Chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Đẩy mạnh giải pháp về kiểm tra, đánh giá

Năm học 2024 - 2025, lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. 

Nhà trường, giáo viên đẩy mạnh giải pháp về kiểm tra, đánh giá, đặc biệt với học sinh lớp 12 để làm quen với đề thi đổi mới, từ đó đạt kết quả tốt trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Nhận diện khó khăn

Thầy Đỗ Cao Long - Tổ trưởng tổ Toán Trường THPT Đặng Trần Côn (Thừa Thiên Huế) cho biết: Từ học kỳ II năm học 2023 - 2024, tổ Toán thực hiện kiểm tra cuối kỳ theo cấu trúc đề tốt nghiệp THPT 2025 cho học sinh khối 10 và 11. Với phần câu hỏi trả lời ngắn, giáo viên chấm thêm nội dung trình bày tự luận. Bài kiểm tra được phân tích để học sinh thấy các sai sót thường gặp, từ đó rút kinh nghiệm, cẩn thận hơn khi làm bài.

Năm học 2024 - 2025, bài kiểm tra định kỳ theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ triển khai cho cả 3 khối lớp. Thực tế triển khai cơ bản thuận lợi. Khó khăn chủ yếu do một số giáo viên chưa chủ động tìm hiểu chương trình, không bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình môn học khi soạn câu hỏi và thiết kế ma trận đề kiểm tra định kỳ.

Việc ra được đề kiểm tra chất lượng theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT cũng là khó khăn của Trường THPT Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), dù giáo viên đã tập huấn; đặc biệt với môn Ngữ văn khi ngữ liệu hoàn toàn tách rời sách giáo khoa.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Đạo cho biết, hình thức, ma trận, bảng đặc tả của đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn theo Chương trình GDPT 2018 có thay đổi. Giáo viên khó khăn hơn trong lựa chọn ngữ liệu để xây dựng đề kiểm tra định kỳ. Thầy cô duyệt đề kiểm tra cũng áp lực không kém.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều hình thức, phương pháp, công cụ kiểm tra đánh giá đòi hỏi nhiều thời gian, công sức của giáo viên. Với định mức 17 tiết/tuần, thầy cô khó có thể làm tốt cả đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Riêng các đề kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan, việc trộn đề cho giống đề thi tốt nghiệp THPT (phần dễ trước, khó sau) cũng là khó khăn mà giáo viên đang gặp phải.

Trường THPT Nguyễn Huệ (Bến Tre) cũng thực hiện xây dựng ngân hàng đề thi thử tốt nghiệp THPT các môn học và đề kiểm tra định kỳ cho lớp 12 theo cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Việc này, theo thầy Phó Hiệu trưởng Phan Trọng Hải, có một số khó khăn.

Cụ thể, dạng thức trắc nghiệm đúng sai còn mới mẻ đối với giáo viên; một số môn học thầy cô chưa có kinh nghiệm ra đề theo cấu trúc định dạng mới như Tin học, Công nghệ. “Đặc biệt, nhà trường chỉ có 1 giáo viên giảng dạy môn Công nghệ nên khâu thảo luận, sinh hoạt chuyên môn cũng hạn chế”, thầy Phan Trọng Hải chia sẻ.

Ảnh minh họa ITN.

Nâng cao năng lực ra đề cho giáo viên

Trước những khó khăn này, Trường THPT Nguyễn Huệ đã thành lập đội ngũ giáo viên cốt cán ở các bộ môn; tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên nắm vững yêu cầu về đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Nhà trường đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo; đầu tư 3 phòng máy với 124 máy tính và phần mềm lưu trữ ngân hàng câu hỏi, kiểm tra trực tuyến.

Giáo viên được tổ chức xây dựng ngân hàng câu hỏi theo định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025; giao lưu, học tập kinh nghiệm với đồng nghiệp một số trường THPT trong tỉnh, trong đó có xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá. Công tác kiểm tra, đôn đốc giáo viên thực hiện các yêu cầu về đổi mới kiểm tra, đánh giá và xây dựng ngân hàng câu hỏi được tăng cường.

Ngoài giải pháp trên, theo thầy Phan Trọng Hải, trong sinh hoạt tổ chuyên môn, giáo viên tăng cường thảo luận về đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh gắn với nâng cao chất lượng dạy học và điểm thi tốt nghiệp THPT.

Tổ trưởng chuyên môn chỉ đạo thành viên trong tổ tích cực đổi mới kiểm tra, đánh giá và giúp đỡ giáo viên khi gặp khó khăn. Xây dựng cụ thể, chi tiết kế hoạch xây dựng ngân hàng câu hỏi cho các môn học, đặc biệt là lớp 12. Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở giáo viên hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch xây dựng ngân hàng câu hỏi.

Riêng giáo viên bộ môn, nhà trường yêu cầu xây dựng hệ thống câu hỏi định hướng phát triển năng lực; chú trọng bồi dưỡng học sinh phương pháp tự học, tư duy logic để vận dụng sáng tạo kiến thức, hạn chế ghi nhớ máy móc.

Thầy cô thực hiện đầy đủ các yêu cầu dạy thực hành; bảo đảm cân đối giữa truyền thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh; tăng cường liên hệ thực tế, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp nội dung bài học.

Cùng với biên soạn đề kiểm tra, giáo viên coi trọng việc chữa, nhận xét chi tiết bài kiểm tra và động viên sự tiến bộ của các em. Đồng thời, hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau trong quá trình học tập.

Chia sẻ giải pháp của Trường THPT Đặng Trần Côn, thầy Đỗ Cao Long cho biết: Từ tháng 8/2024, tổ Toán đã triển khai tập huấn cho giáo viên trong tổ về soạn câu hỏi kiểm tra, đánh giá theo cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và phân công soạn đề kiểm tra định kỳ (sản phẩm tập huấn) để trao đổi, thảo luận trong các buổi sinh hoạt chuyên môn tháng 9, 10 năm 2024. Qua đó, giáo viên nắm vững kỹ thuật, yêu cầu khi soạn câu hỏi và thiết kế ma trận đề kiểm tra định kỳ phù hợp với trình độ học sinh nhà trường.

Để chuẩn bị cho đề kiểm tra giữa và cuối kỳ, tổ Toán phân công giáo viên dạy cùng khối đều phải soạn ma trận và đề kiểm tra đề xuất cho học sinh lớp mình dạy. Sau đó, phân công giáo viên tổ hợp ma trận (thường là tổ trưởng/tổ phó chuyên môn hoặc nhóm trưởng các khối lớp) dựa trên ma trận và các đề giáo viên đề xuất.

Giáo viên tổ hợp phải soạn 4 đề gốc và trộn thành ít nhất 24 đề hoàn vị (như thi tốt nghiệp THPT) để sử dụng khi kiểm tra. “Việc này chúng tôi đã thực hiện từ năm học 2019 - 2020 đến nay và tiếp tục cho các năm học tới”, thầy Đỗ Cao Long cho hay.

Đồng hành, hỗ trợ, nâng cao năng lực giáo viên cũng là giải pháp được Trường THPT Lam Kinh triển khai. Chia sẻ của thầy Nguyễn Minh Đạo, ban chuyên môn của nhà trường gồm lãnh đạo, tổ trưởng, tổ phó và giáo viên cốt cán, dày dạn kinh nghiệm thường xuyên hỗ trợ, giải đáp băn khoăn, thắc mắc của giáo viên trong công tác ra đề kiểm tra.

Trường xây dựng nhóm giáo viên giảng dạy theo các khối để trao đổi, chia sẻ đề thi, tài liệu ôn tập; tích cực giao lưu, trao đổi với đồng nghiệp và các trường THPT khác để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm…

giaoducthoidai.vn

Giáo dục

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X: Sáng kiến tủ sách tiếng Việt đạt giải Nhì
Giáo dục

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X: Sáng kiến tủ sách tiếng Việt đạt giải Nhì

Tối 03.12.2024, đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X. Tác phẩm Tủ sách tiếng Việt (dành cho người Việt Nam ở nước ngoài) của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và đào tạo) đã đạt Giải Nhì – Hạng mục Sáng kiến sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại.

“Siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm: Những trường áp dụng tỷ lệ lớn xét tuyển học bạ sẽ bị ảnh hưởng
Giáo dục

“Siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm: Những trường áp dụng tỷ lệ lớn xét tuyển học bạ sẽ bị ảnh hưởng

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại cho rằng những trường đại học vốn áp dụng tỷ lệ rất lớn cho phương thức xét tuyển bằng học bạ sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định ràng buộc chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, đặc biệt là các trường tốp dưới.

Học viện Ngoại giao tròn 65 năm thành lập và phát triển
Giáo dục

Học viện Ngoại giao tròn 65 năm thành lập và phát triển

Ngày 2.12, Học viện Ngoại giao tổ chức lễ Kỷ niệm 65 năm thành lập. Trong suốt 65 năm xây dựng và phát triển Học viện là cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo về quan hệ quốc tế hàng đầu Việt Nam, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước.

Tổng giảng viên dạy tiến sĩ phải công bố ít nhất 50 bài báo khoa học để mở ngành đào tạo
Giáo dục

Tổng giảng viên dạy tiến sĩ phải công bố ít nhất 50 bài báo khoa học để mở ngành đào tạo

Đây là một trong những điểm mới trong Thông tư số 16/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18.1.2022 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.