Chưa thực hiện điều chuyển vốn giữa các dự án, tiểu dự án

Anh Thảo 21/02/2025 11:51

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Hội đồng Dân tộc, có ý kiến cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội, các địa phương tiếp tục kiến nghị còn một số nội dung hướng dẫn còn chưa cụ thể, rõ ràng nên chưa triển khai thực hiện được. Cụ thể là việc điều chuyển vốn giữa các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025).

5 nhóm mục tiêu cơ bản hoàn thành

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Hội đồng Dân tộc, báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình) giai đoạn I: 2021 - 2025, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr nêu rõ, mặc dù Chương trình được tổ chức thực hiện chính thức từ cuối năm 2022, nhưng với sự nỗ lực và tính chủ động của các địa phương, việc huy động và lồng ghép hiệu quả các nguồn lực, một số chỉ tiêu đến nay đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch được giao.

avatar
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: Nghĩa Đức

Căn cứ Nghị quyết 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình, tính đến hết năm 2024 có 5 nhóm mục tiêu cơ bản đã đạt, gồm: Nhóm mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (đạt 3,7%); Nhóm mục tiêu về lĩnh vực giáo dục (5/5 chỉ tiêu đã đạt); Nhóm mục tiêu lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (55,3%), vượt so với mục tiêu kế hoạch 50% giao. Cùng với đó là Nhóm mục tiêu về bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc (2/2 chỉ tiêu đạt); Nhóm mục tiêu về lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ người dân (4/4 chỉ tiêu đạt).

2 nhóm mục tiêu chưa hoàn thành gồm: Nhóm mục tiêu về công tác định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào (2/6 chỉ tiêu đạt); Nhóm mục tiêu về cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (4/8 chỉ tiêu đạt).

Riêng 2 nhóm mục tiêu còn lại là: Nhóm mục tiêu số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn và nhóm thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số sẽ được đánh giá vào cuối giai đoạn thực hiện Chương trình (cuối năm 2025), Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu rõ.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho biết, một số tỉnh, thành phố đã bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của Chương trình theo tiến độ hàng năm đề ra và đạt được kết quả tương đối toàn diện như: Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Hậu Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Trà Vinh... Tuy nhiên, ở một số tỉnh, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa hoàn thành theo tiến độ như Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Kon Tum, Đắk Nông.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Nghĩa Đức
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Nghĩa Đức

Lúng túng trong quy trình thanh quyết toán vốn

Trong phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp với nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh, Quốc hội đã giám sát tối cao, đã đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ rất nhiều vấn đề cả về thể chế pháp luật và tổ chức thi hành việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên, khi triển khai Nghị quyết 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều địa phương không dám làm.

Nêu thực tế trên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý: “Quốc hội đã cho chủ trương chuyển nguồn, chúng ta đã chuyển nguồn từ năm trước sang năm sau, nhưng việc chuyển nguồn từ dự án, chương trình, đối tượng không còn nhu cầu sang dự án, chương trình, đối tượng có nhu cầu vẫn chưa làm được, chưa có hướng dẫn. Đề nghị Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này”.

Phó Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ, với nội dung này, còn "nhiều quan điểm khác nhau". Có ý kiến cho rằng, "Nghị quyết của Quốc hội đã quy định thì tỉnh cứ thế mà làm, không phải xin thêm ý kiến; nhưng nhiều tỉnh không dám làm, bởi chúng ta có câu ràng buộc là không được vượt tổng mức đầu tư chương trình, nên khó mà chuyển nguồn từ chương trình này sang chương trình khác”.

Ngay trong Báo cáo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr cũng thừa nhận, “trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội, các địa phương hiện nay tiếp tục kiến nghị còn một số nội dung hướng dẫn còn chưa cụ thể, rõ ràng nên chưa triển khai thực hiện được. Cụ thể là với việc điều chuyển vốn giữa các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình”.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho biết, kết quả giải ngân nguồn vốn sự nghiệp còn thấp. Việc lồng ghép vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và quy trình thanh quyết toán vốn các địa phương còn gặp lúng túng.

2025 là năm bản lề của việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I, cũng là năm cuối cùng để các địa phương phấn đấu đạt các mục tiêu, chỉ tiêu được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 120/2020/QH14.

Nhấn mạnh bối cảnh trên, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã chỉ đạo cơ quan chủ chương trình, các bộ, ngành liên quan tập trung khẩn trương xử lý, rà soát, hoàn thiện các nhiệm vụ cụ thể. Đó là tiếp tục rà soát đánh giá kết quả thực hiện, khắc phục tồn tại, hạn chế đã được phát hiện, khuyến nghị từ các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cử tri cả nước.

Đồng thời, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định phê duyệt nội dung đầu tư Chương trình giai đoạn II: 2026 - 2030.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Nghĩa Đức
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Nghĩa Đức

Phát biểu kết luận Phiên họp toàn thể, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị, Hội đồng Dân tộc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc, các cơ quan có liên quan đánh giá tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chuẩn bị cho triển khai giai đoạn 2026 - 2030.

“Trong đó, cần rà soát soát kỹ và đánh giá thực chất kết quả, các hạn chế, vướng mắc thực hiện các chỉ tiêu của giai đoạn này, rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất mô hình chỉ tiêu phù hợp, giải pháp, cơ chế thực hiện đồng bộ, cụ thể, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tiếp theo”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr:
Tập trung giải quyết vấn đề 5 nhất

Trên cơ sở nội dung Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã chỉ đạo Ủy ban Dân tộc và các bộ, cơ quan trung ương khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch công tác năm 2025. Trong đó, có nhiệm vụ trọng tâm được ban hành tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025:

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr

Đó là, “tập trung cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc, vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chiến lược, chương trình, đề án, dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I (2021-2025); xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình này cho giai đoạn II (2026-2030)".

Chính phủ cũng đã giao cho Ủy ban Dân tộc chủ trì, tham mưu xây dựng Báo cáo Quốc hội theo nhiệm vụ được giao tại khoản 5, Điều 2 của Nghị quyết 120/2020/QH14 về việc tổng kết việc thực hiện Chương trình giai đoạn I, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện Chương trình giai đoạn II: 2026 - 2030 hoàn thành trước tháng 9.2025 để Chính phủ trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp cuối năm 2025.

Rút kinh nghiệm từ kết quả triển khai thực hiện giai đoạn I, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có văn bản giao cho cơ quan chủ chương trình hướng dẫn các địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án về triển khai Chương trình của các địa phương trong giai đoạn 2026 - 2030 trong khuôn khổ Khung các dự án thành phần đã được phê duyệt tại Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội.

Về cơ bản nội dung đề xuất thực hiện Chương trình giai đoạn II phải bám sát nội dung 10 dự án thành phần của Chương trình được phê duyệt tại Nghị quyết 88/2019/QH14, trong đó bảo đảm ưu tiên tối thiểu phải có đủ 5 nội dung thành phần nhằm tập trung giải quyết vấn đề “5 nhất” vẫn còn tính thời sự cao trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Một là, điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn nhất. Hai là, chất lượng nhân lực thấp nhất. Ba là, kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất. Bốn là, tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất. Năm là, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Tùy theo đặc thù tình hình kinh tế xã hội của từng địa phương, các Đề án thực hiện Chương trình giai đoạn II của từng tỉnh, thành phố có thể lựa chọn, quyết định thực hiện hoặc không thực hiện một số dự án, tiểu dự án và nội dung của Chương trình giai đoạn tham mưu một số một số nội dung cơ bản của Chương trình giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.

Mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của Chương trình giai đoạn II vẫn bám sát vào mục tiêu tổng quát, mục tiêu định hướng theo tinh thần Nghị quyết số 88/2019/QH14; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể sẽ thực hiện nghiên cứu, đánh giá lại toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu được Quốc hội giao tại Nghị quyết 120/2020/QH14 để thiết kế các nội dung đầu tư Chương trình giai đoạn II trên cơ sở tập trung nguồn lực đầu tư để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cho cả giai đoạn 2021 - 2030.

Trong kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn II: 2026 - 2030, Ủy ban Dân tộc phấn đấu hoàn thành việc dự thảo các Thông tư, văn bản hướng dẫn trong năm 2025 để trình cùng Hồ sơ phê duyệt đầu tư Chương trình giai đoạn II.

H. Ngọc ghi

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chưa thực hiện điều chuyển vốn giữa các dự án, tiểu dự án
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO