Chùa vắng

Nguyên Lê 12/02/2017 08:18

Giờ, thật ra, là chùa vẫn vắng, vào những ngày thường. Và tôi vẫn giữ thói quen tìm đến chốn thiêng, những lúc thanh vắng. Để lắng nghe sâu hơn một tiếng chuông chùa, hoặc dừng mắt lâu hơn trước một nét chạm trổ đượm màu thời gian nào đó...

Ngày trẻ, chính ra tôi lại rất hay đi chùa. Chỉ đơn giản là để vãn cảnh chùa, hơn là vì tín ngưỡng. Chùa ngày đó còn vắng, kể cả chùa thiêng, vào những ngày tuần. Có thể vì lúc đó, người ta chưa có quá nhiều mong muốn như bây giờ chăng, hoặc giả, không bất an như bây giờ? Và chùa ngày đó dường như cũng đẹp hơn, phần vì vẫn còn giữ được nhiều nét cổ xưa, điền viên; nhiều pho tượng cổ chưa bị đánh cắp, hay gặp hỏa hoạn; phần vì ít khách vãng lai nên cũng đượm màu thanh tịnh hơn...

Phải ít người mới nhìn thấy hết vẻ đẹp của chùa. Tôi nhớ ngôi chùa Bút Tháp nằm bên đê sông Đuống, nơi những ngọn cau cao vút chườm bóng xuống những mái đao cong cong bằng gỗ, những lan can và những bức phù điêu bằng đá chạm trổ tinh xảo. Hàng chục bức, không bức nào giống bức nào. Vào chùa giờ ít khi được nhìn rõ tượng Phật vì khói hương ngút ngàn và đông người quá thể. Nhưng dạo tôi ghé chùa Bút Tháp, bức tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt nổi tiếng ở đó đã hiện lên trước mắt tôi mồn một với ánh nhìn quảng đại bao dung và có thể thấy rõ trong mỗi lòng bàn tay là một con mắt nhìn thấu sự đời. Chùa Dâu cổ xưa (Bắc Ninh) là nơi tôi từng tìm đến để gặp một người trông chùa thú vị, vừa trông chùa vừa viết văn, và cuốn sách của ông sau đó đã đoạt giải thưởng Hội Nhà văn. Tôi cũng từng đến chùa Tiêu (cũng ở Bắc Ninh), ngôi chùa hơn 1.000 năm tuổi, nơi có pho tượng táng quý giá của một bậc thiền sư. Chùa dựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra sông, thâm trầm dưới bóng cây thị cổ thụ. Hôm tôi đến vãn cảnh chùa, còn được sư bà cho một trái thị còn xanh, về đến nhà mới chín vàng và tỏa mùi thơm ngào ngạt. Đã lâu tôi không nhìn thấy người ta bán thị, huống hồ còn là thị xanh.

Vùng Kinh Bắc còn có một ngôi chùa tôi từng lui tới, không chỉ một lần, ấy là chùa Bổ Đà, nơi lưu giữ bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị. Nhưng lưu lại trong trí nhớ của tôi lâu nhất là những bức tường ngăn được xây bằng tiểu, hoặc những bức tường bao làm bằng đất nện, theo lối chình tường, màu đất nâu vàng theo năm tháng ánh lên một cái nhìn thật trìu mến và thân thuộc... Chùa Mía ở Sơn Tây thì có đến hàng trăm ngôi tượng, được mệnh danh là ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam. Tha thẩn ở đấy hàng giờ, ngắm những biểu cảm khác nhau trên mặt tượng và dáng ngồi của tượng, sẽ thấy cuộc đời ngoài kia đã được kể từ hàng trăm năm trước.

Chùa Phúc Khánh cứ mỗi rằm tháng Giêng lại khiến con phố Tây Sơn ở Hà Nội tắc đường kinh khủng, nhưng hơn mười năm trước không hề đông như bây giờ. Dạo tôi ở trọ gần đấy, thỉnh thoảng có vào vãn cảnh chùa. Chùa bé nhưng cũng có một khoảng sân khá lớn, nép dưới mấy tán cây to. Hồi sinh viên, lớp tôi cũng từng được thầy giáo giảng môn “Phương Đông học” dẫn đi thực tế ở đó. Cảnh chùa lúc đó rất an nhiên vắng lặng, chỉ có tiếng cười của đám trẻ là lao xao suốt một góc vườn chùa. Về sau này, đi làm qua đó, chứng kiến cảnh người dân chen nhau đứng trên cả cầu vượt để bái vọng từ xa, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra, ngôi chùa vắng vẻ xưa đã hóa chùa thiêng tự bao giờ...

Giờ, thật ra, là chùa vẫn vắng, vào những ngày thường. Tuy không còn chăm đi vãn cảnh chùa được nhiều như lúc trẻ, nhưng tôi vẫn giữ thói quen tìm đến chốn thiêng vào những lúc thanh vắng. Không phải để cầu gì, mà là để lắng nghe sâu hơn một tiếng chuông chùa, hoặc dừng mắt lâu hơn trước một nét chạm trổ đượm màu thời gian nào đó...

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chùa vắng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO