Chung kết Startup Kite 2021

- Thứ Năm, 25/11/2021, 17:25 - Chia sẻ
Sau gần 6 tháng phát động, ngày 25.11, vòng Chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Startup Kite 2021” chính thức khởi động tại Hà Nội. Cuộc thi sẽ diễn ra trong hai ngày, do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu.

Ảnh: TC.GDNN

Cuộc thi đã nhận được 1.518 ý tưởng, dự án và có 207 dự án của học sinh, sinh viên của 59 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 33 tỉnh, thành phố được lựa chọn vào vòng Bán kết. Và đến nay, đã có 67 ý tưởng, dự án lọt vòng Chung kết.

Các đại biểu dự khai mạc vòng Chung kết cuộc thi Startup Kite.
Ảnh: TC.GDNN

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Lao động,  Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, cuộc thi Startup Kite đã trở thành một sân chơi chung về sáng tạo khởi nghiệp và thành công với mục tiêu thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, khởi nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy các bạn trẻ tin tưởng lựa chọn giáo dục nghề nghiệp, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có kỹ năng cho đất nước và thích ứng với sự thay đổi của khoa học công nghệ, việc làm. Thứ trưởng tin tưởng và hy vọng, những dự án khởi nghiệp tốt của các em không chỉ dừng lại ở cuộc thi mà sẽ được triển khai trong thực tiễn đời sống, mang lại giá trị hữu ích cho bản thân, cộng đồng và xã hội.

Ban Giám  khảo vòng Chung kết Cuộc thi Startup Kite.
Ảnh: TC.GDNN 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục gắn kết với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là quan tâm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của đất nước.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Phó trưởng đại diện Quỹ dân số liên hợp quốc Lê Bạch Dương khẳng định, UNFPA đồng hành với Cuộc thi nhằm hỗ trợ và khai thác tối đa tiềm năng của các nhóm dân số dễ bị tổn thương, trong đó có người cao tuổi và người khuyết tật, vừa giúp các bạn trẻ chuẩn bị vững chắc cho tương lai.

Được biết, 67 dự án tranh tài lần này đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, du lịch, cơ khí – công nghệ ứng dụng, kinh doanh thương mại, chế biến thực phẩm… Nhiều dự án mang đậm bản sắc của vùng miền và đồng bào dân tộc thiểu số, có tính khả thi cao như dự án: “Hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình” của trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ Tuyên Quang; “Sports For All” và “Thực đơn NuElL” của trường Cao Đẳng Thương Mại và Du Lịch Hà Nội; Hệ thống giám sát và khử khuẩn tự động của trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (TP. Hồ Chí Minh)…

Bình Nhi