Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Chuẩn bị chu đáo, bài bản và sáng tạo

- Thứ Hai, 19/04/2021, 06:05 - Chia sẻ
Đây là ghi nhận của Đoàn kiểm tra, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của tỉnh Yên Bái. Với sự chuẩn bị này, các thành viên Đoàn kiểm tra, giám sát tin tưởng, Yên Bái sẽ tổ chức thành công ngày bầu cử 23.5.2021.
	Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thị sát điểm bỏ phiếu tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thị sát điểm bỏ phiếu tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái

Bảo đảm điều kiện tốt nhất cho ngày bầu cử

Đến kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại Yên Bái, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Đức Hải không làm việc ngay với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban bầu cử tỉnh, cũng như các cơ quan chức năng khác. Điểm đến đầu tiên được Phó Chủ tịch Quốc hội lựa chọn là điểm bỏ phiếu tại khu trung tâm và một xã ở ngoại thành thành phố Yên Bái. Tại các điểm bỏ phiếu, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn công tác trao đổi trực tiếp với các thành viên tổ bầu cử để nắm bắt tình hình thực tế, tâm tư của các cán bộ, công chức, thành viên tổ chức chính trị - đoàn thể tham gia phục vụ bầu cử; tiếp đó làm việc với Ủy ban Bầu cử cơ sở.

Theo quy định tại các văn bản hướng dẫn tổ chức bầu cử, đến thời điểm hiện nay, nhìn chung các địa phương phải hoàn thành và tiến hành niêm yết danh sách cử tri, chuẩn bị hòm phiếu, cũng như bài trí các điểm bỏ phiếu. Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn công tác cho biết, việc thị sát các điểm bỏ phiếu là nhằm nắm bắt những vướng mắc, khó khăn trong thực tế triển khai, đưa ra hướng dẫn cụ thể cho địa phương, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho ngày bầu cử.

Đến điểm bỏ phiếu ở khu vực trung tâm hay xã ngoại thành tại thành phố Yên Bái, các thành viên Đoàn công tác đều nhận thấy, danh sách cử tri được in trên giấy khổ rộng, trình bày đúng kỹ thuật văn bản, không sai chính tả, dễ theo dõi với đông đảo người dân. Qua nắm bắt thông tin ở nhiều khu vực bỏ phiếu khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức bày tỏ ấn tượng khi việc niêm yết danh sách cử tri được tiến hành bài bản, thống nhất, tuân thủ đúng quy định tại các văn bản hướng dẫn. Trong khi đó, ở một số địa phương đến giám sát, kiểm tra trước đó, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia gặp một số danh sách cử tri được niêm yết chưa tốt, viết sai chính tả với tên đồng bào dân tộc thiểu số, không thống nhất trong trình bày thông tin cá nhân cử tri...

Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn khẳng định, việc niêm yết danh sách cử tri tại 1.154 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, cũng như các hướng dẫn của Trung ương. Yên Bái có 80 xã, 814 thôn bản đặc biệt khó khăn nên có 89 điểm bỏ phiếu được tổ chức tại trường học, hội trường, nhà văn hóa, 48 trụ sở cơ quan, nhất là có 11 điểm tại nhà dân. “Trên địa bàn tỉnh có 130 khu vực bỏ phiếu dưới 300 cử tri tập trung tại các xã vùng cao thuộc huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình. Dù vậy, tỉnh Yên Bái vẫn thành lập khu vực bỏ phiếu", Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh cho biết.

Chủ động trong mọi tình huống 

Danh sách cử tri được niêm yết tại thôn Bản Công, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, Yên Bái Nguồn: ITN
Danh sách cử tri được niêm yết tại thôn Bản Công, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, Yên Bái
Nguồn: ITN

Hiện nay, các tỉnh, thành phố trên cả nước nhìn chung đều đã và đang tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ ba, chuẩn bị niêm yết danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Như vậy, công tác cần được quan tâm triển khai thực hiện sẽ là đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử, tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử cho những người ứng cử, tập huấn cho các tổ bầu cử, cung cấp đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh - trật tự...

Xem xét các công tác nêu trên, thành viên Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia càng đánh giá cao hơn sự chuẩn bị cho ngày bầu cử của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban bầu cử, MTTQ tỉnh Yên Bái. Bởi dù kinh tế của tỉnh có bước phát triển thời gian qua, nhưng Yên Bái vẫn có hai huyện nghèo (30a), 80 xã đặc biệt khó khăn, 814 thôn, bản đặc biệt khó khăn, có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống trên địa bàn, địa hình chia cắt. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị bầu cử tại tỉnh Yên Bái được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tiến độ, tuân thủ đúng các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương. Như khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Bầu cử tỉnh, các cơ quan chức năng luôn bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, chuẩn bị tốt nhất cho ngày bầu cử toàn dân 23.5 sắp tới.

Theo phản ánh của các ban Đảng, sở ngành tỉnh Yên Bái, hiện đã tiến hành khắc và bàn giao 9 dấu của Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 173 con dấu Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã; bàn giao 1.075 con dấu Ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Ban bầu cử đại biểu HĐND các cấp; 2.308 dấu Tổ bầu cử và dấu đã bỏ phiếu. Bên cạnh một số tài liệu bầu cử được Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cung cấp, tỉnh Yên Bái cũng chủ động in ấn và bàn giao sách hỏi đáp, lịch trình thực hiện công tác bầu cử... cho các huyện, thị xã, thành phố. Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương, một số tỉnh, thành phố đã phản ánh tình trạng việc đấu thầu, khắc dấu, in ấn tài liệu, cung cấp vật tư phục vụ bầu cử mất nhiều thời gian khi thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu hiện hành, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các nội dung công việc phải làm.

Sự kỹ càng, chu đáo trong chuẩn bị bầu cử của tỉnh Yên Bái cũng thấy ngay từ một việc nhỏ như xây dựng và phân bổ hệ thống bản đồ khu vực bỏ phiếu, với đầy đủ thông tin liên quan, để các đoàn kiểm tra, giám sát bầu cử của địa phương thuận tiện, có thể bao quát hết các điểm bỏ phiếu trong mỗi khu vực. Ngoài ra, bên cạnh mẫu sơ đồ điểm bỏ phiếu được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi cho các địa phương, Ủy ban Bầu cử tỉnh Yên Bái xây dựng thêm hai mẫu điểm bỏ phiếu để có cách bố trí phù hợp với một số loại hình hội trường đặc thù trên địa bàn tỉnh.

Hay như, để chuẩn bị tốt nhất cho ngày bầu cử, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tổ chức bầu cử. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh cũng ban hành kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tổ chức bầu cử. Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Trần Huy Tuấn khẳng định, trong kịch bản này xác định các hình thức ứng phó, xử lý trong những tình huống cụ thể; tiến hành tập huấn, hướng dẫn đến các huyện, xã, để các cấp, các ngành chủ động ứng phó khi tình huống không mong muốn xảy ra.

Dù là địa phương còn khó khăn, nhưng Yên Bái đã không gặp một số vướng mắc như phản ánh của nhiều tỉnh, thành phố được Đoàn giám sát, kiểm tra đến làm việc trước đó. Các hoạt động chuẩn bị bầu cử được tiến hành bài bản, thống nhất và thông suốt là nhờ Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban bầu cử, cũng như các cơ quan chức năng đã vào cuộc tích cực, năng động, vận dụng sáng tạo các quy định pháp luật hiện hành. Nhưng với kinh nghiệm tham gia chuẩn bị bầu cử, nhiều thành viên Đoàn công tác cũng lưu ý Yên Bái cần tiếp tục quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, ghi tên người dân tộc thiểu số trong danh sách cử tri...). Việc chính quyền địa phương phải chú tâm từ những công tác đơn giản nhất đến các vấn đề có ảnh hưởng đến hoạt động này cũng vì mục đích cuối cùng là để thực hiện thành công ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, để ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.

Thanh Hải