Chung chiêng chức danh Ủy viên Thường trực HĐND
Theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch và Ủy viên Thường trực HĐND. Trong quá trình hoạt động, nhiều người băn khoăn vì chức danh Thường trực HĐND “chung chiêng”, có cũng như không.
Nếu đặt câu hỏi, Thường trực HĐND đứng ở vị trí nào trong hệ thống các chức danh lãnh đạo của cơ quan Nhà nước, sẽ nhận được câu trả lời là: dưới Phó chủ tịch (HĐND, UBND) và trên cấp trưởng ngành (đối với cấp tỉnh), trưởng phòng (đối với cấp huyện). Sở dĩ có quan niệm và nhận thức như vậy là bởi hai lý do. Thứ nhất, căn cứ vào phụ cấp trách nhiệm. Đối với mỗi chức danh lãnh đạo trong hệ thống các cơ quan Nhà nước, chức danh nào có mức phụ cấp trách nhiệm cao hơn thì chức danh đó có vị trí cao hơn (trừ phụ cấp trách nhiệm đặc thù, có quy định riêng). Đối chiếu theo tiêu chuẩn này thì chức danh Thường trực HĐND nằm ở “khoảng giữa”, bởi theo Nghị định 204 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và Nghị quyết số 730 của UBTVQH Khóa XI về Phê chuẩn bảng phụ cấp chức vụ đối với lãnh đạo nhà nước thì Phó chủ tịch HĐND, UBND tỉnh có hệ số phụ cấp chức vụ là 1,20; Cấp sở và tương đương (trong đó có Trưởng ban chuyên trách HĐND) có hệ số 0,80 còn Ủy viên Thường trực nằm ở “khoảng giữa” hệ số 1,10 (đối với cấp huyện cũng tương tự). Thứ hai, đối với “nguồn” cơ cấu vào chức danh Ủy viên Thường trực. Những người được lựa chọn vào chức danh Ủy viên Thường trực thường là cấp trưởng ngành (giám đốc sở hoặc tương đương), Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện; Còn đối với Ủy viên Thường trực cấp huyện, “nguồn” là Trưởng phòng hoặc tương đương (cũng có thể là cấp phó hoặc hiệu trưởng các trường phổ thông). Xét về góc độ tâm lý, cũng như thực tế (theo phụ cấp chức vụ) thì một cán bộ từ “nguồn” như vậy được cơ cấu vào chức danh Ủy viên Thường trực là “đi lên”, nhưng vị trí lại chưa bằng Phó chủ tịch, bởi theo Quy chế hoạt động của HĐND thì Ủy viên Thường trực khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ đứng hàng thứ 3 trong Thường trực HĐND.
Tuy nhiên, việc đứng ở “khoảng giữa” như phân tích ở trên không phải là lý do chính để nhìn nhận chức danh Ủy viên thường trực là “chung chiêng”, mà do tác động trong các mối quan hệ công tác và tính chất công việc. Hiện nay, nhận thức của không ít cán bộ trong cơ quan nhà nước vẫn chưa thật đầy đủ về chức danh này. Đã có trường hợp ở cấp tỉnh, khi làm danh bạ điện thoại, mặc dù đã ghi rõ là Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, nếu sắp xếp theo thứ tự chức vụ phải đứng ở hàng thứ 3 trong cơ quan, nhưng khi cuốn danh bạ ra đời, người có chức vụ này lại được xếp ở nhóm dưới cùng - nhóm Thường trực bảo vệ cơ quan! Trường hợp khác, để triển khai nghị quyết Đảng bộ cấp tỉnh, giấy mời được phát đi với thành phần cấp huyện ghi là “Lãnh đạo cấp huyện: Bí thư, Phó bí thư; Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, UBND”, và như vậy nghiễm nhiên chức danh Ủy viên Thường trực HĐND... không nằm trong “danh mục” lãnh đạo cấp huyện để đi dự Hội nghị. Gần đây, trong Quyết định 59/2007/QĐ-TTg ngày 7.5.2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành quy định, tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước, chức danh Ủy viên Thường trực cả ở cấp tỉnh và cấp huyện đều không được nhắc đến. Và, để bố trí xe phục vụ công tác, các cơ quan phải đưa vào danh mục “cán bộ lãnh đạo có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25”. Tất nhiên, những ví dụ nêu trên cũng có thể chỉ coi là “lỗi nhỏ” trong quá trình thực hiện, nhưng đằng sau đó là những vấn đề cần suy nghĩ về “chỗ đứng” của chức danh này.
Đối với công việc, Ủy viên Thường trực HĐND cùng với Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND theo quy định tại Điều 53 Luật Tổ chức HĐND và UBND; Trong đó, nhiệm vụ chính là: Tổ chức kỳ họp, giám sát và giải quyết những vấn đề giữa hai kỳ họp. Điều tác động đến tâm lý của những người giữ chức vụ Ủy viên Thường trực là từ vị trí công tác của Giám đốc sở, Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện... có các phòng, ban chuyên môn giúp việc, giải quyết công việc thường sôi động, nhưng khi đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Thường trực, công việc trầm lắng hơn, không có cơ quan chuyên môn (trừ Văn phòng giúp việc chung)..., do vậy thường cảm giác không bằng vị trí công tác cũ.
Trong hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND các tỉnh trung du, miền núi, phía bắc lần thứ 14 được tổ chức tại tỉnh Lai Châu vào tháng 9.2006, một số tỉnh kiến nghị sửa quy định về Thường trực HĐND trong Luật Tổ chức HĐND và UBND, theo đó, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện gồm: Chủ tịch, 2 Phó chủ tịch (bỏ chức danh Ủy viên thường trực). Đề nghị này xuất phát từ thực tiễn hoạt động, bởi thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Luật tổ chức HĐND và UBND, Quy chế hoạt động của HĐND, Ủy viên Thường trực đảm nhiệm các phần việc giống như Phó chủ tịch HĐND, chỉ khác là về thứ tự “khi Chủ tịch vắng mặt, thì Phó chủ tịch thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch; Chủ tịch và Phó Chủ tịch vắng mặt thì ủy viên Thường trực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch và Phó chủ tịch”. Nếu với hai chức danh thực hiện nhiệm vụ giống nhau, chỉ khác về thứ tự khi giải quyết công việc, thì tại sao không quy định cùng một chức danh là Phó chủ tịch HĐND, trong đó có một Phó chủ tịch Thường trực? Mặt khác, nếu quy định Thường trực HĐND có 2 Phó chủ tịch HĐND, bỏ chức danh Ủy viên Thường trực thì có thể sẽ giải quyết được phần nào sự “chung chiêng” của chức danh Ủy viên Thường trực.
Ảnh: banglang-photo.vn
Huyền Lê