Chung sống an toàn với lũ

Vũ Quang 26/07/2008 00:00

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đang xây dựng Đề án “Chung sống an toàn với lũ tại các tỉnh miền Trung”. Đây là một đề án phòng, chống thiên tai lớn nhất từ trước đến nay, có phạm vi triển khai rộng bao gồm các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Triển khai thực hiện hiệu quả đề án sẽ giúp các địa phương giảm thiểu được thiệt hại do lũ lụt gây ra, góp phần phát triển ổn định, bền vững KT-XH của các địa phương.

Chung sống an toàn với lũ ảnh 1

      Một đề án lớn và cấp thiết…
      Dải đất miền Trung hẹp về chiều ngang, lại có dãy Trường Sơn chạy dọc. Chính vì vậy, các sông trong khu vực thường ngắn, có độ dốc lớn nên hầu như mùa mưa năm nào cũng xẩy ra lũ lụt và điều đặc biệt là lũ rất hung dữ và lên rất nhanh. Nhiều năm qua, những con sông lớn trong khu vực như sông Gianh ở Quảng Bình, sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, sông Hương ở Thừa Thiên Huế, sông Thu Bồn ở Quảng Nam, sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi, sông Đà Rằng ở Phú Yên... đã xẩy nhiều trận lũ lụt lớn nhấn chìm hàng trăm làng mạc, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước và của người dân. 
      Trước thực tế đó, các địa phương miền Trung đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống lũ lụt, bằng nhiều phương án ứng phó như: di dời dân ra khỏi khu vực lũ nguy hiểm, điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp, vận dụng phương châm “4 tại chỗ”... và phần nào hạn chế được những thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, các ứng phó với lũ lụt của các địa phương vẫn mang tính cục bộ, trong khi đó với những nét tương đồng về địa lý tự nhiên, kinh tế miền Trung cần một giải pháp tổng thể, lâu dài phòng chống thiên tai. Bởi vậy thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã xây dựng đề án Chung sống an toàn với lũ tại các tỉnh miền Trung, đây là một đề án cần thiết, cấp bách và có phạm vi tương tác xã hội sâu rộng. 
      Đề án được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn I từ năm 2008-2010; giai đoạn 2 từ năm 2011-2015. Tổng mức đầu tư giai đoạn I của đề án khoảng 10.204 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách TƯ là 2.701 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 3.683 tỷ đồng; vốn các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và vốn đóng góp từ người dân là 3.801 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án là ổn định cuộc sống của dân cư vùng lũ lụt; nâng cao nhận thức của cộng đồng về hiểm họa của lũ lụt và giúp dân phòng tránh đảm bảo an toàn; khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng khu vực phục vụ chiến lược phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh khu vực; quy hoạch khu dân cư đô thị bảo đảm phòng chống lũ lụt bền vững. 
      Trước mắt, trong giai đoạn 2008 - 2010, đề án hoàn thành hệ thống bản đồ ngập lụt, và hỗ trợ dự báo ngập lụt cho các tỉnh, thành trong khu vực; rà soát và quy hoạch dân cư và di dời và tái định cư cho khoảng 21 ngàn hộ dân ra khỏi các khu vực lũ lụt; cải tạo các công trình dân sinh, công trình công cộng để đối phó với bão lũ; khuyến khích và hỗ trợ một phần kinh phí giúp người dân làm nhà chống lũ; làm mới 400km giao thông nông thôn; cải tạo và nâng cấp 106 công trình thủy lợi địa phương; xây dựng 27 trạm quan trắc để nâng cao năng lực dự báo thiên tai... 
      Để đầu tư có hiệu quả...
      Có thể nói, đầu tư nguồn lực giúp miền Trung phòng chống thiên tai là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều ý kiến còn hoài nghi về tính hiệu quả của đề án. Tại hội thảo về Đề án Chung sống an toàn với lũ tại các tỉnh miền Trung được tổ chức tại Đà nẵng vừa qua, đại biểu các địa phương đều cho rằng cần thiết phải có một chương trình lớn, dài hơi đầu tư giúp miền Trung chống chọi thiên tai nhưng cách làm phải linh hoạt và mang tính đặc thù từng vùng. Miền Trung tuy liền một dải nhưng về đặc điểm lũ lụt mỗi vùng mỗi khác, tâm lý phòng tránh bão của cộng đồng, kinh nghiệm ứng phó cũng khác đòi hỏi giải pháp đưa ra để ứng phó lũ lụt cũng khác không thể có chung một công thức được. 
      Bên cạnh đó, đề án ưu tiên việc di dân tái định cư ra khỏi vùng lũ và lạm dụng giải pháp “bê tông hóa” các công trình chống lũ lụt cũng không được các địa phương đồng thuận. Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Chính cho rằng, không nên đề cao giải pháp di dời dân vì sẽ gây biến động lớn về mật độ dân cư, nông dân thiếu đất sản xuất. Phần việc di dời và tái định cư, cũng như hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho số hộ dân này sẽ ngốn hết khoản kinh phí hơn 8.500 tỷ đồng. Đề án nên tập trung cho các giải pháp giúp người dân bám trụ, chống chọi với lũ lụt ngay trong thôn xóm của mình vì như thế mới phù hợp với tinh thần nó. Ông Trần Phước Chính còn nêu ví dụ cụ thể, đó là vừa qua một tổ chức nhân đạo đã giúp người dân vùng lũ Hòa Quý,  Đà Nẵng xây một ngôi nhà kiên cố chống bão lũ 2 tầng kinh phí khoảng 800 triệu đồng, trong đó, tầng 1 là nơi bố trí cơ quan, cơ sở sinh hoạt cộng đồng, tầng 2 để người dân trú bão lũ tiện nghi sinh hoạt và bố trí sẵn các chiếc thuyền nhỏ để chở người dân về nhà lấy những vật dụng cần thiết. Theo ông Chính, khi lũ lụt ập đến, việc di dời dân gặp rất nhiều khó khăn, việc xây dựng những ngôi nhà như thế cho từng thôn xóm, cụm dân cư vùng bão lũ là rất hiệu quả an toàn. 
      Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đề  xuất việc trồng tre và các loại cây có tác dụng ngăn lũ lâu dài và làm đẹp thôn xóm các vùng ven sông, vùng xói lở…thay vì chỉ nói đến việc xây kè, bê tông hoá các bờ sông. Nhiều ý kiến đồng tình với phương án này, bởi lẽ không chỉ tạo cảnh quan môi trường, ngăn lũ lụt mà điều đặc biệt là ai cũng có thể làm được, làm liên tục. 
      Ngoài ra, theo mục tiêu đề án đề ra là sẽ đầu tư trồng 2 triệu ha rừng đầu nguồn tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Nhiều ý kiến cho rằng, cần xác định cụ thể diện tích rừng đầu nguồn hiện tại là bao nhiêu? hiện trạng như thế nào? trên cơ sở đó huy động nguồn vốn đầu tư để bảo vệ diện tích rừng đang có và trồng mới thêm rừng...  
      Về mặt tổng thể, nhiều ý kiến cho rằng, đây là một đề án mang tính tổng hợp, nhiều lĩnh vực cần đầu tư, độ rủi ro cao và khó đánh giá cụ thể trong khoảng thời gian ngắn nên từng bước triển khai xây dựng, triển khai đề án Bộ xây dựng cần phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành hữu quan và các địa phương nhằm tìm ra những phương án, giải pháp tối ưu nhất, đồng thời cân nhắc thận trọng những mục tiêu đầu tư... 
      Hằng năm, đến mùa mưa bão, miền Trung được coi là tâm điểm. Nhà nước và các địa phương đã có nhiều dự án đầu tư lớn để miền Trung phòng chống thiên tai. Bao năm rồi, cả nước dồn sức cho miền Trung phòng chống mưa bão, hướng về miền Trung khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra. Chung sống an toàn với lũ tại các tỉnh miền Trung là một đề án lớn. Triển khai thực hiện hiệu quả đề án sẽ giúp các địa phương giảm thiểu được thiệt hại do bão lũ gây ra, góp phần phát triển ổn định và bền vững KT-XH của các địa phương.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chung sống an toàn với lũ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO