Chùa Diệc

Tân An 08/06/2008 00:00

Tọa lạc ở phía Bắc TP Vinh, Nghệ An, chùa Diệc được dân dựng lên từ thời Vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786). Đây là địa chỉ văn hóa – lịch sử lớn của tỉnh Nghệ An, gắn với một sự kiện quan trọng về văn học sử Việt Nam.

      Nhiều loài chim đến ở vườn chùa, đông đúc, nhưng không có loài chim diệc. Tuy nhiên, dân chúng vẫn truyền tụng một câu chuyện về loài chim linh thiêng này. âËy là vào một năm xảy ra hạn hán lớn, đầm hồ quanh vùng khô cạn đến mức cá, tôm chết khô xác, chim muông bỏ đi hết. Đồng đất, làng mạc trở nên điêu tàn. Nhưng, trong tình thế tuyệt vọng đã xảy ra một điều kỳ lạ. Sau một đêm, dân chúng thức dậy và thấy rất nhiều chim diệc bay về. Và trời đang nắng khô khốc, mây đen bỗng bay về ùn ùn, rồi mưa giông cuộn tới. Mưa trút xuống, thật thỏa lòng con người và đất đai, cây cỏ. Dân chúng sung sướng kéo nhau ra đồng, bãi, bỗng sững sờ trước cảnh tượng những con chim diệc nằm chết la liệt trên mặt đất. Người ta nhặt xác chim diệc, gom lại và đắp thành một ngôi gò... Sau đó, các bậc kỳ lão trong vùng nêu ý định dựng bên gò một ngôi chùa. Dân chúng đều hưởng ứng và người ta gọi ngôi chùa bằng cái tên loài chim dường như đã tuẫn nạn cho vùng quê này, chùa Diệc.
      Cùng với thời gian, chùa Diệc được tu bổ thêm, rồi được trùng tu lớn và còn được mở rộng, trở thành một ngôi chùa đẹp và lớn vào bậc nhất ở Nghệ An thế kỷ XIX. Khi Vinh trở thành một thị xã, thủ phủ của Nghệ An thì chùa Diệc đã là một công trình có giá trị kiến trúc và lịch sử. Chùa có thượng điện dài 13,6m, rộng 8,6m; Có hạ điện dài 10,6m, rộng 8m; Có tam quan với lầu chuông đường bệ. Trong chùa có 17 pho tượng thờ đẹp và quý có giá trị văn hóa – lịch sử. Vườn chùa u tịch và cổ kính. Đặc biệt, trong chùa có 2 tấm bia đá lớn, cao gần 2m, rộng 1m. Trước cổng tam quan là một hồ lớn, êm đềm và trong tĩnh. Đối diện với tam quan chùa Diệc, phía bên kia hồ là Trường Quốc học Vinh được xây dựng từ năm 1920.
      Đã từ lâu, chùa Diệc là nơi in dấu chân của nhiều tao nhân, mặc khách, là nơi lui tới của nhiều chí sỹ yêu nước. Vào những năm đầu thế kỷ XX, các cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đã chọn chùa Diệc làm địa điểm bí mật liên lạc với đồng chí của mình. Ngày 14.3.1926, cụ Phan Chu Trinh từ trần, lễ truy điệu cụ trở thành một phong trào yêu nước diễn ra rộng khắp cả nước. Chính tại vườn chùa, hầu hết học sinh Trường Quốc học Vinh đã có mặt để làm lễ truy điệu cụ. Từ năm 1927, tại Trường Quốc học Vinh đã có tổ chức Chi bộ thanh niên cách mạng đồng chí hội. Nhiều cuộc họp của Chi bộ tổ chức ngay trong vườn chùa. Trong phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh 1930 – 1931, TP Vinh sôi động với khí thế hừng hực của xóm thợ Trường Thi, của nông dân làng Đỏ... thì chùa Diệc là địa điểm náu mình của các chiến sỹ cộng sản. 
      Có thể nói, cùng với Trường Quốc học Vinh, chùa Diệc là địa chỉ văn hóa – lịch sử lớn của tỉnh Nghệ An. Và còn có một sự kiện quan trọng về văn học lịch sử liên quan đến chùa Diệc. Tại đây, năm 1926, nhà giáo Lê Thước đã phát hiện được văn bản gốc tác phẩm Văn chiêu hồn (tức Văn tế thập loại chúng sinh) của thi hào dân tộc Nguyễn Du. Nhờ duyên may này mà văn học Việt Nam có lại được văn bản gốc của Văn chiêu hồn bất hủ – tiếng kêu thương nhân ái, an ủi cõi đời, an ủi cả mười loại chúng sinh. Bởi thế, càng nhớ tới huyền thoại xưa, đàn chim diệc mang cơn mưa cứu nạn trở về, rồi đàn diệc chết đi như một sự hy sinh tận cùng cho đời sống một vùng quê. Và dường như, ở miền quê xứ Nghệ, người ta cảm thấy trong mười loại chúng sinh mà thiên tài Nguyễn Du muốn chiêu hồn có cả loài chim diệc ngày xưa...
      Bom đạn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã làm chùa Diệc bị hư hại nhiều. Cộng với sự quản lý không tốt, nên chùa bị phá hủy gần hết. Phần còn lại của chùa hiện chỉ là cổng chính của tam quan, trên đó người ta đã gắn lên một tấm biển với dòng chữ: Di tích lịch sử và nghệ thuật cấm vi phạm. Mong sao những người quan tâm đến di tích lịch sử và nghệ thuật này biết và tự hào rằng, chỉ riêng sự kiện tác phẩm Văn chiêu hồn từng từ nơi đây trở về với kho tàng văn học nước nhà, thì chùa Diệc mãi mãi còn trong đời sống tinh thần dân tộc Việt Nam.

Tân An

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chùa Diệc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO