Chưa có vaccine, doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình

- Thứ Sáu, 11/06/2021, 05:41 - Chia sẻ
'Trong khi chưa có vaccine, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, có giải pháp cụ thể để sản xuất an toàn', Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nói trong cuộc gặp giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ngày 10.6.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đối thoại với các doanh nghiệp về những tác động của dịch Covid-19

Liên kết tìm vaccine

Vấn đề được đặt ra ngay đầu hội nghị là tiến độ triển khai tiêm vaccine. Các doanh nghiệp cho rằng, tiêm vaccine là yếu tố quyết định và căn cơ để đối phó với dịch Covid-19. 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định chủ trương của thành phố là tiêm vaccine cho toàn bộ người dân và thành phố đang triển khai mua và tiêm vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Mục tiêu như vậy nhưng sẽ ưu tiên một số đối tượng vì hiện rất khó tiếp cận được nguồn vaccine. Chính phủ đã mở rộng cơ chế cho các doanh nghiệp được tiếp cận vaccine. Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ kiểm tra chất lượng và kế hoạch tiêm. Thành phố và các doanh nghiệp cần mở rộng và tăng cường hợp tác, liên kết để tìm nguồn vaccine. "Ai có nguồn cứ báo thẳng đến UBND thành phố, với tinh thần mang vaccine về càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt", ông nhấn mạnh. Trong khi chưa có vaccine, ông đề nghị doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, có giải pháp cụ thể để sản xuất an toàn, tự bảo vệ mình, duy trì hoạt động sản xuất trong năng lực chủ động của mình. 

Tất cả kịch bản tăng trưởng sẽ thất bại nếu không nhập được vaccine, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS) nhận định. Ông cũng đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế của thành phố. Theo đó, với kịch bản thấp, nếu khống chế được dịch bệnh trong tháng 8, tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng tăng 5,02%, cả năm đạt 4,9%. Với kịch bản trung bình, nếu đến tháng 7 kiểm soát được dịch thì tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đạt 5,26%, cả năm 5,53%. Với kịch bản cao, trong điều kiện khống chế được dịch trong quý II, tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng là 5,74% và cả năm đạt 6,37%.

Bảo đảm lưu thông hàng hóa bình thường

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, 5 tháng qua, hơn 42.500 công nhân tại thành phố bị mất việc hoặc ngừng việc; 9.308 doanh nghiệp ngừng hoạt động do Covid-19, tăng 23,79% so với cùng kỳ. Đến nay thành phố cơ bản đã kiểm soát được đợt lây nhiễm thứ 4. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thành phố nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đã bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Tại hội nghị, doanh nghiệp kiến nghị thành phố chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và lực lượng kiểm tra các chốt tại chỗ tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu từ nơi sản xuất, kho hàng đến điểm bán hàng bình ổn thị trường, khu cách ly tập trung, khu dân cư bị cách ly, bệnh viện… trong mọi tình huống.

Tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” giữa các tỉnh, thành phố với doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh gần đây làm gián đoạn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh Chu Tiến Dũng cho rằng điều này đi ngược chủ trương thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Do vậy, thành phố cần sớm có văn bản trao đổi, thống nhất với các địa phương liên quan để bảo đảm cho hoạt động lưu thông hàng hóa không bị đình trệ.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết thành phố tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép bằng 3 nhóm giải pháp trọng tâm. Trước hết, triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành. Song song với đó, triển khai chính sách hỗ trợ tài chính và phi tài chính của thành phố. Ngoài ra, thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021; hỗ trợ 100% kinh phí khi doanh nghiệp tham gia Chương trình xúc tiến thương mại trong nước...

Đối với doanh nghiệp du lịch, đề nghị kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất, tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021; cho phép doanh nghiệp lữ hành giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời gian 2 năm để giúp tạo dòng tiền hoạt động; điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất trong năm 2021 và những năm tiếp theo; triển khai, đưa hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch quốc gia đi vào thực tế...

Nhật Trường