“Chưa phút nào nản lòng, nhụt chí”
Bốn năm tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sỹ thì có tới ba năm Thượng tá Lê Phương Đông, Chính trị viên Đội quy tập 584 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị) lăn lộn trên nước bạn Lào. Ông kể rằng, việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ngày một khó khăn vì nhân chứng, vật chứng cứ vơi dần theo thời gian, địa bàn mỗi lúc một hiểm trở... Dù vậy, cả Đội chưa khi nào nản lòng, nhụt chí trước nhiệm vụ thiêng liêng này.
Tấm lòng người mẹ Lào
Giữa tháng 12.2019, theo thông tin người dân cung cấp, Thượng tá Lê Phương Đông được giao chỉ huy tiến hành khai quật tìm hài cốt liệt sỹ tại phía Tây của bản Đông Na Ngam, huyện Assaphone thuộc tỉnh Savannakhet (Lào). Trời nắng như đổ lửa, khu vực tìm kiếm lại là đồi trọc nên ai nấy đều ướt đẫm mồ hôi. Dù vậy, mọi người vẫn động viên nhau tích cực tìm kiếm để sớm phát hiện hài cốt liệt sỹ, cất bốc đưa về Tổ quốc. “Giữa lúc đó, một người mẹ Lào khoảng 70 tuổi chậm rãi tiến về phía anh em đang làm nhiệm vụ. Bà đưa cho chúng tôi 5 con cá nướng cùng một ít kẹo, rồi vừa nói vừa khóc: Các con vất vả quá, gia đình mẹ nghèo không có gì chỉ có như vậy cho các con dùng tạm”.
![]() Lễ đón các Liệt sỹ hy sinh tại mặt trận Lào về Việt Nam |
Liên quan đến các giải pháp tìm kiếm, xác minh thông tin cho những hài cốt không có thông tin, Thiếu tướng Trần Quốc Dũng, Cục trưởng Cục Chính sách Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, có 4 giải pháp tổng hợp: (1) huy động toàn dân cung cấp thông tin kể cả các cựu chiến binh của Mỹ, Australia, Thái Lan từng tham chiến tại Việt Nam; (2) Khi lập bản đồ tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, phải khoanh vùng ngay những địa bàn mà trước đó đã tìm và cất bốc được Liệt sỹ nhưng chưa hết; (3) Tra cứu hồ sơ lưu trữ của ta và đối phương; (4) Đào bới, tìm kiếm thực chứng thông qua các công trình xây dung. |
Người mẹ Lào ấy có cái tên rất Việt Nam - mẹ Hương. Cả một thời niên thiếu, mẹ Hương đã chứng kiến rất nhiều bộ đội Việt Nam đã chiến đấu và anh dũng hy sinh bảo vệ cho bình yên xóm làng của mẹ. Bởi vậy, khi thấy Bộ đội Việt Nam lại tiếp tục sang quê mẹ làm nhiệm vụ cao cả, bà đã coi đây như là một cơ hội để được báo đáp cái ơn lớn lao của những người bạn Việt Nam. Và suốt những ngày sau đó, ngày nào mẹ cũng đến động viên anh em chúng tôi, lần cho ít trái cây, lúc đưa mấy cái kẹo và hỏi thăm kết quả tìm kiếm. Tấm lòng của người mẹ Lào ấy càng giúp chúng tôi hiểu hơn về ý nghĩa của câu nói "nước bạn Lào anh em”, Thượng tá Lê Phương Đông kể.
Cũng theo lời ông Đông, những người làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ ngoài lòng nhiệt tình, sự kiên trì, tỷ mỉ còn đòi hỏi phải có sức khỏe tốt vì việc phải hành quân bộ là chuyện thường tình. Có lần chúng tôi phải đi bộ gần 20km đường rừng núi”. Đó là vào tháng 7.2019, Đội 584 lên kế hoạch tìm kiếm tại khu vực giáp biên giới Việt - Lào thuộc thôn Kỳ Nơi, xã A Vao, huyện Đakrông, Quảng Trị. Địa điểm này trong chiến tranh có người dân sinh sống nhưng giờ họ đã chuyển ra gần đường theo vận động của chính quyền địa phương. Nhân chứng cung cấp thông tin và dẫn đường là già làng Vỗ Nê, sinh năm 1939 cùng với Phó già làng Kôn Đơn, sinh năm 1943.
Quãng đường chỉ hơn 100km nhưng Đội phải hành quân bộ tới 20km vì địa hình rừng, núi hiểm trở. Sau khi kiểm tra mọi mặt, phân công 2 người dẫn đường - người đi đầu, người khóa đuôi để tránh bị lạc, cả đội nhanh chóng hành quân để kịp đến nơi có suối lấy nước nấu ăn buổi trưa. “Ngay những phút đầu tiên, chúng tôi đã phải vượt qua một con dốc đứng đến mức người đi sau đầu chạm chân người đi trước. Trời nắng chang chang, đất đá ràn rạt bốc hơi nóng xung quanh. Vượt qua được hơn 2/3 dốc, chúng tôi tạm nghỉ giải lao. Vừa đặt ba lô xuống đã nghe tiếng ông Kôn Đơn vang lên: Có người ngất rồi!”.
“Lúc ấy chúng tôi hoảng quá!”, ông Đông kể tiếp. “Giữa thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, nếu không có người kịp đỡ phía sau, chắc chắn người đội viên đã rơi xuống dốc. Nhìn khuôn mặt anh ấy tái nhợt vì kiệt sức, chúng tôi biết anh không thể tiếp tục hành trình nên phải gửi lại Trạm y tế Quân dân y nhờ chăm sóc, còn cả đội lại lên đường. Sau gần 3 ngày tìm kiếm, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về đơn vị an toàn”. Dù vậy, rút kinh nghiệm từ chuyến đi này, Thượng tá Lê Phương Đông cùng cả đội sau đó đều quan tâm rèn luyện sức khỏe, kiểm tra kỹ lưỡng thể trạng mỗi người trước khi lên đường và chuẩn bị chu đáo cho mỗi chuyến đi.
![]() Đội 584 trên đường làm nhiệm vụ tại tỉnh Savannakhet (Lào) |
Khó khăn ngày một day hơn
Đội Quy tập 584 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị được thành lập năm 1984 với nhiệm vụ khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở Lào về nước, đồng thời tiến hành khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ hy sinh trên địa bàn Quảng Trị. Đội có 45 thành viên, trong đó bộ phận tìm kiếm ở Quảng Trị gồm 15 người thực hiện nhiệm vụ xuyên suốt cả năm, còn bộ phận tìm kiếm ở Lào có 30 người làm nhiệm vụ từ đầu tháng 10 năm trước đến giữa tháng 5 năm sau vì thời điểm này là mùa khô của nước bạn.
Kể từ năm 1988 (thời điểm sau 4 năm thành lập của Đội 584) đến nay, Đội 584 đã tìm kiếm và quy tập được 10.118 hài cốt liệt sỹ; trong đó, có 5.432 hài cốt tại Lào. Riêng mùa khô 2018 - 2019, Đội quy tập được 75 hài cốt liệt sỹ (tại tỉnh Savannakhet là 26 hài cốt liệt sỹ); và từ đầu mùa khô 2019 đến nay, Đội quy tập được 37 hài cốt liệt sỹ trong nước và 21 hài cốt liệt sỹ tại tỉnh Savannakhet.
Theo lời Thượng tá Đông, việc tìm kiếm, quy tập phần mộ của các liệt sỹ mỗi ngày một khó khăn hơn. Phần vì nhân chứng, vật chứng vơi dần theo thời gian, thông tin chính thống về mộ liệt sỹ rất ít, chủ yếu nghe ông bà hoặc cha mẹ kể lại. Phần vì mộ của các anh hùng liệt sỹ chủ yếu nằm rải rác trong các cánh rừng sâu, nơi núi non hiểm trở, hoặc ở những địa danh ít người biết đến, sau chiến tranh không còn ai qua lại, sinh sống, địa hình biến dạng. Có những lần, các thành viên trong Đội phải vượt qua suối sâu, đi bộ hàng chục kilômét đường rừng, vừa đi vừa mở đường, gùi cõng trên vai lương thực, thực phẩm, dụng cụ, quân tư trang mới vào tới vị trí quy tập.
Cũng có những lần đào bới vài chục đến vài trăm mét khối đất đá mà vẫn không tìm thấy bộ hài cốt nào. Đó là chưa kể các thành viên của Đội luôn đối mặt với những nguy hiểm cận kề như vật liệu nổ còn lại của chiến tranh, độc hại của khí độc tụ nén lâu ngày, đèo cao, vực thẳm, lũ quét, mưa rừng… Thậm chí, đã có những chiến sĩ trẻ tuổi đời chỉ ngoài đôi mươi như Liệt sỹ Trương Quang Thanh, Liệt sỹ Nguyễn Viết Hòa đã bị nước lũ bất ngờ cuốn trôi khi đưa hài cốt của các “bậc tiền bối” về với đất Mẹ.
Đội tìm kiếm trên đất bạn Lào ngoài đối mặt với khó khăn về nước ăn uống, sinh hoạt, trang thiết bị xuống cấp nhanh do thời tiết khắc nghiệt, mùa khô đến sớm, bất đồng ngôn ngữ và địa hình hiểm trở thì còn phải ứng phó với tình hình an ninh phức tạp ở một số địa bàn. Ông Đông cho biết, vẫn có những người tuyên truyền, xuyên tạc gây hoang mang trong nhân dân, khiến cho việc tiếp xúc với người dân để nắm bắt thông tin mộ chí liệt sỹ gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế này, Đội đã tổ chức huấn luyện quân sự, chính trị, cách xử lý tình huống khi có sự cố; đồng thời tổ chức cho các thành viên học tiếng Lào, tìm hiểu phong tục tập quán của nước bạn để “dân vận” thuận lợi. Bên cạnh nhiệm vụ chính, cán bộ, chiến sĩ còn dành thời gian ngoài giờ giúp người dân bản địa làm vệ sinh môi trường; xây mới, sửa sang nhà cửa, đường sá; cắt tóc, chữa bệnh cho nhân dân…
“Dù khó khăn đến mấy, toàn Đội cũng chưa có phút giây nào nản lòng, nhụt chí trước nhiệm vụ thiêng liêng này”, Thượng tá Lê Phương Đông nói, “bởi ước mong lớn nhất của chúng tôi là sớm tìm thấy và đưa các bác, các anh về với gia đình và Tổ quốc”.