuất nông nghiệp.
Về công tác khắc phục hậu quả, TP. Hà Nội đã chỉ đạo triển khai phương án trồng, dựng lại tại chỗ khoảng 3.418 cây xanh; chuyển về vườn ươm để chăm sóc khoảng 580 cây; giải tỏa bảo đảm an toàn giao thông khoảng 7.420 cây. Đến nay công tác giải tỏa đã hoàn thành đạt khoảng trên 98% khối lượng.
Với vai trò là đơn vị chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, thực hiện chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NN - PTNT, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã có quyết định thành lập các tổ công tác do lãnh đạo Trung tâm làm tổ trưởng cùng lãnh đạo và cán bộ các phòng chuyên môn thuộc Trung tâm để phối hợp chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ tại các quận, huyện, thị xã.
Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với phòng kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện và thị xã Sơn Tây cấp phát trực tiếp 20.000 tờ gấp hướng dẫn kỹ thuật khôi phục sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... Đối tượng cấp phát là các hợp tác xã, chủ trang trại, nông dân sản xuất. Bên cạnh đó, đã đăng tải tuyên truyền nội dung của các tờ gấp kỹ thuật trên ấn phẩm Bản tin Sản xuất và Thị trường và trang web khuyến nông Hà Nội.
Trực tiếp xuống các địa phương hỗ trợ bà con nông dân
Cùng với đó, để đồng hành với bà con nông dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ, các tổ công tác đã phân công cán bộ khuyến nông xuống trực tiếp các địa phương chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật. Đối với lĩnh vực trồng trọt, hướng dẫn các biện pháp khắc phục và chăm sóc lúa, cây ăn quả sau mưa bão như cắt tỉa cành, khơi thông rãnh thoát nước...
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân tập trung vệ sinh tiêu độc, khử trùng; tiêm phòng dịch bệnh trong chăn nuôi; di dời đàn vật nuôi lên vị trí cao hơn...
Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tăng cường xuống cơ sở khuyến cáo nông dân tập trung các biện pháp xử lý môi trường ao nuôi, vùng nuôi trồng thủy sản. Tập trung chăm sóc thủy sản theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn, quyết tâm không để xảy ra dịch bệnh. Trưởng Phòng Khuyến nông Chăn nuôi - Thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Hồng Sơn cho biết, sau bão, môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột khiến thủy sản bị sốc, dễ phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, người nuôi trồng thủy sản cần thường xuyên theo dõi môi trường nước, kiểm tra hoạt động của cá.
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, đối với ao, đầm nuôi trồng thủy sản, bà con cần xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao. Đồng thời, tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh. Khi mưa lớn kéo dài, nước ao nuôi bị đục, độ pH bị giảm đột ngột cần rải vôi xung quanh bờ ao kết hợp bón vôi cho ao, đầm nuôi để ổn định pH nước và làm giảm độ đục của nước ao.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của thủy sản để có biện pháp xử lý kịp thời. Cần tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản như bổ sung vitamin C trộn vào thức ăn hàng ngày. Nếu có thủy sản bị chết cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước.
Tại các hộ dân, lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã có chia sẻ những khó khăn, thiệt hại mà người nuôi trồng thủy sản gặp phải. Đồng thời cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã trực tiếp hướng dẫn thao tác tại đầu bờ theo hình thức “Cầm tay chỉ việc” để các hộ nắm bắt được các bước cũng như cách làm để kịp thời xử lý, khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất.
Ngoài ra, các tổ công tác cũng tuyên truyền, giới thiệu đến chính quyền địa phương, các hợp tác xã, chủ trang trại và các hộ nông dân về nguồn vốn Quỹ khuyến nông thành phố; hướng dẫn các điều kiện, thủ tục vay vốn Quỹ khuyến nông nhằm hỗ trợ các hộ dân có nhu cầu vay vốn tái sản xuất.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, cần tiếp tục hỗ trợ cho nông dân, hỗ trợ hoạt động hợp tác xã; giãn, hoãn các gói vay đối với người dân, hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp vụ Đông, hỗ trợ tái đàn.
Liên quan đến sản xuất nông nghiệp vụ Đông, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh sản phẩm hỗ trợ cần phải phù hợp với nhu cầu thực tế, đúng đối tượng bị thiệt hại nhằm bù đắp thiệt hại sau bão lũ và bảo đảm nguồn cung lương thực thực phẩm cho cuối năm.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị TP. Hà Nội, cùng với sự vào cuộc của ngành nông nghiệp, hệ thống khuyến nông Thủ đô mong muốn hỗ trợ bà con nông dân sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng khôi phục sản xuất để ổn định cuộc sống, hướng tới vụ Đông thắng lợi.
( Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm khuyến nông Hà Nội)