Chưa thực sự yên tâm...

- Chủ Nhật, 22/11/2020, 20:40 - Chia sẻ
Nếu theo như dự kiến, sau khi lấy ý kiến rộng rãi dư luận, giáo viên, nhà trường về chỉnh sửa những sai sót trong sách giáo khoa Tiến Việt 1 - bộ sách Cánh diều thì hôm qua, 21.11, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa sẽ thẩm định lần cuối. Vậy nhưng trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng vẫn chưa thực sự yên tâm.

Thực tế, việc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh công bố dự thảo tài liệu điều chỉnh, bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - bộ Cánh Diều, để xin ý kiến giáo viên, phụ huynh, người dân trước khi đưa vào thay thế các nội dung cũ là việc làm cần thiết, thể hiện tinh thần cầu thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thế nhưng câu hỏi là liệu việc điều chỉnh, bổ sung này có trở nên chắp vá, thậm chí làm khó giáo viên và học sinh hay không bởi hầu hết những nội dung gây bức xúc dư luận thời gian qua đều được bổ sung ngữ liệu mới?

Cụ thể, tài liệu gồm 12 trang với 2 nội dung chính bao gồm giới thiệu một số ngữ liệu để giáo viên có thể sử dụng thay thế các bài học chưa phù hợp và hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ trong bài. 11 bài đọc ở sách giáo khoa Tiếng Việt 1 và tập 2 bộ sách Cánh Diều được thay thế, nhiều từ ngữ được điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn. Với phần điều chỉnh từ ngữ, nhiều từ trước đây được đánh giá không phù hợp cũng đã được loại bỏ, thay thế từ khác. Trả lời trên báo chí, một chuyên gia nhận định, các phần chỉnh sửa, đính chính vẫn bị rối, "đánh đố" trẻ nhỏ vì vẫn phức tạp so với nhận thức ở độ tuổi lên 6. Việc thay đổi từ câu chuyện này sang câu chuyện khác, từ từ này sang từ khác chỉ có thể giải quyết được bức xúc, chỉ an lòng dư luận chứ chưa thực sự hiểu về tâm sinh lý trẻ em...

Thực tế, những gì "chưa thực sự an tâm" trong lần thẩm định này là có cơ sở bởi những gì xảy ra ở lần thẩm định trước. Và thời điểm này, sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 đã trong quá trình thẩm định vòng 2 để chuẩn bị đưa vào giảng dạy trong năm học 2021 - 2022 - có nên tổ chức thực nghiệm sớm hơn không? Bởi theo ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phạm Tất Thắng thì nếu có quá trình thực nghiệm cẩn trọng, nghiêm túc sẽ không mắc phải những sai sót như trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 thời gian qua. Việc tổ chức thực nghiệm, giảng dạy sách giáo khoa mới thời gian dài hơn, phạm vi thực nghiệm rộng hơn thì chắc chắn việc hoàn thiện sẽ tốt hơn. Trước khi Hội đồng thẩm định họp cần có nhiều kênh để tập hợp những ý kiến đóng góp, nhận xét, đặc biệt là phản biện từ các thầy cô trực tiếp giảng dạy cũng như phụ huynh học sinh.

Những gì mà phụ huynh, giáo viên, cũng như các chuyên gia còn chưa thực sự yên tâm về những chỉnh sửa trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 là có cơ sở. Bởi vậy, cần thiết phải kỹ càng hơn, tránh việc phải "đính chính lại đính chính".

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Nhĩ cho rằng, lẽ ra sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều phải được đưa lên mạng ngay từ đầu để xin ý kiến của giáo viên, phụ huynh, dư luận. Thế nhưng, việc biên soạn vừa qua đã làm theo "quy trình ngược", các khâu thẩm định, thực nghiệm "có vẻ" đều vội vàng... Dù còn ý kiến khác nhau về bản điều chỉnh sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều nhưng phụ huynh, giáo viên cần coi đây là cơ hội tốt để theo dõi kỹ nội dung điều chỉnh và có góp ý cụ thể.

 

Khánh Ninh