Chung một chiến hào

- Thứ Sáu, 30/04/2021, 16:00 - Chia sẻ
Thời xưa, đọc sách về chiến công của các Anh hùng Liên Xô thời vệ quốc, thấy xa xôi. Không ngờ rằng họ từng hiện diện tại Việt Nam và góp sức cùng chúng ta đi đến ngày thắng lợi.

1. Năm 1964, Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam có tùy viên quân sự mới. Nhìn người đàn ông 44 tuổi cao to có khuôn mặt dễ mến hiền lành này, không ai có thể hình dung ông từng là mối kinh hoàng đối với quân phát xít Đức trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941 - 1944).

Aleksey Lebedev, Anh hùng Liên Xô từ năm 25 tuổi (3.1945)

Ông chính là Aleksey Lebedev, Anh hùng Liên Xô từ năm 25 tuổi (3.1945). Trong cuộc Chiến tranh vệ quốc, Lebedev đã thực hiện 82 cuộc không kích bắn phá và ném bom các doanh trại và kho bãi của quân Đức, tham gia 11 trận không chiến và bắn hạ 4 máy bay địch. Khi được phong Anh hùng, Lebedev là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân cận vệ chiến đấu 71.

Sau chiến tranh, Lebedev đã tham gia nhiều khóa học đặc biệt và được cử sang Pháp làm tùy viên quân sự. Tại đây, ông đã lập được chiến công đặc biệt mà mãi sau này người ta mới biết, được báo chí viết nhiều. Đó là tuyển mộ được siêu điệp viên người Italy Giovanni Ferrero. Điệp viên có bí danh Murat này đã cung cấp cho Lebedev các thông tin tối mật của NATO như tài liệu về hệ thống tự động kiểm soát mặt đất các phương tiện phòng không của NATO, chương trình nghiên cứu chung trong lĩnh vực vũ khí, thông tin về máy bay F-104 của Mỹ, bao gồm báo cáo chuyến bay thử nghiệm; báo cáo so sánh của không quân Mỹ về các chuyến bay thử nghiệm của tiêm kích G-91 Fiat của Mỹ...

Đặc biệt, điệp viên này đã chuyển cho Lebedev "Kế hoạch của Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang của NATO ở châu Âu số 110/59 ngày 1.1.1960 về thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân". 

Khi tài liệu tối mật này được đặt trên bàn Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev, ông đã bị sốc. Bởi vì mới chỉ 15 năm trôi qua kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, thế mà Mỹ đã có kế hoạch dùng vũ khí hạt nhân để hủy diệt Liên Xô. Tài liệu mô tả chi tiết về những thành phố, cơ sở công nghiệp và quân sự của Liên Xô mà người Mỹ định thả bom nguyên tử...

Đây là một chiến công xuất sắc của tình báo quân sự Xô Viết trong những năm chiến tranh lạnh, mà người có công đầu không ai khác chính là Lebedev (ảnh 1).

2. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Pháp, Đại tá Aleksey Lebedev được mời về Moscow giao công việc mới - tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam. Đó là năm 1964, khi Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ và leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam. Một sĩ quan không quân cao cấp, Anh hùng Liên Xô đã trải qua những tháng năm máu lửa của chiến tranh, một chỉ huy mạng lưới tình báo có kinh nghiệm thật thích hợp với vị trí này.

Khi Lebedev đến Hà Nội, đã có 3 sĩ quan làm việc trong bộ phận tùy viên quân sự - Evgeny Legostaev, Ivan Shport và Ilya Rabinovich. Chiến tranh đang diễn ra, và có rất nhiều nhiệm vụ mới được giao. Nhiệm vụ chính của họ là lấy được thiết bị và vũ khí quân sự của Mỹ thu từ các máy bay bị bắn rơi để chuyển về nước nghiên cứu. Để đạt được mục tiêu này, nhóm của Lebedev đã được bổ sung các kỹ sư quân sự giàu kinh nghiệm từ các cơ quan khác nhau của ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô.

Nhiệm vụ thứ hai, cũng không kém phần quan trọng, của tùy viên quân sự Lebedev và các nhân viên của ông là phân tích phương thức tác chiến của quân đội Mỹ tại Việt Nam, cũng như phương pháp tác chiến sử dụng vũ khí và trang thiết bị quân sự mới. 

Nhà báo Ilyinsky thời đó công tác tại Hà Nội ghi nhận: “Đại tá Alesey Ivanovich Lebedev đã xác định rằng MiG-17 và 21, với các phi công Việt Nam hoàn toàn có khả năng chiến đấu ngang ngửa với bất kỳ loại máy bay nào của Mỹ. Và những chiếc B-52 “bất khả chiến bại” trong thập niên 50, cũng như máy bay tiêm kích - ném bom đời mới F-111A hoàn toàn có thể bị đánh bại bởi các sư đoàn tên lửa Việt Nam".

Cần lưu ý rằng, máy bay chiến đấu của không quân Quân đội Nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ thua kém lực lượng không quân Mỹ rất nhiều lần. Theo nhận định của Lebedev, chỉ có các yếu tố bất ngờ, quyết đoán mới có thể chống lại ưu thế của Mỹ, đặc biệt là trong những điều kiện bất lợi để tiến hành một cuộc chiến với lực lượng vượt trội của đối phương. 

Đại tá Lebedev biết rất rõ "điều kiện bất lợi" nghĩa là gì. Tháng 2.1943, khi đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát, ông đã bị 4 máy bay chiến đấu của đối phương tấn công - 3 chiếc Me-109 và một chiếc Fokker. Tưởng chừng không còn cơ hội nào, nhưng Lebedev đã bình tĩnh bước vào trận chiến không cân sức, bắn hạ một chiếc máy bay 109 và trở về căn cứ an toàn.

Kinh nghiệm chiến đấu trong Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Lebedev đã được truyền lại cho các bạn Việt Nam. Lebedev cùng các chuyên gia quân sự Xô Viết đã cùng các phi công Việt Nam bàn bạc, phát triển và vận dụng nhuần nhuyễn các phương án tác chiến trên không, như "đồng loạt tấn công", "luồn sâu đánh hiểm"... Các chiến thuật này đã tỏ ra hiệu quả, với những trận không chiến thắng lợi của không quân Việt Nam.

Aleksey Lebedev rời Việt Nam năm 1968, sau đó ông còn tiếp tục công tác tại nhiều quốc gia khác. Ông về hưu năm 1979 và mất năm 1995, được an táng tại nghĩa trang Troekurovskoe ở Moscow.

 3. Còn có 2 Anh hùng Liên Xô nữa cũng đã sát cánh với Việt Nam trong những ngày tháng khó khăn đó.

 

Đại tá Vasily Kotlov (1919 - 2015), Anh hùng Liên Xô năm 1957

Người thứ nhất là Đại tá Vasily Kotlov (1919 - 2015, ảnh 2) được phong Anh hùng Liên Xô năm 1957. Ông từng tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, cuộc chiến tranh Xô - Nhật. Từ năm 1949, ông là phi công thử nghiệm các loại máy bay chiến đấu mới của LX, như Як-25Б, МиГ-21ПФ, СМ-30, L-29...

 Ông được cử sang huấn luyện các phi công Việt Nam sử dụng tên lửa “không đối không”. Báo Argumenty i Fakty, báo Rossiskaya Gazeta của Chính phủ Nga và nhiều tờ báo khác đã nhắc lại một chiến công của ông tại Việt Nam. Đó là trong lần bay huấn luyện cùng phi công Việt Nam trên MIG-21, khi phát hiện máy bay địch xuất hiện đột ngột, ông đã cùng học trò bắn hạ kẻ thù. Với thành tích này, ông được trao danh hiệu “Công dân danh dự của Hà Nội” và nhận Bằng khen của Chính phủ Việt Nam.

Người thứ hai là Nikolai Sutyagin (1923 - 1986, ảnh 3), thiếu tướng không quân. Ông tham gia Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, cuộc chiến tranh Xô - Nhật, Chiến tranh Triều Tiên...

Thiếu tướng Nikolai Sutyagin (1923 - 1986) Anh hùng Liên Xô năm 1951

Từ tháng 6.1951 - 2.1952, ông tham gia 66 trận không chiến, hạ 22 máy bay địch và là phi công Ace xuất sắc nhất trong chiến tranh Triều Tiên. Sutyagin cũng được công nhận là phi công Ace máy bay phản lực hiệu quả nhất thế giới. Năm 1951, ông được phong Anh hùng Liên Xô và sau đó còn được tiến cử lần hai.

Hãng tin TASS cho biết năm 1970 - 1971, Nikolai Sutyagin được cử sang Việt Nam làm cố vấn trưởng cho Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân, Quân đội Nhân dân Việt Nam. Những kinh nghiệm chiến trường của ông chắc hẳn đã có dịp phát huy tại bầu trời Việt Nam.

Thời xưa, đọc sách về chiến công của các Anh hùng Liên Xô thời vệ quốc, thấy xa xôi. Không ngờ rằng họ từng hiện diện tại Việt Nam và góp sức cùng chúng ta đi đến ngày thắng lợi.          

Việt Hùng