Chung sống an toàn với dịch bệnh
Dự báo, tình hình dịch Covid - 19 có thể kéo dài đến hết năm 2021 do chưa có vaccine điều trị. Để vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, theo các chuyên gia, Việt Nam cần siết chặt kỷ cương, thực hiện tốt hơn nữa 5 nguyên tắc chống dịch, hình thành thói quen chung sống an toàn với dịch.
Nguy cơ luôn thường trực
Thông tin về diễn biến dịch bệnh trên thế giới, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc (3 cấp) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid - 19 diễn ra mới đây, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, chưa nước nào tự tin có biện pháp phòng, chống dịch bệnh tốt nhất. Dự báo, mùa đông năm nay sẽ khốc liệt đối với các nước trong phòng, chống Covid - 19.
Theo quyền Bộ trưởng, nước ta vẫn kiên định các giải pháp phòng, chống dịch theo đúng 5 nguyên tắc là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch sớm nhất có thể. Trong đó, hai trọng tâm là công tác quản lý, cách ly người nhập cảnh và phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm vẫn luôn thường trực với hai nguy cơ lớn nhất là từ người nhập cảnh và người mang mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng.

Ba bài học chung nhất đã được tất cả các nước trên thế giới đúc kết trong phòng, chống dịch Covid-19 là đeo khẩu trang - biện pháp đơn giản nhất, hiệu quả nhất; phát hiện nhanh, truy vết, cách ly người nhiễm trong thời gian sớm nhất là biện pháp có tính chất quyết định; giãn cách xã hội là giải pháp quan trọng để làm chậm tốc độ lây lan dịch.
Đối với các nhóm đối tượng nhập cảnh hợp pháp, Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn cách ly. Theo đó, các chuyên gia, lao động kỹ thuật người nước ngoài có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 3 - 5 ngày trước khi nhập cảnh vào Việt Nam áp dụng hình thức cách ly dưới 14 ngày, không cần cách ly tập trung, tiếp tục xét nghiệm sau khi nhập cảnh và xét nghiệm định kỳ, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Các chuyên gia, lao động kỹ thuật người nước ngoài có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh vào Việt Nam từ 3 - 5 ngày tiến hành cách ly tập trung 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày, sau đó xét nghiệm lần 1 vào ngày thứ 1 nhập cảnh, lần thứ 2 vào ngày thứ 6 hoặc 7. Nếu tiếp tục có kết quả âm tính, những người này được cách ly tại nhà và xét nghiệm lần 3 vào ngày thứ 14. Các trường hợp nhập cảnh khác chưa có hướng dẫn vẫn thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Tất cả người nhập cảnh phải khai báo y tế điện tử bắt buộc và cập nhật tình trạng sức khỏe hàng ngày với cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, theo báo cáo từ các địa phương, kết quả giám sát, kiểm tra của Bộ Y tế, Bộ Công an cho thấy, thời gian qua, có thực tế đối tượng nhập cảnh hợp pháp là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài, người Việt Nam từ vùng dịch chưa được quản lý chặt chẽ sau thời gian 14 ngày cách ly tập trung, trong khi thực tế có người phát bệnh ở ngày thứ 20 sau khi nhập cảnh.
Cần siết lại kỷ cương
Tình hình dịch Covid - 19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo, dịch bệnh có thể kéo dài đến hết năm 2021 do chưa có vaccine điều trị. Hiện nay, tuy nước ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và triển khai thực hiện “mục tiêu kép” vừa chủ động phòng, chống dịch vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội; song, không được chủ quan, nới lỏng không chỉ trong xã hội mà cả trong cơ quan nhà nước, không được để bài học Đà Nẵng trở thành vô nghĩa, vì nếu có dịch mọi nỗ lực phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, bài học rút ra từ Đà Nẵng là dù đã cảnh báo phải giữ tuyệt đối an toàn các cơ sở y tế, đặc biệt là các khoa hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo, có nhiều bệnh nhân nặng, có bệnh nền dài ngày nhưng dịch đã lây nhiễm sau khoảng 2 tuần mới phát hiện ra. Do đó, cần siết lại kỷ cương, làm tốt hơn nữa 5 nguyên tắc chống dịch, bởi dịch không trừ một ai, một địa phương nào.
Đồng thời, các bộ ngành, địa phương phải quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, ít nhất trong vòng 28 ngày, bao gồm 14 ngày cách ly tập trung và 14 ngày giám sát y tế. Chính quyền địa phương tuyệt đối không để người nước ngoài nhập cảnh không thuộc đối tượng chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, không phải là lao động của doanh nghiệp có nhu cầu; phải nắm được từng ngày có bao nhiêu người nhập cảnh trên địa bàn, cập nhập thông tin sức khỏe, lưu trú… liên tục. Các khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ người cách ly phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, cập nhật thông tin hàng ngày về thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
“Các bộ ngành, các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở, đơn vị trực thuộc, thuộc lĩnh vực quản lý thực hiện đầy đủ các công việc bảo đảm an toàn, phòng chống dịch, cập nhật bản đồ an toàn Covid theo thời gian thực. Nơi nào không bảo đảm an toàn dứt khoát không cho hoạt động, kỷ luật người đứng đầu. Chúng ta phải hình thành thói quen chung sống an toàn với dịch,” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.