Giảm thiểu tình trạng thất nghiệp

Chuẩn hóa thông tin thị trường lao động

- Thứ Sáu, 16/10/2020, 06:56 - Chia sẻ
Trước thực trạng số lao động thất nghiệp ngày càng gia tăng, nhiều chuyên gia cho rằng cần có chính sách hỗ trợ vốn cho lao động hoạt động trong khu vực chính thức nhưng bị mất việc làm và trở thành lao động thời vụ. Bên cạnh đó, cần tính đến chính sách dài hạn, trong đó quan tâm đến đào tạo nghề cho người mất việc để họ có khả năng tiếp cận việc làm mới khi có cơ hội. Để làm được điều này, cần chuẩn hóa thông tin thị trường lao động.

Thất nghiệp khiến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo gia tăng

Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong 9 tháng năm 2020 đã có 893.090 người nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp. Dự kiến cả năm 2020, con số này sẽ là 1 triệu.  Theo tính toán, kịch bản xấu nhất là thời gian tới, số lao động mất việc làm có thể tăng 60.000 - 70.000 mỗi tháng, tập trung ở các lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải, chế biến chế tạo... Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5 - 5 triệu người.

Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Trọng Bình chia sẻ, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực lên 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên, khiến 17,6 triệu người giảm thu nhập. Ngoài ra, cả nước còn 1,3 triệu hộ nghèo, 1,23 triệu hộ cận nghèo cũng chịu tác động xấu của dịch bệnh. Điều này cũng làm gia tăng số hộ nghèo và cận nghèo trong năm 2020.

Cũng theo thống kê của Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 tác động mạnh đến tình hình lao động, việc làm, người mất việc, người giảm thời gian lao động, giảm thu nhập… Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III.2020 là 2,5%, giảm 0,23 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 4%, giảm 0,46 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,89 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ các năm trước, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị quý III.2020 cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Tại Hà Nội, báo cáo của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cũng cho thấy, 9 tháng năm 2020 có khoảng 165.000 người lao động mất hoặc thiếu việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hàng triệu người mất việc cần tìm việc làm mới do dịch Covid-19 năm 2020

Nguồn ITN 

Tăng cường kết nối cung - cầu

Thực tế hiện nay, có tới 30% doanh nghiệp phải tự đào tạo lao động tại chính doanh nghiệp. Với người lao động, vì thiếu thông tin về thị trường lao động nên phần lớn rất khó để có thể kết nối, nâng cao kỹ năng nghề để tìm kiếm một công việc phù hợp.

Trước thực trạng thất nghiệp gia tăng, chia sẻ về giải pháp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Bộ đã đề nghị Chính phủ sửa đổi, giảm bớt một số điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận gói vay trả lương ngừng việc 16.000 tỷ đồng. Trong đó, đề xuất hỗ trợ thêm doanh nghiệp bị giải thể, phá sản trả trợ cấp thôi việc cho người lao động và hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với người lao động, trong đó ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số, lao động không có quan hệ lao động ở khu vực nông thôn, lao động phi chính thức ở khu vực thành thị.

Với đề xuất này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ hướng tới hỗ trợ khoảng 350.000 lao động với mức vay bình quân 30 triệu đồng/lao động và 20.000 cơ sở sản xuất kinh doanh (mức vay bình quân 500 triệu đồng/cơ sở). Giải pháp trên được các chuyên gia, doanh nghiệp và người lao động đánh giá cao và đón nhận. Tuy nhiên theo các chuyên gia, giải pháp bền vững vẫn là tạo việc làm cho người lao động.

Chia sẻ về giải pháp hạn chế thực trạng thất nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, cần phải chuẩn hóa thông tin về thị trường lao động qua một hệ thống công để mọi cá thể trong thị trường lao động (người lao động; doanh nghiệp; cơ sở đào tạo; công ty môi giới giới thiệu việc làm) có thể căn cứ vào đó để cập nhật thông tin. Từ thông tin đó, mọi cá thể tham gia thị trường lao động phải tự soi vào đó để điều chỉnh cho cung - cầu gặp nhau.

Như vậy, vấn đề quan trọng là cần tăng cường việc cập nhật thông tin qua việc khai báo về dữ liệu lao động. Thông qua các phần mềm chúng ta có thể yêu cầu lao động khai báo, cập nhật dữ liệu lên hệ thống online từ đó tạo ra kho dữ liệu online. Tiếp đó, bộ phận xử lý dữ liệu sẽ phân tích để đưa ra dự báo, nhu cầu về cung - cầu lao động. Từ hệ thống thông tin dữ liệu thị trường lao động đó, Nhà nước có thể qua đó để sử dụng tốt hơn thông tin để hoạch định, định hướng chính sách trong quản lý và phát triển thị trường lao động”.

Trên thực tế, dù Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Tổng cục Thống kê... và nhiều đơn vị đã tham gia vào việc xây dựng thông tin về thị trường lao động. Tuy nhiên, lượng thông tin còn ít, chưa đa dạng, thiếu tính kết nối, mới thiên về công bố thực trạng, số liệu, phân tích số liệu mà chưa đưa ra được những dự báo về xu hướng việc làm, hay tạo tính kết nối giữa các đơn vị đào tạo với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo với thị trường lao động.

Thái Yến