Phân bổ chưa đồng đều
Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 25 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó, có 3 phòng công chứng nhà nước. Các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng số lượng lớn hợp đồng, giao dịch; chấp hành khá nghiêm túc các quy định của Luật Công chứng và pháp luật có liên quan. Cụ thể như thực hiện niêm yết phí công chứng và thù lao công chứng; mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên; chế độ, chính sách đối với công chứng viên và người lao động; thu phí và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, nộp ngân sách nhà nước... Ngoài ra, các tổ chức hành nghề công chứng đã nghiêm túc thực hiện việc nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về công chứng, chứng thực (phần mềm UCHI).
Tuy nhiên, qua khảo sát, việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh chưa đồng đều, chưa phù hợp với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020. Theo Quy hoạch phân bổ trên địa bàn như thành phố Bắc Ninh có 4 tổ chức hành nghề công chứng nhưng thực tế có tới 13 tổ chức đang hoạt động. Cũng theo Quy hoạch, mỗi huyện phân bổ 2 tổ chức hành nghề công chứng nhưng thực tế hiện nay có 4 huyện trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 tổ chức. Bên cạnh đó, mối quan hệ phối hợp giữa UBND xã, phường, thị trấn, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và các cơ quan có liên quan với các tổ chức hành nghề công chứng chưa chặt chẽ.
Qua khảo sát thực tế và lắng nghe các ý kiến tại các đơn vị được khảo sát, Ban Pháp chế cho rằng, có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh giữa các văn phòng công chứng, làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công chứng, nhất là tại địa bàn có nhiều Văn phòng công chứng. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu là trích phí công chứng lại cho các tổ chức tín dụng khi công chứng các loại hợp đồng bảo đảm nghĩa vụ dân sự…
Một số văn phòng công chứng thiếu hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên; công chứng hợp đồng, giao dịch vẫn còn một số sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định của pháp luật, thẩm định hồ sơ chưa chặt chẽ. Đội ngũ nhân viên thẩm định tại văn phòng công chứng là những người trực tiếp thẩm định hồ sơ, giúp việc cho công chứng viên nhưng có nhiều người là sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm.
Làm rõ hạn chế, bất cập
Theo Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Bùi Thanh Hương, công tác quản lý nhà nước về đất đai, hộ tịch còn một số bất cập, như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên chủ sử dụng đất không thống nhất; còn sai sót về nguồn gốc sử dụng đất, hoặc không ghi nguồn gốc sử dụng đất đã gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức hành nghề công chứng trong việc xác minh tài sản là nhà ở gắn liền với đất ở chưa được chứng nhận quyền sở hữu; giấy tờ, sổ sách hộ tịch một số giai đoạn bị thất lạc cũng gây khó khăn cho tổ chức hành nghề công chứng khi xác minh các vấn đề về nhân thân… Một nguyên nhân nữa là nhận thức của một số cơ quan, chính quyền về hoạt động công chứng, nhất là công chứng tư chưa đầy đủ vì cho rằng đây là hoạt động kinh doanh, các văn phòng công chứng là doanh nghiệp. Vì vậy, chưa quan tâm trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ để tạo sự thông suốt cho hoạt động công chứng.
“Thời gian tới, đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng nghiêm túc thực hiện quy định của Luật Công chứng và quy định pháp luật liên quan trong hoạt động công chứng. Tạo điều kiện để công chứng viên và đội ngũ nhân viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng, kiến thức pháp luật nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, góp phần tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa” - Phó Trưởng ban Pháp chế Bùi Thanh Hương nhấn mạnh.
Đoàn khảo sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh có biện pháp phát triển các tổ chức công chứng trên địa bàn phù hợp với Quy hoạch. Đồng thời, chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan chuyên môn tích cực phối hợp với các tổ chức hành nghề công chứng trong việc cung cấp thông tin liên quan, phục vụ hoạt động công chứng.