Cần phân chia thành các dự án thành phần theo Luật Đầu tư công
Trong báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (Chương trình) trình Quốc hội, Chính phủ dự kiến thiết kế Chương trình gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết.
Theo đó, 10 nội dung thành phần của Chương trình được xác định gồm: Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình.
ĐBQH Trần Việt Anh (Hà Nội) cho rằng, việc thiết kế Chương trình theo các nội dung thành phần là "không thống nhất với hướng dẫn của Luật Đầu tư công" bởi theo Luật Đầu tư công thì phải thiết kế Chương trình theo các dự án và các tiểu dự án. Mặc dù có tiền lệ là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng được thiết kế theo các nội dung thành phần, nhưng đại biểu Trần Việt Anh cho rằng, nếu dự kiến Chương trình này theo nội dung thành phần thì cần phải cân nhắc, bởi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng hoàn toàn thiết kế theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, tức là các dự án và các tiểu dự án.
Dẫn quy định tại khoản 3, khoản 7 Điều 29 Luật Đầu tư công, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) lưu ý, một trong những nội dung chủ yếu của báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình theo phương thức đầu tư công là phải phân chia các dự án thành phần của chương trình theo quy định của pháp luật; dự kiến tổng mức vốn và cơ cấu nguồn lực thực hiện chương trình, bao gồm danh mục dự án… Song, Chương trình đang xây dựng theo các nhóm nội dung thành phần, chưa có danh mục dự án. Do vậy, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị Chính phủ cần thiết kế phân chia thành các dự án thành phần theo Luật Đầu tư công với phạm vi thực hiện trong cả nước.
Các ĐBQH Trần Việt Anh (Hà Nội), Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Tạ Văn Hạ (Quảng Nam)... cũng cho rằng, Chương trình cần được thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, xây dựng thành các dự án thành phần, trong đó quy định cụ thể mục tiêu, đối tượng, nội dung, cơ quan thực hiện, vốn và nguồn vốn, cơ quan chịu trách nhiệm, sản phẩm đầu ra của dự án. Đối với một số nhiệm vụ, giải pháp khó có thể thiết kế thành dự án thành phần, các đại biểu đề nghị nghiên cứu, đề xuất báo cáo Quốc hội cho phép thiết kế theo nhóm nội dung thành phần.
Bổ sung biên chế và chính sách cho cán bộ ở cơ sở
Việc triển khai Chương trình sẽ cần có sự phối hợp tham gia đồng bộ từ các cấp, các ngành và các địa phương, để tác động của Chương trình có thể lan tỏa đến từng tế bào của xã hội, từng người dân, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững đất nước. Do vậy, các đại biểu Quốc hội cũng thống nhất cho rằng, phát triển nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng để triển khai thành công Chương trình.
Dù vậy, ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai) nhận thấy, nội dung này được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ còn mờ nhạt, chỉ đưa ra trong nội dung thành phần về đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa. Trong khi đó, hiệu quả thực hiện các dự án trước đạt thấp song chưa xác định rõ nguyên nhân, giải pháp để đề ra các nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện các mục tiêu của giai đoạn này, đặc biệt về nguồn lực thực hiện.
Từ thực tiễn một tỉnh miền núi biên giới, đại biểu Lê Thu Hà lưu ý, với quy định tại điểm a,b,c,d,đ khoản 6 Điều 11 Nghị định 33/2023 của Chính phủ hiện nay, nhiệm vụ được phân công cho công chức văn hóa xã hội cấp xã được phân trên nhiều lĩnh vực về văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch, thông tin, truyền thông, lao động, thương binh, xã hội, y tế, giáo dục. Điều này khiến công chức bị “quá tải” công việc, dẫn đến một số nhiệm vụ không thể hoàn thành.
Bên cạnh đó, địa bàn hoạt động rộng, đa dạng về thành phần dân tộc đồng thời với sự đa dạng về văn hoá, khối lượng công việc nhiều, nhiều công chức không được đào tạo chuyên ngành, đời sống còn nhiều khó khăn do mức lương thấp, kinh phí cấp hàng năm cho các xã dành cho việc triển khai các hoạt động văn hoá, thể thao còn hạn hẹp… là những khó khăn chung của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá xã.
Theo đại biểu Lê Thu Hà, cơ sở chính là nơi thể hiện chủ trương, chính sách vào cuộc sống một cách sinh động và rõ ràng nhất. Hiệu quả mang lại từ các chủ trương, dự án, các chương trình mục tiêu có cao hay không còn nhờ sự năng động, thạo việc, tâm huyết của bộ máy cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của đội ngũ cán bộ cơ sở.
Do vậy, đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung lực lượng và xây dựng chính sách cho công chức văn hóa xã hội cấp xã, cũng như lực lượng cộng tác viên làm công tác văn hóa ở cơ sở. “Chăm lo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức ở cơ sở là một yếu tố quan trọng để Chương trình thực sự bền vững, phát huy tối đa hiệu quả. Cán bộ thực hiện phải được trau dồi cả về kiến thức, kỹ năng và thời gian”, đại biểu Lê Thu Hà nhấn mạnh.
Chương trình này nếu được thông qua và triển khai thành công sẽ giúp đất nước có được một nguồn lực đầy đủ, với những đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm, khơi nguồn các đầu tư xã hội cho văn hoá. Qua đó, tạo sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam; tạo động lực khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, và xây dựng nền tư tưởng văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhưng, Chương trình này có đối tượng, phạm vi rộng, với nhiều nội dung khó, có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau trong quá trình xây dựng. Do vậy, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chương trình cần xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, phân định các nội dung thành phần và chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình thực hiện.