Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra trong bối cảnh kinh tế sụt giảm khiến hơn nửa triệu lao động thất nghiệp, bị mất việc làm. CPI 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát tăng 4,74%.
Bởi vậy, cũng dễ hiểu khi tại phiên họp này, các bên chưa thể tìm được tiếng nói chung khi phía công đoàn đề nghị tăng khoảng 6%, tức tiền lương tương ứng thấp nhất 195.000 đồng với vùng IV và 280.000 đồng với vùng I. Lý do là, theo khảo sát ý kiến của gần 3.000 công nhân ở 6 tỉnh, thành phố do Viện Công nhân và Công đoàn, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện cho thấy, có 52,3% người lao động làm thêm giờ, trung bình 1,75 giờ/ngày. Phần lớn người lao động được khảo sát tình nguyện làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tiền lương cơ bản bao gồm làm đủ giờ ngày công là hơn 6 triệu đồng/tháng, cao hơn 8,4% so với khảo sát tháng 3/2022, cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 37,5% đến 51,9% tùy theo từng vùng.
Chi tiêu năm 2023 tăng 19% so với năm 2022, với gần 12 triệu đồng/tháng, trong đó, chi tiêu nhiều hơn cho lương thực thực phẩm, chiếm gần 70%. Có hơn 24% người lao động cho biết thu nhập hiện tại vừa đủ đáp ứng chi tiêu cơ bản; 5,5% cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng nhu cầu chi tiêu, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng 45% nhu cầu.
Bên cạnh đó, có hơn 53% lao động cho rằng, vì tiền lương cân nhắc đến việc lập gia đình, không sinh con, tiền lương không đủ nên phải gửi con về quê. Đối với nhà ở, người lao động cho biết, hơn 23% tiền lương để trả tiền thuê nhà, trung bình 1,8 triệu đồng/tháng bao gồm cả điện nước...
Cũng bởi vậy mà khi tham gia đàm phán, phía đại diện cho người lao động đã nhấn mạnh rằng, rất chia sẻ với khó khăn, thách thức như thiếu hụt đơn hàng, cắt giảm việc làm của doanh nghiệp song vẫn cần điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2024 để tiền lương thực tế của lao động không bị giảm sút. Mức tăng cũng cần xem xét trong khả năng chi trả của doanh nghiệp...
Còn theo đại diện phía doanh nghiệp, giai đoạn này tìm kiếm đơn hàng, giữ được việc mới là cấp thiết. Nhiều doanh nghiệp không còn tăng ca và đang gồng mình duy trì việc làm cho lao động. Họ đồng ý rằng, tăng lương là cần thiết nhưng điều chỉnh ngay lúc này thì không thể mà cần tiếp tục thương thảo trong thời gian tới...
Thực tế, đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn. Và theo dự báo, năm 2024, tình trạng thiếu hụt đơn hàng vẫn còn tiếp diễn, khi có 17,2% doanh nghiệp khảo sát cho biết tình hình thiếu đơn hàng của doanh nghiệp năm 2024 sẽ tăng lên so với năm 2023. Cho nên, yếu tố đặc biệt để thương lượng mức tăng lương cơ sở là khả năng chi trả của doanh nghiệp. Phải xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng một cách hài hòa để vừa động viên người lao động, tăng năng suất hiệu quả, vừa phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: Góc độ tổ chức bảo vệ người lao động, chúng tôi rất chia sẻ và thấu hiểu với những khó khăn của doanh nghiệp. Chúng tôi tin rằng, các doanh nghiệp và giới sử dụng lao động cũng hiểu được những khó khăn mà người lao động đang phải đối mặt. Nên lương tối thiểu vùng năm 2024 tăng bao nhiêu sẽ thông qua đối thoại, thương lượng trên tinh thần thiện chí, thấu hiểu để có mức phù hợp...