Chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại theo đơn kháng cáo của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Cầu đường Hà Nội
TAND TP Hà Nội vừa có quyết định đưa vụ án kinh doanh thương mại về việc "Tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh" giữa Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Cầu đường Hà Nội và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Dân dụng Hà Nội ra xét xử.
Theo đó, TAND TP Hà Nội vừa có Quyết định số: 389/2025/QĐXX-PTKT đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 25/2025/KDTM - PT ngày 20/01/2025 về việc “Tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh" giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Dân dụng Hà Nội (Địa chỉ: Số 292 ngõ Văn Chương, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Tiến Điệp - Giám đốc) với bị đơn là Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Cầu đường Hà Nội (Địa chỉ: Số 39 Hàm Tử Quan, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: Ông Phan Thanh Cảnh - Giám đốc).


Vụ án được xét xử công khai với thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa là bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh cùng các thẩm phán gồm:Bà Lê Thúy Linh và bà Phạm Thị Mai.
Thẩm phán dự khuyết: Ông Nguyễn Thái Sơn, ông Xuân Tuấn, ông Hoàng Chí Nguyện, ông Nguyễn Tuấn Vũ, ông Nguyễn Đức Lập, ông Bùi Đức Bằng, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, bà Mai Vân Anh, bà Nguyễn Thị Kiều Trang, bà Trần Thị Thanh Thảo, bà Ngô Tuyết Băng, bà Dương Tuyết Mai, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, bà Vũ Thị Thu Thủy, bà Lê Thị Hải Yến, bà Nguyễn Thị Hạnh, bà Nguyễn Thị Phương Thuỷ
Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham dự phiên tòa là bà Nguyễn Thị Hoa. Kiểm sát viên dự khuyết là Bà Phạm Thị Liên, bà Đinh Thị Tuyết Mai.
Bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm như thế nào?
Sau khi kết thúc phiên toà sơ thẩm, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Cầu Đường Hà Nội đã có Đơn Kháng cáo. Báo Đại biểu Nhân dân trích dẫn toàn bộ đơn kháng cáo trên:
Theo đó, Công ty kháng cáo toàn bộ bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 46/2024/KDTM-ST ngày 06/11/2024 về việc Tranh chấp Hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm.
Lý do của việc kháng cáo được Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Cầu Đường Hà Nội nêu rõ:
"I. Về nguồn gốc đất xây dựng dự án chung cư E4: Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Cầu Đường Hà Nội (viết tắt là Công ty Cầu Đường) nguyên là Công ty Công trình giao thông 4 và được Sở Địa chính - UBND thành phố Hà Nội cho thuê ô đất có diện tích 15.000m2 thuộc xã Yên Hòa, huyện Từ Liêm, Hà Nội, thời hạn thuê là 20 năm tính từ ngày 01/01/1996 (Theo Hợp đồng thuê đất số 144-24598/ĐC-HĐTĐ ngày 17/7/1998).
Theo Quyết định số 4941/QĐ-UB ngày 10/8/2004 của UBND thành phố Hà Nội về việc thu hồi 257.669m2 đất tại phường Yên Hòa và Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội giao chính thức cho Công ty xây dựng Dân Dụng Hà Nội (Sở Xây dựng) để thực hiện dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Yên Hòa.
Do đó, ngày 08/12/2006 hai Công ty đã tiến hành ký kết bản Thỏa thuận nguyên tắc về việc hợp tác kinh doanh đầu tư xây dựng trên ô đất E4 tại Khu đô thị mới Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, ngày 24/4/2008 hai Công ty chính thức ký kết bản Hợp đồng số 126 về việc hợp tác kinh doanh đầu tư xây dựng dự án chung cư E4 tại ô đất trên.
Căn cứ Hợp đồng số 126 ngày 24/4/2008, ngày 08/5/2008 Bị đơn ký Biên bản bàn giao hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng đất Công ty Cầu Đường Hà Nội thuộc dự án đầu tư Khu đô thị mới Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho Nguyên đơn, tài liệu là Bản gốc Hợp đồng thuê đất số 144-24598/ĐC-HĐTĐ ngày 17/7/1998.
Tuy nhiên, tại bản án sơ thẩm, Nguyên đơn trình bày: “Năm 2004 Công ty Dân Dụng được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội giao khu đất có diện tích 257.699m2 đất tại phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy để xây dựngdự án Khu đô thị mới Yên Hòa theo Quyết định số 4941/QĐ-UB ngày 10/8/2004, trong tổng diện tích Ủy ban Nhân dân Thành phố giao cho Công ty Dân Dụng Hà Nội có Khu đất ký hiệu E4 với diện tích 9.065m2 đất để xây dựng nhà ở, Bị đơn trước đấy được UBND thành phố cho thuê 01 phần diện tích đất tại dự án E4. Đến năm 2004, UBND thành phố thu hồi diện tích đất của bị đơn được thuê để giao cho Nguyên đơn thực hiện dự án Khu đô thị Yên Hòa. Vì vậy, Công ty Dân Dụng và Công ty Cầu Đường xuất phát từ tình cảm quen biết nhau nên đã ký kết Hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh số 126 ngày 24/4/2008...”
Về nhận định của Bản án sơ thẩm: “Năm 2004 Công ty Dân Dụng được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội giao khu đất có diện tích 257.699m2 đất tại phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy để xây dựng dự án Khu đô thị mới Yên Hòa theo Quyết định số 4941/QĐ-UB ngày 10/8/2004. Ngày 24/4/2008, Nguyên đơn và Bị đơn đã thống nhất ký kết hợp đồng Hợp tác đầu tư xây dựng dự án phát triển nhà tại ô đất có ký hiệu E4 Khu đô thị Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội số 126...”
Theo Công ty chúng tôi, Tòa án sơ thẩm hoàn toàn nhận định theo nội dung trình bày của Nguyên đơn mà chưa đánh giá chính xác, đúng bản chất của nguồn gốc đất xây dựng dự án chung cư E4. Trên thực tế ngày 24/4/2008, khi hai Công ty ký kết Hợp đồng 126 về việc Hợp tác đầu tư xây dựng dự án chung cư E4 Yên Hòa thì Công ty chúng tôi vẫn đang là chủ sử dụng lô đất E4 Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
II. Nội dung chính của hợp đồng số 126 ngày 24/4/2008 và Phụ lục 01 kèm theo hợp đồng:
1. Mục đích của hợp đồng: Khai thác tiềm năng và lợi thế của hai bên tham gia hợp tác đầu tư trên nguyên tắc tôn trọng pháp luật, bình đẳng và cùng có lợi nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện cho dự án phát triển nhà tại ô đất có ký hiệu E4.
2. Tài chính để thực hiện đầu tư: Hai Công ty góp vốn theo tỷ lệ 50/50 và có thể sẽ sử dụng nguồn vốn vay.
Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng hợp pháp do Nguyên đơn chi trả cho Bị đơn đang sử dụng đất theo quy định được thỏa thuận là vốn góp đầu tư của Bị đơn để thực hiện dự án (trong trường hợp Bị đơn để lại chi phí này cho dự án).
Các khoản chi phí Nguyên đơn đã thực hiện: Tiền sử dụng đất, chi phí hoàn trả đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho dự án Yên Hòa theo diện tích ô đất E4 (được phân bổ theo xuất đầu tư HTKT cho ô đất), chi phí chuẩn bị đầu tư là vốn góp đầu tư của nguyên đơn để thực hiện dự án: “Những chi phí do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Dân dụng Hà Nội đã thực hiện đầu tư đến thời điểm xác định góp vốn của hai bên sẽ được bảo toàn tương ứng với lãi suất vay vốn tín dụng thương mại của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Giá trị này sẽ được hai bên thống nhất xác định theo từng giai đoạn cụ thể việc thực hiện đầu tư trước của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Dân dụng Hà Nội bằng phụ lục của hợp đồng này”). Mọi giao dịch tài chính của dự án được thông qua một tài khoản do hai bên đứng tên đồng Chủ tài khoản được mở riêng tại một ngân hàng do hai bên thống nhất thỏa thuận”.
Tại khoản 7.2. Nguyên tắc góp vốn Điều 7 Hợp đồng 126 đã quy định rõ: “Việc góp vốn của mỗi bên được thực hiện bằng việc chuyển vào một tài khoản được mở riêng tại một ngân hàng do hai bên thống nhất thỏa thuận”. Ngày 31/3/2015, hai bên đã thống nhất thỏa thuận mở tài khoản ngân hàng có nội dung tại khoản 2.1. Điều 2 Phụ lục số: 01/PLHĐ - E4YH về việc Lập phương án tổ chức quản lý tài chính dự án chung cư E4 của Hợp đồng 126. Như vậy, việc mở tài khoản ngân hàng để các bên thực hiện nghĩa vụ góp vốn được hai Công ty tính từ thời điểm ký kết phụ lục này (31/03/2015).
Tại gạch đầu dòng thứ 2 khoản 3.2. Điều 3 của phụ lục số 01 đã nêu rõ: “Hai bên thống nhất bằng văn bản việc góp vốn theo tỷ lệ mỗi bên 50% theo từng đợt căn cứ vào tiến độ thi công cụ thể và tiền vốn góp của các bên phải được chuyển vào tài khoản chung của hai bên. Nếu hết thời gian quy định góp vốn, các bên không góp vốn hoặc góp không đủ theo cam kết thì thực hiện quy định tại điểm 3.1 điều 3 của hợp đồng này”.
Do vậy thời điểm 2 Công ty bắt đầu thực hiện nghĩa vụ góp vốn phải được tính từ thời điểm ký kết phụ lục này (31/03/2015) và 2 Công ty mở tài khoản chung.
Tại khoản 3.3 Điều 3 Phụ lục 01 của Hợp đồng số 126 Hai bên cùng nhau đối chiếu và xác nhận các khoản chi phí đã chi ra tính đến thời điểm ký kết hợp đồng này gồm: Nguyên đơn 60.920.900.576 đồng, Bị đơn 3.272.173.200 đồng; Khoản 3.4 đã xác nhận vốn góp của các bên tại thời điểm ký Phụ lục này: Số vốn góp do nguyên đơn đã góp để đầu tư dự án chung cư E4 Khu đô thị mới Yên Hòa là 60.920.900.576 đồng, Số vốn góp do bị đơn đã góp để đầu tư dự án chung cư E4 Khu đô thị mới Yên Hòa là 3.272.173.200 đồng; Tại khoản 4.2 Điều 4 hai bên đã thống nhất: Hai bên thống nhất số tiền chênh lệch vốn đã góp vào dự án của Nguyên đơn là: 57.648.727.376 đồng sẽ được tính chi phí lãi vay và phân bổ vào dự án liên danh theo lãi suất tiền vay bình quân do ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm phát sinh thanh toán thực tế và sẽ được tính cụ thể ở các phụ lục kế tiếp. Khi dự án có nguồn thu chi phí lãi vay đó sẽ được thanh toán trả cho Nguyên đơn bằng chuyển khoản từ tài khoản chung của hai bên liên danh.
3. Trong Hợp đồng 126 hai Công ty chúng tôi đã thống nhất phân chia lợi nhuận, rủi ro và phân chia sản phẩm đầu tư như sau:
3.1. Về phân chia lợi nhuận, rủi ro: Căn cứ phương pháp xác định kết quả kinh doanh, hai bên thỏa thuận việc phân chia lợi nhuận hoặc rủi ro thông qua việc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh theo tỷ lệ: 50/50.
3.2. Về Phân chia thực hiện các hạng mục công trình xây lắp thuộc dự án: Hai bên thỏa thuận tự thực hiện không thông qua đấu thầu do vậy Công ty nào được nhận hạng mục công trình xây dựng nào thì đương nhiên là Công ty ấy được thi công hạng mục công trình xây dựng đấy mà không phải thông qua đấu thầu mới trúng thầu thi công. Chính vì vậy các bên đã thống nhất mỗi Cty được thi công xây dựng 50% các hạng mục công trình thuộc dự án Chung cư E4. Trong trường hợp đơn vị nào được thi công xây lắp vượt 50% khối lượng thì Căn cứ vào giá trị quyết toán từng công trình xây dựng buộc phải có trách nhiệm trích một phần lợi nhuận định mức trước thuế cho giá trị khối lượng vượt 50% cho bên thực hiện khối lượng thấp hơn.
3.3 Đối với diện tích dịch vụ sở hữu riêng (chính là diện tích các tầng dịch vụ của 3 tòa chung cư và toàn bộ tầng hầm): Mỗi Công ty được quyền sở hữu theo tỷ lệ diện tích của chính Công ty mìnhđầu tư theo tỷ lệ là: 50/50.
4. Tổ chức quản lý thực hiện:
Nguyên đơn là Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện các vấn đề có liên quan đến dự án theo quy định của pháp luật. Việc mở sổ kế toán, ghi chép các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh, hóa đơn chứng từ kế toán đầu vào, các tài liệu khác về tài chính có liên quan đến dự án chung cư E4 được thực hiện tại Công ty Dân dụng.
Bị đơn là Đối tác hợp tác đầu tư, chịu trách nhiệm chính trong công tác thực hiện giải phóng mặt bằng trên cơ sở phối hợp với Nguyên đơn. Chúng tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trong công tác bảo vệ khu đất và tài sản trên đất thuộc phạm vi Lô đất E4 và phải thường xuyên bố trí lực lượng bảo vệ làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực này và cùng tham gia thực hiện giải pháp về quảng cáo, tiếp thị để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
III. Về Quá trình thực hiện nghĩa vụ góp vốn giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của dự án Chung cư E4 với tổng số tiền là: 116.193.073.776 đồng (số liệu theo đơn sửa đổi, bổ sung của Nguyên đơn) đã có đủ tài liệu, chứng cứchứng minh như sau:
Tại khoản 4.3 điều 4 Phụ lục số 01 thể hiện rõ: Trong quá trình thực hiện dự án E4 các bên thống nhất bổ sung bằng văn bản hoặc các phụ lục kế tiếp. Thực tế, ngày 15/9/2016 hai Công ty đã ký văn bản tính chi phí lãi vay với lãi suất là: 6,5%/năm, tính cụ thể hóa tiền lãi của số tiền chênh lệch góp vốn: 57.648.727.376 đồng theo phụ lục 01 nói trên và được tính lãi theo đúng thời điểm xác định góp vốn, tức là tính lãi vay đúng từ ngày 31/3/2015 và mỗi bên phải chịu trách nhiệm trả lãi là 50% và thực hiện góp vốn theo 4 Biên bản góp vốn gồm 4 đợt với tổng số tiền cần góp là: 48.000.000.000 đồng (số liệu theo đơn sửa đổi, bổ sung của Nguyên đơn) và 4 tỷ Bị đơn chuyển tiền vốn góp.
Hai Công ty đã căn cứ vào Hợp đồng số 126, căn cứ Phụ lục Hợp đồng số 01, căn cứ các Biên bản góp vốn đến thời điểm lập bảng tính được ký kết, căn cứ phát sinh giao dịch của tài khoản ngân hàng 999997869998 mở tại ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - là tài khoản đồng chủ sở hữu của Nguyên đơn và Bị đơn để tính lãi vay theo tỷ suất tính lãi vay áp dụng mức 6,5 %/năm. Chi phí lãi vay của liên doanh (gồm Nguyên đơn và Bị đơn) được thống nhất phân bổ cho Nguyên đơn và Bị đơn theo tỷ lệ 50/50.
Trong Bảng chi phí lãi vay hoạt động hợp tác liên danh ngày 15/9/2016 có ghi tại số thứ tự 1. Cấp vốn đến hết ngày 31/03/2015 (Theo PLHĐ 01) số tiền đã cấp: 57.648.727.376 đồng, Lãi vay: 4.729.937.868 đồng. Như vậy có đầy đủ căn cứ khẳng định trong giai đoạn 1 cả hai Công ty chúng tôi đều thực hiện theo đúng thỏa thuận góp vốn mỗi bên là 50/50. Nguyên đơn cho Liên danh vay số tiền góp vốn giai đoạn 1 với lãi suất là: 6,5%/năm và mỗi bên phải chịu trách nhiệm trả lãi là 50%.
Về việc góp vốn giai đoạn 2, trong Bảng chi tiết tính lãi vay hoạt động hợp tác liên danh đến ngày 31/7/2016 đã ghi rõ về việc thực hiện góp vốn của Nguyên đơn và Bị đơn theo 4 Biên bản góp vốn cụ thể như sau:
* Góp vốn theo Biên bản góp vốn đợt 1 ngày 05/05/2015: 20 tỷ đồng
Ngày 13/5/2015 Nguyên đơn góp theo Biên bản góp vốn đợt 1 số tiền: 5.897.000.000 đồng, lãi vay: 473.807.569 đồng;
Ngày 21/5/2015 Bị đơn góp theo Biên bản góp vốn đợt 1 lần 1 số tiền: 5.000.000.000 đồng, lãi vay: 394.513.889 đồng;
Ngày 03/6/2015 Bị đơn góp theo Biên bản góp vốn đợt 1 lần 2 số tiền: 5.000.000.000 đồng, lãi vay: 382.777.778 đồng.
Như vậy, theo Biên bản góp vốn đợt 1 thì Nguyên đơn góp: 5.897.000.000 /10.000.000.000 đồng, đạt tỷ lệ: 58,97% (Nguyên đơn góp thiếu số tiền cam kết góp vốn đợt 1 là: 4.103.000.000 đồng) và Bị đơn chúng tôi góp 10.000.000.000/10.000.000.000 đồng, đạt tỷ lệ: 100%
* Góp vốn theo Biên bản góp vốn đợt 2 ngày 11/06/2015: 15 tỷ đồng
Ngày 10/7/2015 Nguyên đơn góp theo Biên bản góp vốn đợt 2 số tiền: 7.500.000.000 đồng, lãi vay: 524.062.500 đồng;
Ngày 14/7/2015 Bị đơn góp theo Biên bản góp vốn đợt 2 lần 1 số tiền: 3.500.000.000 đồng, lãi vay: 242.034.722 đồng;
Ngày 20/11/2015 Bị đơn góp theo Biên bản góp vốn đợt 2 lần 2 số tiền: 4.000.000.000 đồng, lãi vay: 183.444.444 đồng.
Như vậy, theo Biên bản góp vốn đợt 2 thì Nguyên đơn góp: 7.500.000.000 /7.500.000.000 đồng, đạt tỷ lệ: 100% và Bị đơn chúng tôi góp 7.500.000.000 /7.500.000.000 đồng, đạt tỷ lệ: 100%.
* Góp vốn theo Biên bản góp vốn đợt 3 ngày 19/11/2015: 10 tỷ đồng
Ngày 20/11/2015 Nguyên đơn góp theo Biên bản góp vốn đợt 3 số tiền: 5.000.000.000 đồng, lãi vay: 229.305.556 đồng;
Ngày 20/11/2015 Bị đơn góp theo Biên bản góp vốn đợt 3 lần 1 số tiền: 4.000.000.000 đồng, lãi vay: 183.444.444 đồng;
Ngày 18/12/2015 Bị đơn góp theo Biên bản góp vốn đợt 3 lần 2 số tiền: 1.000.000.000 đồng, lãi vay: 40.805.556 đồng.
Như vậy, theo Biên bản góp vốn đợt 3 thì Nguyên đơn góp: 5.000.000.000 /5.000.000.000 đồng, đạt tỷ lệ: 100% và Bị đơn chúng tôi góp 5.000.000.000 /5.000.000.000 đồng, đạt tỷ lệ: 100%
* Góp vốn theo Biên bản góp vốn đợt 4 ngày 02/02/2016: 10 tỷ đồng
Ngày 03/02/2016 Nguyên đơn góp theo Biên bản góp vốn đợt 4 số tiền: 3.000.000.000 đồng, lãi vay: 96.958.333 đồng;
Ngày 02/12/2015 Bị đơn góp theo Biên bản góp vốn đợt 4 số tiền: 4.000.000.000 đồng theo Ủy nhiệm chi ngày 02/12/2015 (Số tiền này đã được Nguyên đơn công nhận tại trang 3 trong Văn bản giải trình ngày 06/9/2024).
Như vậy, theo Biên bản góp vốn đợt 4 thì Nguyên đơn góp: 3.000.000.000 /5.000.000.000 đồng, đạt tỷ lệ: 60% (Nguyên đơn góp thiếu số tiền cam kết góp vốn đợt 4 là: 2.000.000.000 đồng) và Bị đơn chúng tôi góp 4.000.000.000/5.000.000.000 đồng, đạt tỷ lệ: 80%.
* Tổng cộng số tiền hai bên đã thực hiện việc góp vốn theo Giai đoạn 2
Nguyên đơn góp: 21.397.000.000 đồng
Bị đơn góp: 26.500.000.000 đồng
Tổng cộng số tiền thực tế hai bên góp vốn ở giai đoạn 2 là: 21.397.000.000 đồng + 26.500.000.000 đồng = 47.897.000.000 đồng.
Cụ thể số tiền cần góp ở giai đoạn 2 trong 4 Biên bản góp vốn được 2 Công ty ký kết vào các ngày 05/5/2015, 11/6/2015, 19/11/2015 và 02/02/2016. Nguyên đơn cho Liên danh vay số tiền góp vốn giai đoạn 2 với lãi suất là: 6,5%/năm và mỗi bên phải chịu trách nhiệm trả lãi là 50% nghĩa là Nguyên đơn cho chính Nguyên đơn vay hay nói cách khác tiền Nguyên đơn góp vốn cũng được tính trả lãi suất 6,5%/năm giống như tiền Nguyên đơn gửi tiết kiệm Ngân hàng và Nguyên đơn cho Bị đơn vay và Bị đơn cũng phải trả Nguyên đơn với tiền lãi vay là: 6,5%/năm. Sự thật này cũng đã được chứng minh rất rõ ràng trong văn bản tính chi phí lãi vay ngày 15/9/2016 với lãi suất là: 6,5%/năm do đại diện theo pháp luật của 2 Công ty ký tên và đóng dấu.
Riêng khoản tiền lãi vay mà Nguyên đơn được hưởng do Nguyên đơn cho Liên danh vay tiền để Nguyên đơn và Bị đơn cùng góp vốn thực hiện dự án xây dựng chung cư E4 là: 43.530.162.702 đồng như chúng tôi đã nộp tại phiên tòa Bản gốc Vi bằng số 1703/2024/VB-TPLHBT ngày 14/10/2024. Đây là số tiền thuộc doanh thu hoạt động tài chính của Nguyên đơn. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy trong các Báo cáo tài chính của Nguyên đơn công khai trên sàn chứng khoán từ năm 2019 cho đến nay thì toàn bộ số tiền lãi trên không được ghi nhận và phản ánh.
Tại phiên tòa Bị đơn đã đề nghị Hội đồng xét xử, Đại diện VKS làm sáng rõ số tiền lãi vay này đang được ghi chép, theo dõi ở đâu nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hai Doanh nghiệp cũng như cổ đông của hai Công ty chúng tôi.
Tại thời điểm Nguyên đơn cho Liên danh vay tiền để Nguyên đơn và Bị đơn cùng góp vốn thực hiện dự án xây dựng chung cư E4 thì bản thân bên Nguyên đơn vẫn còn có nguồn tiền mặt gửi Ngân hàng rất lớn, tôi xin nêu đơn cử để chứng minh như sau: tính đến ngày 01/01/2015 số tiền mặt gửi tiết kiệm là: 52.589.412.428 đồng và đến ngày 31/12/2015 số tiền mặt gửi tiết kiệm lên tới 171.754.603.952 đồng.
Nói tóm lại: Nguyên đơn đóng vai trò như một tổ chức tín dụng cho 2 Công ty vay 100% vốn kể từ thời điểm xác định góp vốn để thực hiện việc góp vốn giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Dự án Chung cư E4. Tổng số tiền vốn góp giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của dự án Chung cư E4 Nguyên đơn xác định trong đơn khởi kiện sửa đổi, bổ sung và rút một phần yêu cầu khởi kiện chúng tôi là: 116.193.073.776 đồng thì sau khi thu được tiền bán căn hộ tính đến ngày 01/3/2017 Liên danh gồm 2 Công ty cũng đã trả hết toàn bộ tổng số tiền vốn góp 2 giai đoạn: 116.193.073.776 đồng này cho Nguyên đơn (điều này được ghi nhận chi tiết, rõ ràng tại các Bảng chi tiết tính lãi vay hoạt động hợp tác liên danh mà chúng tôi đã nộp cho Tòa).
Đồng thời, toàn bộ chi phí lãi vay mà Nguyên đơn được hưởng là: 43.530.162.702 đồng cũng đã được Liên danh gồm 2 Công ty trả hết cho Nguyên đơn đã được ghi nhận rõ tại Bảng quyết toán, xác định kết quả kinh doanh, phân chia lợi nhuận dự án chung cư E4 Yên Hòa (thay thế bảng xác định kết quả kinh doanh nhà E4 được đính kèm Biên bản làm việc ngày 07/1/2019) do chính bên Nguyên đơn lập theo tài liệu, chứng cứ là “Vi bằng số: 1703/2024/VB-TPLHBT ngày 14/10/2024”, Nguyên đơn đã xác định giá trị quyết toán tại thời điểm tháng 11/2023 thì Tổng giá thành toàn dự án: 952.389.571.508 đồng đã bao gồm toàn bộ chi phí lãi vay là: 43.530.162.702 đồng và thực tế Tổng doanh thu bán căn hộ của dự án đều do Nguyên đơn quản lý.
Do vậy, mới có việc tiền góp vốn của chúng tôi: 5,75 tỷ đồng chuyển vào tài khoản Nguyên đơn khi quyết toán hợp đồng ngày 07/01/2019 thì Nguyên đơn đã phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho chúng tôi.
Tại phiên tòa, Người đại diện theo ủy quyền của chúng tôi đã trình bày cụ thể quá trình thực hiện nghĩa vụ góp vốn của Bị đơn và đã viện dẫn đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan cũng như đã căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để khẳng định Bị đơn không vi phạm nghĩa vụ góp vốn và tiếp tục đề nghị Tòa án xem xét đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật (tại trang 24, 25, 26 của Bản án cũng đã phản ánh trình bày này). Người đại diện theo ủy quyền của chúng tôi cũng đã nêu rõ trước Tòa: “Nguyên đơn được coi như là một tổ chức tín dụng cho Liên danh vay vốn và đã được hoàn trả cả gốc và lãi thể hiện qua Bảng tính chi tiết lãi vay” (trích trong trang 35 của Bản án sơ thẩm). Cũng tại phiên tòa này, Người đại diện theo ủy quyền của chúng tôi đã trình bày: “Căn cứ Bảng tổng hợp số liệu quyết toán công trình E4 Yên Hòa tại mục VIII chi phí lãi vay là: 43.530.162.792 đồng là số tiền lãi mà nguyên đơn đã nhận được từ dự án E4 nhưng lại không được thể hiện trong các Báo cáo tài chính của Công ty Dân dụng (theo tài liệu, chứng cứ “Vi bằng số: 1703/2024/VB-TPLHBT ngày 14/10/2024” mà bị đơn giao nộp cho Tòa)” (trích trong trang 37 của Bản án sơ thẩm). Tuy nhiên, tại trang 49 của bản án lại ngang nhiên nhận định: “Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của Bị đơn cũng thừa nhận Công ty Cầu đường góp vốn vào dự án số tiền 7.272.173.200 đồng, ngoài ra không có tài liệu nào chứng minh bị đơn góp vốn bằng tiền đi vay và đã trả lãi vay cho khoản tiền đó”. Theo quan điểm của chúng tôi, toàn bộ nhận định này của Hội đồng xét xử là không có căn cứ pháp luật và hoàn toàn không đúng sự thật đối với lời trình bày của Người đại diện theo ủy quyền của Bị đơn trước Tòa vậy mà vẫn được lấy làm một trong những căn cứ để xác định: Tổng giá trị vốn góp và tỷ lệ góp vốn của các bên theo nội dung khởi kiện của Nguyên đơn là có căn cứ.
IV. Về thời hiệu khởi kiện
Nhận định của Bản án sơ thẩm: “Trong các năm từ 2019 đến năm 2023, các bên liên tục có các Công văn trao đổi, yêu cầu bên còn lại thực hiện nghĩa vụ về việc hoàn thành vốn góp cam kết và phân chia lợi nhuận. Ngày 24/10/2023, hai bên có Biên bản làm việc về nội dung liên quan đến phân chia lợi nhuận và quyết toán dự án. Tại Biên bản làm việc nêu trên, Công ty Dân dụng và Công ty Cầu đường đều xác định nghĩa vụ của mình trong việc quyết toán dự án, hoàn trả tiền phát sinh nếu có...” (Mục 1.3 tại trang 42 của Bản án sơ thẩm).
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian trước thời điểm ngày 24/10/2023, giữa 02 Công ty không có bất kỳ sự trao đổi liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ vốn góp (Nguyên đơn cũng đã trình bày tại phiên tòa sự thật này). Mặt khác, tại Biên bản làm việc ngày 24/10/2023, Nguyên đơn và Bị đơn chỉ xem xét nội dung đề nghị của Bị đơn theo Giấy đề nghị thanh toán ngày 18/9/2023, trong Giấy đề nghị thanh toán trên đã nêu rõ, gần 04 năm Bị đơn vì quá tin tưởng về ý kiến của Nguyên đơn nên đã không hề hay biết Bị đơn được phân chia lợi nhuận... thông qua 04 bản báo cáo tài chính của Nguyên đơn đăng công khai trên sàn chứng khoán thì Bị đơn mới phát hiện số tiền được chia lợi nhuận theo Khoản 2.3 Điều 2 Hợp đồng số 126 lên tới 30.455.708.538 đồng, Bị đơn yêu cầu Nguyên đơn trả ngay số tiền trên.
Tại Biên bản làm việc ngày 24/10/2023, Nguyên đơn và Bị đơn đã đi đến thống nhất các nội dung: Nguyên đơn tạm phân chia bằng tiền 01 phần lợi nhuận của dự án E4 cho Bị đơn với số tiền 30.455.708.538 đồng, hoàn thành trước ngày 31/12/2023; Hai bên khẩn trương tiến hành công tác kiểm tra, rà soát hồ sơ quyết toán dự án, phân chia lợi nhuận; Khi có biên bản chính thức về việc quyết toán hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh của dự án, Nguyên đơn và Bị đơn sẽ dùng nguồn vốn của mình để thực hiện nghĩa vụ đầu tư đối với tài sản giữ lại (nếu phát sinh nghĩa vụ phải trả).
Tại Bảng quyết toán, xác định kết quả kinh doanh, phân chia lợi nhuận dự án chung cư E4 Yên Hòa (thay thế bảng xác định kết quả kinh doanh nhà E4 được đính kèm Biên bản làm việc ngày 07/1/2019) chính Nguyên đơn xác định: giá trị quyết toán dự án tại thời điểm tháng 11/2023 đã không có bất kể hạng mục nào phản ánh liên quan đến nghĩa vụ thực hiện góp vốn của Bị đơn (theo tài liệu, chứng cứ “Vi bằng số: 1703/2024/VB-TPLHBT ngày 14/10/2024).
Dự án nhà ở cao tầng E4 Yên Hòa đã được Kiểm toán nhà nước xác định kết quả kinh doanh tại phụ lục số 07/BBKT-DN đính kèm Biên bản kiểm toán nhà nước ngày 03/7/2020 của Kiểm toán nhà nước và kết quả này đã được bên Nguyên đơn Thuyết minh về số liệu điều chỉnh năm 2019 ảnh hưởng đến Bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2019 và ảnh hưởng đến Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2019 được ghi nhận cụ thể tại trang 31 Báo cáo tài chính của bên Nguyên đơn đăng trên sàn Chứng khoán cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2020.
Từ ngày 12/4/2024 đến ngày 28/5/2024, Bị đơn chúng tôi có 06 văn bản đề nghị Toà án xem xét đình chỉ vụ án do hết thời hiệu khởi kiện theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của Bị đơn nhưng bà Thẩm phán Nguyễn Thị Hiền Hòa đã bác bỏ toàn bộ các đề nghị chính đáng và có căn cứ của chúng tôi. Quá trình xét xử, chúng tôi tiếp tục đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện để đình chỉ vụ án tuy nhiên Hội đồng xét xửkhông chấp nhận và tại Bản án sơ thẩm lại tiếp tục nhận định áp dụng Điểm a Khoản 1 điều 157 BLDS về việc bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện tính từ thời điểm ngày 24/10/2023 là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật.
Mặt khác, Bản án sơ thẩm nhận định về khoản tiền 30.455.708.538 đồng theo biên bản làm việc là lợi nhuận tạm tính trên sổ sách giấy tờ tính đến ngày 24/10/2023 là hoàn toàn không đúng với nội dung được phản ánh trong Biên bản làm việc ngày 24/10/2023 và trong các Báo cáo tài chính của Nguyên đơnđăng công khai trên sàn chứng khoán.
Tại mục 1.4 tại Trang 43 Bản án sơ thẩm xác định quá trình giải quyết vụ án Bị đơn có nhiều đơn yêu cầu, đơn đề nghị, đơn tố giác khẩn cấp gửi tòa án cũng như các cơ quan có thẩm quyền trong đó có nội dung về việc tòa án đình chỉ, trả lại đơn khởi kiện do nguyên đơn không đủ điều kiện khởi kiện theo Điểm a Khoản 1 Điều 192 của Bộ Luật dân sự năm 2015.
Về vấn đề này thì các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã thể hiện rõ Bị đơn chúng tôi đã có 04 văn bản đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án dân sự từ ngày 17/7/2024 đến ngày 26/8/2024 với căn cứ trong các Báo cáo tài chính của Nguyên đơn từ năm 2019 cho đến nay thì Công ty chúng tôi không nợ Nguyên đơn bất kể một đồng tiền nào được quy định tại điểm d khoản 10 Chuẩn mực kế toán số 24: Tiền thu hồi cho vay liên quan đến vốn góp mà chỉ có duy nhất một khoản nợ: 1.549.000.000 đồng là số tiền Nguyên đơn chuyển tiền thừa cho chúng tôi về chi trả cho công tác GPMB lô đất E4 và chúng tôi đã thanh toán trả lại Nguyên đơn vào ngày 07/12/2023.
Trong Báo cáo tài chính mà Nguyên đơn đăng công khai trên sàn chứng khoán trong 05 năm qua cũng đã cho thấy Nguyên đơn luôn là bên nợ tiền Bị đơn được thể hiện như sau: năm 2019 Nguyên đơn nợ chúng tôi: 4.201.000.000 đồng; năm 2020 Nguyên đơn nợ chúng tôi: 30.455.708.538 đồng; năm 2021 Nguyên đơn nợ chúng tôi: 30.455.708.538 đồng; năm 2022 Nguyên đơn nợ chúng tôi: 30.455.708.538 đồng; năm 2023 cho đến nay Nguyên đơn nợ chúng tôi: hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiện trên thực tế lại đã xảy ra việc Bên nợ (Nguyên đơn) khởi kiện Bên chủ nợ (Bị đơn) mà vẫn được Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm xem xét, giải quyết và xét xử kéo dài suốt 10 tháng qua.
Các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã có đầy đủ căn cứ để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn không bị xâm phạm trong vụ án này. Như vậy thì Nguyên đơn không có quyền khởi kiện theo điều 186 và thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192. Trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện theo quy định của BLTTDS. Đồng thờiHội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đã quy định cụ thể tại khoản a điều 1 của nghị quyết như sau: “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân không có quyền khởi kiện theo quy định tại điều 186, 187 của BLTTDS nếu kiện không nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Mặt khác, tại điểm g khoản 1 điều 217 của BLTTDS về Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đã quy định rõ: Đình chỉ vụ án trong trường hợp quy định tại khoản 1 điều 192 mà Tòa án đã thụ lý. Tại phiên tòa sơ thẩm chúng tôi tiếp tục đề nghị Đình chỉ vụ án nhưng không được Toà án chấp nhận.
V. Về việc phân chia lợi nhuận giữa hai Công ty
Tại các trang 52, 53, 54, 55 của Bản án, Tòa án nhận định: Đến nay, do Bị đơn không bổ sung phần vốn góp theo đúng thỏa thuận. Do đó, Bị đơn không được tiếp tục hưởng lợi nhuận theo hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà số 126 mà cần phân chia lại theo đúng thỏa thuận tại điều 3 của Phụ lục số 01 để xác định lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ góp vốn của các bên. Những phần diện tích sàn thương mại, lốt đỗ xe ô tô tại tầng hầm mà bị đơn đã và đang khai thác sử dụng vượt quá tỉ lệ của mình thì sẽ phải trả lại cho nguyên đơn. Từ đó, có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn về việc phân chia lại tỉ lệ lợi nhuận của các bên và buộc bị đơn hoàn trả lại phần diện tích sàn thương mại, lốt đỗ xe ô tô vượt quá tỷ lệ lợi nhuận mà bị đơn được hưởng, phân chia lợi nhuận theo tỉ lệ vốn góp: Nguyên đơn 93,74% và Bị đơn 6,26%.
Về nội dung này, chúng tôi khẳng định trên thực tế Nguyên đơn chưa có bất kỳ văn bản nào yêu cầu chúng tôi bổ sung phần vốn góp và chúng tôi khẳng định Tòa án sơ thẩm đã nhận định và quyết định phân chia lại tài sản phần diện tích sàn thương mại, lốt đỗ xe ô tô là hoàn toàn không có căn cứ theo quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Bị đơn. Chúng tôi xin viện dẫn như sau:
Tại Bảng quyết toán, xác định kết quả kinh doanh, phân chia lợi nhuận dự án chung cư E4 Yên Hòa (thay thế bảng xác định kết quả kinh doanh nhà E4 được đính kèm Biên bản làm việc ngày 07/1/2019) Nguyên đơn xác định giá trị quyết toán tại thời điểm tháng 11/2023 không có bất kể hạng mục nào phản ánh liên quan nghĩa vụ thực hiện góp vốn của Bị đơn (theo tài liệu, chứng cứ “Vi bằng số: 1703/2024/VB-TPLHBT ngày 14/10/2024”).
Tại mục 7 Lợi nhuận sau thuế hoạt động bán nhà được Nguyên đơn xác định là 126.177.846.548 đồng, tại mục 5 xác định tổng giá trị m2 tài sản giữ lại là 186.268.245.893 đồng, như vậy lợi nhuận sau thuế của dự án hoàn toàn độc lập với tài sản giữ lại theo đúng thỏa thuận của Nguyên đơn và Bị đơn tại Hợp đồng 126, Phụ lục 01 và quy định của pháp luật về lĩnh vực kế toán. Lợi nhuận là lợi nhuận và tài sản giữ lại là tài sản giữ lại.
Tuy nhiên tại phiên tòa, HĐXX chỉ nêu ra về giá trị tài sản giữ lại và ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự về xác định giá trị tài sản giữ lại theo Phụ lục số 07 của Kiểm toán nhà nước là: 157.814.117.050 đồng nhưng lại không đề cập đến giá trị lợi nhuận sau thuế của dự án. Theo xác định của Kiểm toán nhà nước thì lợi nhuận sau thuế của dự án lên tới 173.812.663.809 đồng trong khi Bảng quyết toán, xác định kết quả kinh doanh, phân chia lợi nhuận dự án chung cư E4 Yên Hòa xác định giá trị quyết toán tại thời điểm tháng 11/2023thì nguyên đơn xác nhận lợi nhuận sau thuế là 126.177.846.548 đồng nhưng không được Tòa án xem xét.
Căn cứ Khoản 3.1 Điều 3 của Phụ lục 01 đã quy định rõ: “50% diện tích của dự án phục vụ mục tiêu hợp tác kinh doanh, hai bên thống nhất tỷ lệ góp vốn 50/50 theo giai đoạn. Trong thời gian không quá 45 ngày tính từ thời điểm hết hạn góp vốn được 02 bên thống nhất theo từng đợt, bên nào không thực hiện đúng cam kết sẽ bị giám tỷ lệ được hưởng lợi nhuận tương ứng cho bên có năng lực thực hiện góp số vốn đó”.
Như vậy đã có đầy đủ căn cứ, tài liệu chứng cứ để chứng minh việc Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định giao tài sản giữ lại của Bị đơn đang quản lý, khai thác và sử dụng (gồm: diện tích sàn dịch vụ thương mại Tòa CT3 và 50% diện tích tầng hầm tại dự án chung cư E4 Yên Hòa) cho Nguyên đơn theo tỷ lệ vốn góp mà Tòa án quyết định là 93,74% và đối với Bị đơn chúng tôi chỉ còn tài sản giữ lại theo tỷ lệ vốn góp là 6,26% là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật và trái với sự thỏa thuận của 02 Công ty chúng tôi được ghi nhận cụ thể tại Hợp đồng số 126 và Phụ lục 01; Biên bản bàn giao Về việc: Việc bàn giao để các bên tự hoàn thiện các tầng dịch vụ của dự án nhà cao tầng E4 ngày 28/11/2017; Biên bản bàn giao Về việc: Thống nhất phân chia diện tích, quản lý vận hành các lốt xe ô tô tại tầng hầm B1, B2 Tòa nhà chung cư E4 tại ô đất E4 Khu đô thị mới Yên Hòa ngày 28/11/2023; 02 chứng từ Nguyên đơn đã trả lợi nhuận bằng tiền cho Bị đơn chúng tôi và Biên bản làm việc ngày 24/10/2023.
VI. Về nhận định của Tòa án đối với khoản tiền 121.618.384.467 đồng
Bản án sơ thẩm đã nhận định: “Theo biểu mẫu của Báo cáo tài chính được kiểm toán thì đây là nội dung thuyết minh về vốn chủ sở hữu, không phải số liệu phản ánh chi trả lợi nhuận thực tế. Trên thuyết minh của báo cáo tài chính được kiểm toán của nguyên đơn có dòng ghi chỉ tiêu “chia lãi liên doanh tòa E2, E4 Yên Hòa” với số tiền 121.618.384.467 đồng. Cụ thể:
- Chia lãi liên doanh dự án chung cư E2 là 92.541.074.146 đồng.
- Chia lãi liên doanh dự án chung cư E4 là 29.077.310.321 đồng.
Đây là thuyết minh về lợi nhuận phải trả của dự án liên doanh không phải là số tiền đã chi trả”.
Theo nhận định của chúng tôi thì Bản án cấp sơ thẩm đã chưa xem xét khách quan toàn diện các vi bằng mà Bị đơn chúng tôi đã lập về báo cáo tài chính của Nguyên đơn trong các năm 2019, 2020, 2021,… và các văn bản mà chúng tôi nộp cho Tòa án đã cho thấy như sau: Toàn bộ số tiền lợi nhuận 121.618.384.467 đồng nói trên đã được Nguyên đơn chi ra khỏi Vốn chủ sở hữu của Nguyên đơn từ năm 2020. Dự án E2 là dự án xây dựng tòa nhà E2 Yên Hòa được nguyên đơn hợp tác với Công ty TNHH Đất Việt Nam, trong Báo cáo tài chính của Nguyên đơn đăng công khai trên sàn chứng khoán đã nêu rõ: Nguyên đơn đã phân chia lợi nhuận dự án E2 Yên Hòa cho Công ty TNHH Đất Việt Nam số tiền: 51.268.291.220 đồng.
Mặt khác, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã thể hiện rất rõ số tiền: 30.455.708.538 đồng mà bên Nguyên đơn chuyển sang nợ ngắn hạn và đã cam kết trả chúng tôi trước ngày 31/12/2023 chỉ là một phần lợi nhuận mà Công ty chúng tôi được hưởng.
VII. Những thiệt hại của Công ty chúng tôi:
Theo chúng tôi (Bị đơn) xác định: quá trình Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết và xét xử vụ án trong thời gian lên tới 10 tháng đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông Công ty chúng tôi nói riêng, của Doanh nghiệp chúng tôi nói chung, cụ thể như sau: Tính đến nay Công ty chúng tôi đã bị thiệt hại về nguồn tiền hàng tháng lên tới gần 30 tỷ đồng và thiệt hại về tiền lãi phát sinh mỗi tháng lên tới hơn 100 triệu đồng, ngoài ra chúng tôi còn thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng khi nhờ Nguyên đơn thu hộ tiền trông giữ các lốt xe ô tô tại ½ diện tích tầng hầm ...
Đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết những vấn đề:
- Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 217 của Bộ Luật dân sự.
- Xem xét hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của các cá nhân có liên quan và chuyển đến cơ quan điều tra để xác minh, điều tra theo thẩm quyền.
- Đề nghị Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xem xét những dấu hiệu vi phạm tố tụng trong quá trình thu thập chứng minh và chứng cứ không đúng theo quy định tại Chương VII Bộ Luật tố tụng dân sự cũng như chưa được thực hiện đầy đủ trong phiên tòa xét xử sơ thẩm do Thẩm phán Nguyễn Thị Hiền Hòa làm Chủ tọa phiên tòa".
Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc và cử tri cả nước.