Chưa khắc phục triệt để sự phân tán, chồng chéo trong quản lý
3 năm kể từ khi Luật An toàn vệ sinh lao động chính thức có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có liên quan đã ban hành tới gần 100 văn bản hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này. Kết quả giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho thấy, công tác an toàn vệ sinh lao động trên phạm vi cả nước và ở các lĩnh vực ngày càng đi vào nền nếp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Dù vậy, việc thực hiện các cam kết về lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu đang đặt ra những yêu cầu mới đối với bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.
Khó tiếp cận và áp dụng
Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã có quá trình phát triển lâu dài trước khi được pháp điển hóa thành Luật An toàn vệ sinh lao động do QH ban hành năm 2015. Quá trình tổ chức thi hành chính sách, pháp luật về lĩnh vực này trong giai đoạn 2016 - 2018, theo ghi nhận của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đã bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Sau hơn 3 năm Luật có hiệu lực, về cơ bản, các văn bản hướng dẫn và tổ chức thi hành Luật đã được ban hành kịp thời, đúng thẩm quyền.
Tuy nhiên, giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng cho thấy, vẫn còn một vài nội dung của Luật đến nay vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết như tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động; quyền của người lao động không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện và trách nhiệm của Chính phủ quy định chi tiết việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện... Một số văn bản quy định chi tiết, hoặc hướng dẫn thi hành được ban hành sau thời điểm Luật có hiệu lực (có trường hợp ban hành chậm hơn đến 2 năm) liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ LĐ, TB và XH, Bộ Y tế. Điều đáng nói là việc xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành vẫn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu tính cập nhật, vẫn còn quy chuẩn được xây dựng, ban hành chưa đúng quy trình, thủ tục.
Một bất cập khác trong hệ thống chính sách, pháp luật cũng được Ủy ban Về các vấn đề xã hội chỉ ra là, số lượng văn bản hướng dẫn thi hành lớn, do nhiều cơ quan ban hành trong nhiều văn bản khác nhau, chủ yếu ở hình thức thông tư hoặc quyết định của Bộ trưởng đã gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận và áp dụng pháp luật. Thậm chí, còn tình trạng Chính phủ là cơ quan được giao quy định chi tiết thi hành Luật An toàn vệ sinh lao động nhưng khi ban hành Nghị định lại ủy quyền tiếp cho các bộ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành như Điều 48 Nghị định số 39/2016 tiếp tục ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ LĐ, TB và XH và bộ trưởng các bộ hướng dẫn thi hành Nghị định. Có văn bản được ban hành nhưng chất lượng, tính khả thi còn hạn chế, dẫn đến tình trạng phải sửa đổi, thay thế trong thời gian ngắn (chỉ khoảng một năm như Thông tư số 19/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ, TB và XH) hoặc gây vướng mắc trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng chỉ ra những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ như chưa khắc phục triệt để tình trạng phân tán, chồng chéo trong quản lý nhà nước, đặc biệt là trong thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có lúc có nơi còn thiếu sâu sát, chưa kịp thời phát hiện các vi phạm, nguy cơ mất an toàn hoặc có phát hiện nhưng lại xử lý chưa nghiêm; thiếu cương quyết trong việc yêu cầu người lao động thực hiện đúng, đủ quy trình, quy định, biện pháp kỹ thuật an toàn. Việc xử lý qua thanh tra, điều tra tai nạn lao động còn chưa thực sự nghiêm khắc, chế tài xử lý còn mang tính hình thức, chưa bảo đảm tính răn đe, chưa tạo được sự lan tỏa về ý thức trách nhiệm trong công tác ATVSLĐ...
Khâu yếu nhất
Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ cũng đã bộc lộ những hạn chế trên cả 3 nhóm chính sách phòng ngừa, hạn chế và khắc phục rủi ro. Trong đó, với phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Ủy ban Về các vấn đề xã hội chỉ rõ, một số doanh nghiệp và người lao động, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nghiêm túc thực hiện các quy định về trang bị và sử dụng bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp tiến hành đo kiểm tra môi trường lao động đạt thấp. Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm thực sự đến ATVSLĐ khi phải xử lý sự cố mà ít quan tâm đến việc thực hiện áp dụng các giải pháp đổi mới kỹ thuật, công nghệ để nâng cao hiệu quả phòng, ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Chỉ có khoảng 5-7% doanh nghiệp tuân thủ quy định báo cáo tai nạn lao động, còn lại hầu hết các doanh nghiệp đều vi phạm, thậm chí là che giấu, không khai báo khi tai nạn lao động xảy ra. Công tác thống kê về thực hiện ATVSLĐ, theo cơ quan giám sát, vẫn là khâu yếu nhất trong thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ.
Với nhóm chính sách khắc phục rủi ro, theo đánh giá của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, mới chỉ tập trung vào một số nội dung như chi trả trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng; số chi phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình, chi hỗ trợ phòng, ngừa, chia sẻ rủi ro đạt thấp, trong khi đó, nguồn Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp kết dư cao...
Cùng với việc ký kết, phê chuẩn và thực thi các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế và đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, nước ta sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế về lao động, trong đó có các tiêu chuẩn về ATVSLĐ. Những kết quả và tồn tại, hạn chế trong thực tiễn triển khai thi hành Luật An toàn vệ sinh lao động và các chính sách, pháp luật liên quan được chỉ ra trong chuyên đề giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ là cơ sở để QH, Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm bảo đảm các chính sách của Luật đi vào cuộc sống với hiệu quả cao nhất.
Trên tinh thần này, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị. Với QH là cần tăng cường giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về ATVSLĐ. Xem xét, bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường lao động vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư.
Với Chính phủ, cơ quan giám sát đề nghị, cần chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đánh giá sự tương thích giữa Luật An toàn vệ sinh lao động với các luật chuyên ngành có quy định liên quan, nhất là nội dung về huấn luyện ATVSLĐ trong các lĩnh vực chuyên ngành. Nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2016/NĐ-CP về phân công trách nhiệm giữa các bộ có liên quan trong công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo hướng tập trung vào một cơ quan đầu mối giúp Chính phủ nhằm thống nhất quản lý, khắc phục triệt để sự phân tán, chồng chéo trong quản lý nhà nước, chấm dứt tình trạng một tổ chức hoạt động kiểm định phải xin cấp phép ở nhiều bộ như hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Đánh giá việc thực hiện Nghị định số 37/2016/NĐ-CP về hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cắt giảm điều kiện, thủ tục để doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ...